Phép màu Giáng sinh từ đâu đến?

24/12/2024 - 21:35

PNO - Mỗi mùa Giáng sinh đến, những túi quà ông già Noel vác nặng ngoài kia, có món quà nào không từ mồ hôi nước mắt của cha mẹ?

Mẹ cha dù vất vả cũng cố gắng có món quà cho con dịp Gíang sin h (ảnh các bé trường mn Bông Sen huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) nhận quà từ ông già Noel)
Các bé trường mầm non Bông Sen (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) nhận quà từ ông già Noel (ảnh tác giả cung cấp)

Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh thật dễ chịu. Trên đường tôi đi làm, thấy mọi nhà đang trang hoàng rực rỡ để đón Giáng sinh. Các cửa hàng bày cây thông, treo trái châu, hộp quà. Khúc nhạc Giáng sinh vang lên rộn ràng.

Tôi muốn bày biện gì đó cho nhà mình nên ghé cửa hàng tìm mua vài món đồ để trang trí cây thông. Một người đàn ông mặc quần áo bảo hộ lao động, dắt một bé trai chừng 4 tuổi cũng đang chọn mua đồ.

Cậu bé nâng lên đặt xuống mấy con rô bốt, siêu nhân… Cầm món đồ nào cậu bé cũng quay sang nhìn cha, có ý hỏi “con mua cái này được không?”. Hẳn đây là cậu bé ngoan, biết cha không có nhiều tiền nên e dè. Người cha mỉm cười, khuyến khích: “Con thích gì cứ lấy, quà Noel ba tặng con”.

Quay sang tôi, anh phân bua: “Thuê ông già Noel tốn thêm mớ tiền, tôi tự làm “ông già Noel” luôn cho tiện”. Nhiều khách hàng giống tôi, bật cười trước ý tưởng thiết thực của anh.

Chọn lựa chán chê, sau cùng cậu bé chọn chiếc xe điều khiển giá gần 1 triệu đồng. Lúc trả tiền, anh dặn con: “Có quà tặng thì phải ngoan, không ngoan là năm sau “ông già ba” xù kèo”.

Cậu bé níu tay cha, nhảy chân sáo ra cửa. Nhìn bộ đồ bảo hộ và chiếc xe máy anh chạy đã cũ kỹ, tôi biết để mua tặng món quà cho con, hẳn anh phải nhịn bớt nhiều thứ. Tình thương và sức lao động miệt mài của người cha đã biến thành phép màu trong hình dạng món quà mơ ước của con, để con có Giáng sinh rộn ràng.

Tôi nhớ Giáng sinh năm 2021 khi đại dịch COVID-19 vừa quét qua, nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác bị thất nghiệp, giảm lương. Chồng tôi lấy cây thông cũ mua từ 3 năm trước, mang ra chùi rửa. Anh cắt giấy A4 để thay dây kim tuyến, quả châu thì chế từ quả bóng tennis… 2 đứa con xúm lại cùng cha cắt dán, trang trí cây thông. Tôi xót dạ vì tài khoản chỉ còn ít tiền, không thể đãi cả nhà bữa ăn ngon.

Ngay chiều hôm ấy má chồng điện, bảo ra bến xe nhận đồ. Má gửi lên gà vịt rau củ và cả túi trái cây. Trong khi hai đứa con nhảy nhót vui mừng, tôi lại bùi ngùi trong dạ. Ba chồng cũng vừa mắc COVID, má vất vả chăm nom nhưng vẫn không quên dành dụm gửi quà cho con cháu. Thùng quà của ba má như thể phép màu, nhắc tôi nhớ còn cha mẹ là còn được yêu thương, còn được hạnh phúc.

Cô em đồng nghiệp của tôi kể rằng, lúc nhỏ cô không có thói quen viết thư cho ông già Noel. Cô nghĩ ông già Noel chỉ tặng quà cho những trẻ nhà giàu. Ba mẹ cô quanh năm cắm mặt ngoài đồng, cày thuê cuốc mướn. Họ cũng không có khái niệm về ông già Noel sẽ tặng quà trong đêm Giáng sinh. Từ năm học lớp 10, cô bắt đầu viết thư cho ông già Noel, cô luôn ước một điều: ba mẹ sẽ có đủ tiền cho cô vào đại học. Viết vậy thôi, cô biết điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Cuối năm học, cô nhận giấy báo trúng tuyển vào một trường đại học danh giá. Cô khóc một trận rồi xếp sách vở vào ngăn tủ. Ba cô bất ngờ mang ra con heo đất. Ông cười cười, nói: “Ông già Noel đã nghe thấy điều ước của con, ông gửi xuống con heo đất”. Cô vỡ oà khi số tiền trong đó đủ đóng học phí năm đầu và mấy tháng tiền trọ. Cô biết ba mẹ đã biến điều ước của cô thành hiện thực. Họ chính là ông bà già Noel, là phép màu của cô.

Phép màu trong đời thực là tình thương, là cố gắng không ngừng nghỉ của mẹ cha, để biến những điều ước của con cái thành hiện thực. Mỗi mùa Giáng sinh đến, những túi quà ông già Noel vác nặng ngoài kia, có món quà nào không từ mồ hôi nước mắt của cha mẹ? Những ông-bà-Noel-cha-mẹ luôn có trong tay phép màu kỳ diệu. Họ mới là người đáng được ghi ơn và trân trọng.

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI