Đêm 4/8/1987, nhiếp ảnh gia James L.Stanfield đã chụp lại một trong những khoảnh khắc ý nghĩa nhất của ngành y học hiện đại. Đằng sau bức ảnh là câu chuyện đáng nhớ về một vị bác sĩ đặc biệt với y đức, tầm nhìn và lòng dũng cảm hiếm có.
|
Bác sĩ Zbigniew Religa và vợ |
Trong bức ảnh đoạt giải Tác phẩm ảnh của năm trên tạp chí National Geographic năm 1987, một chuyên gia phẫu thuật đứng tuổi với đôi mắt mệt mỏi đang kiên nhẫn ngồi cạnh, theo dõi những chỉ số sinh tồn của một bệnh nhân hôn mê. Ở trung tâm bức ảnh là bác sĩ Zbigniew Religa. Người ông vừa cứu sống sau “cuộc chiến sinh tử” kéo dài 23 giờ không nghỉ trên bàn mổ chính là trường hợp cấy ghép tim thành công đầu tiên tại Ba Lan.
Religa là một trong những bác sĩ phẫu thuật tim tiên phong nổi tiếng nhất ở quốc gia Trung Âu. Thế nhưng, ít ai biết trước khi được công nhận bằng danh hiệu cao quý đó, ông phải nỗ lực miệt mài để vượt lên hàng loạt chướng ngại có lúc tưởng chừng quá lớn giữa giai đoạn đầy khó khăn của nền y học bản địa. Tấm ảnh năm 1987 do James L.Stanfield chụp vào thời điểm vị phóng viên ảnh kỳ cựu đến Ba Lan điều tra về thực trạng xuống cấp, thiếu thốn trầm trọng cơ sở vật chất ngành y đến mức báo động những năm 1980. Cơ duyên đã giúp Stanfield gặp gỡ nhóm chuyên gia phẫu thuật của Religa và nhờ đó lan tỏa câu chuyện truyền cảm về ông.
|
Bức ảnh đoạt giải Tác phẩm ảnh của năm của tạp chí National Geographic năm 1987 - ẢNH: JAMES L.STANFIELD |
“Trái tim trong chiếc ba-lô”
Zbigniew Eugeniusz Religa sinh ngày 16/12/1938 ở làng Miedniewice, cách thủ đô Warszawa 50km. Cha mẹ ông đều là giáo viên. Lúc nhỏ, ông không hề hứng thú với các môn khoa học mà thường thích ngao du, nghịch ngợm cùng bạn bè. Tuy nhiên, nhờ cha mẹ nghiêm khắc dạy dỗ, ông vẫn đạt thành tích học tập tốt và thi đậu vào trường y. Bộ môn nghiên cứu đầu tiên Religa say mê, đáng ngạc nhiên, không phải y khoa mà là triết học.
Chỉ khi vào Đại học Y Warszawa, tình yêu dành cho y học mới dần nảy nở trong ông. Tốt nghiệp, Religa làm việc tại khoa phẫu thuật ở một bệnh viện thành phố. Năm 1973, ông lấy bằng tiến sĩ và quyết định sang New York, kế đó là Detroit (Mỹ), du học chuyên ngành phẫu thuật tim. Đây là khoảng thời gian đặc biệt quý báu trong sự nghiệp của Religa khi ông lần đầu được tiếp cận những phương pháp điều trị, thiết bị y khoa tối tân hàng đầu thế giới.
Trở về quê nhà vào đầu thập niên 1980, Religa phát huy lượng kiến thức dồi dào học được tại Viện Tim mạch Warszawa. Năm 1984, mong muốn mở ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng, ông thành lập trung tâm phẫu thuật tim tọa lạc tại Zabrze - nơi ngày nay là Trung tâm Điều trị bệnh lý tim mạch Silesian, một trong những bệnh viện chuyên khoa tim uy tín nhất Ba Lan. Đây đồng thời là địa điểm diễn ra ca đại phẫu nổi tiếng vào mùa thu
năm 1987.
Tự tin, nhạy bén, có tầm nhìn, luôn ân cần với người bệnh, thân thiện nhưng cũng rất nghiêm khắc khi hướng dẫn các bác sĩ trẻ… là vài trong nhiều dấu ấn thú vị về ông, được đồng nghiệp và học trò thuật lại. Bên trong phòng mổ, để tạo không khí vui tươi cho đội ngũ y, bác sĩ cùng làm việc, ông thường ngâm nga bài hát kinh điển của quân đội Ba Lan, Serce w plecaku (Trái tim trong chiếc ba lô).
|
Ông Tadeusz Żytkiewicz - bệnh nhân trong tấm ảnh nổi tiếng - nhiều năm sau ca mổ ghép tim thành công. Ông Żytkiewicz mất năm 2017, thọ 96 tuổi - ẢNH: NATIONAL GEOGRAPHIC |
Ý chí tranh đấu vì sinh mạng bệnh nhân là điều không thể phủ nhận ở vị bác sĩ tài năng. Religa không ít lần dấn thân vào những cuộc phẫu thuật căng thẳng tột độ, có khi kéo dài tới 37 giờ liên tục, chỉ mong giúp một người lâm trọng bệnh giành giật thêm vài tháng, thậm chí vài tuần để sống.
Trước Tadeusz Żytkiewicz, bệnh nhân thứ 19 được nhóm của Religa ghép tim và là ca thành công đầu tiên đã sống thọ thêm 30 năm, chặng đường đưa vào ứng dụng kỹ thuật cấy ghép tiến bộ hơn, làm thay đổi cả bối cảnh ngành y Ba Lan lúc bấy giờ không hề dễ dàng với Religa lẫn những đồng sự cùng chí hướng.
Hành trình gian truân dẫn đến bức ảnh lịch sử
Hồi tưởng về vị đồng nghiệp quá cố, giáo sư Marian Zembala - cựu Bộ trưởng Y tế Ba Lan (năm 2015), người từng đồng hành cùng Religa trong những ca cấy ghép đầu tiên tại Trung tâm Phẫu thuật tim Zabrze - mới đây đã có nhiều chia sẻ lý thú trên tạp chí khoa học xã hội Feed (Bồ Đào Nha): “Bắt đầu từ năm 1985, khi triển khai dự án cấy ghép tim, dẫn đầu bởi giáo sư Religa, chúng tôi biết mình đang tham gia một sự kiện phi thường. Ca ghép tim thành công đầu tiên trên thế giới do bác sĩ Christiaan Barnard thực hiện tại Nam Phi năm 1967. Tuy nhiên, bệnh nhân trong ca phẫu thuật đó chỉ sống tiếp được 18 ngày. Nỗ lực cấy ghép tim đầu tiên tại Ba Lan diễn ra ba năm sau đó nhưng thất bại. Thời điểm ấy ở Ba Lan, hoạt động cấy ghép nội tạng gặp rất nhiều trở ngại. Trước năm 1985, chúng tôi chưa có loại thuốc ức chế miễn dịch hiệu quả (giúp ngăn chặn nguy cơ cơ thể người nhận đào thải cơ quan cấy ghép). Ngoài ra, trong quá khứ, hệ quả của tình trạng tăng áp lực động mạch phổi (thường là nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, loạn nhịp tim, thậm chí suy tim) khi phẫu thuật chưa được thấu hiểu cặn kẽ để có phương án điều trị phù hợp”.
|
Bác sĩ Religa chuẩn bị trước giờ phẫu thuật |
Zembala kể chi tiết về dự án cấy ghép: “Nhóm chuyên gia tại Trung tâm Zabrze gồm những cá nhân tiên phong trong ngành phẫu thuật, từng du học ở Anh, Mỹ; nổi bật là bác sĩ Religa. Tháng 11/1985, sau hai tháng căng thẳng chuẩn bị, ca ghép tim đầu tiên được tiến hành. Đáng tiếc, do ảnh hưởng bệnh lý nền nặng, bệnh nhân có biến chứng đông máu, suy gan, thận và không qua khỏi sau một tuần.
Khi trông thấy quả tim cấy ghép đập mạnh mẽ trong cơ thể bệnh nhân, tôi vẫn nhớ rõ niềm vui chung của đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi. Thế nhưng về lâu dài, có nhiều yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của người tiếp nhận cấy ghép. May thay, đến năm 1987, bệnh nhân Tadeusz Żytkiewicz đã trải qua ca ghép tim suôn sẻ. Công lớn trong dự án y khoa đầy tâm huyết này thuộc về bác sĩ Religa”.
Qua hơn ba thập niên, “phép màu” Religa và nhóm đồng sự tạo ra trong phòng mổ khi ấy được ghi lại trên tấm ảnh
Theo nhiếp ảnh gia James L.Stanfield, bức ảnh không chỉ nói về một ca phẫu thuật mà còn có ý nghĩa thay đổi thế giới bởi đã nói lên những khía cạnh khác nhau của y học hiện đại và sự thành công của ca mổ là minh chứng sống động cho thấy không có gì là không thể. |
mang ý nghĩa vô giá, đánh dấu bước tiến quan trọng góp phần đổi mới lĩnh vực phẫu thuật cấy ghép nội tạng tại Ba Lan. Sau thành công năm 1987, Religa nghiên cứu lắp đặt thêm thiết bị hỗ trợ tâm thất (một dạng ống bơm điện cơ được ghép vào tim để hỗ trợ tuần hoàn máu) tại Trung tâm Zabrze. Ngày nay, thiết bị ông góp công phổ biến đã giúp cứu sống thêm rất nhiều bệnh nhân mắc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng.
Religa mất năm 2009 vì ung thư phổi. Tại đám tang, cả Stanfield và cựu bệnh nhân Żytkiewicz (lúc này đã 88 tuổi) đều có mặt. Żytkiewicz cầm trong tay bức ảnh lịch sử suốt tang lễ để tưởng nhớ vị bác sĩ tận tâm đã cứu sống ông năm xưa.
Giữa khung ảnh, Stanfield nắm bắt trọn vẹn sự mệt mỏi, căng thẳng bao trùm không gian. Trợ lý phẫu thuật - bác sĩ Romuald Cichoń - ngủ tạm nơi góc phòng do kiệt sức sau ca mổ dài, chỉ còn Religa với ánh mắt chưa dứt lo âu chăm chú quan sát từng chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Dẫu nhân vật chính trong ảnh đã mất, câu chuyện lôi cuốn về ông, người thầy thuốc cương trực với trái tim quả cảm, vẫn không ngừng được nhắc nhớ.
Bức ảnh truyền tải đến người xem một thông điệp vượt thời gian, rằng y học có thể biến những điều không thể thành có thể. Bên trong phòng mổ, các bác sĩ sẽ chiến đấu đến kiệt sức như những người hùng.
Như Ý