Phèn ơi

18/02/2018 - 19:00

PNO - Phèn đau buồn khi phải vĩnh biệt chủ. Những người bạn tù của Vạn sau này trở về đất liền kể rằng, khi tàu đưa những người tù được phóng thích rời Côn Đảo, Phèn tru suốt ngày đêm, rên rỉ, lăn lộn đến đứt ruột mà chết.

Hơn một năm ngày Jeannette (Jeanne Anna Villarialle) - nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết  của tôi ra đi (bà mất ngày 26/12/2016) nhưng câu chuyện bà kể về con chó Phèn ngoài Côn Đảo với người tù Nguyễn Văn Vạn cứ ám ảnh tôi , dù câu chuyện ấy đã được viết ra.

Một con chó tình nghĩa, trung thành, biết khóc là điều có thật, nơi một hòn đảo từng được mệnh danh là  “địa ngục trần gian”. Ngày nay, Côn Đảo đã là đảo ngọc, còn mấy ai nhớ tiếng rú ai oán của con chó Phèn năm xưa trong giờ ly biệt…

Phen oi
 

 - Này, ông “đốc tờ” coi con chó này ăn thịt được không?

Viên quản tù này tuy thèm thịt chó nhưng cũng thuộc loại kỹ tính. Ông ta từng nghe nói nếu ăn thịt những con vật bệnh tật cũng sẽ bị truyền bệnh, nên hơi ớn khi bắt được con chó Phèn ghẻ lở. Ông ta xổ từ trong chiếc bao ra con chó  đã bị trói gô bốn chân. Con chó đã rất yếu. Nó không còn đủ sức giãy giụa, rên ư ử.

Vạn đăm đăm nhìn con chó. Dường như nghe được hai con người đang nói với nhau về sự sống chết của mình, con Phèn cố ngẩng đầu, ngước nhìn Vạn bằng đôi mắt đầy ghèn, giàn giụa nước. Ánh mắt như van lơn, cầu cứu của nó khiến Vạn mủi lòng. Anh nhìn kỹ con chó Phèn lần nữa, nhận ra dưới bụng nó có một mụt nhọt gần bằng quả chanh, đang mưng mủ.

Anh hiểu con chó rên rỉ không chỉ vì bị trói mà còn do mụt nhọt hành hạ. “Còn nước còn tát, bằng mọi cách phải cứu con chó Phèn!”. Vạn lùi lại, nhún vai, tỏ vẻ kinh hãi:

- Ôi trời! Con Phèn này Diêm Vương thấy nó cũng chê, thầy không ngán à?

 Viên quản tù cười gượng gạo, chống chế:

- Thì bắc nước sôi, cạo lông, ướp mẻ, riềng, ngũ vị hương xào lên cũng thơm phức. Thêm vài xị đế, mấy tay bợm nhậu ngầu lên còn biết gì. Có thằng còn bắt cóc gặm, tưởng đầu cá trê. Nhưng nói thiệt, thà khuất mắt, đằng này thấy nó ghẻ lở, tui cũng ớn. Thôi, “đốc tờ” xử nó giùm tôi đi!

Vạn bèn bỏ con chó Phèn vào bao, vác xuống bãi cát. Anh mở bao, lôi con chó  ra, đặt nó trên lớp lá bàng khô. Con Phèn nhìn Vạn, rên ư ử, như nói lời cảm ơn ân nhân mà không đủ sức. Vạn biết nếu dùng dao mổ mụt nhọt, theo bản năng, vì đau đớn, nó sẽ giãy giụa, cắn vào tay anh. Một ý nghĩ lóe lên. Vạn tìm một cây dài độ khoảng một sải tay, loay hoay cột con dao nhỏ vào đầu cây. Vạn lùi lại. Bằng một động tác chính xác, anh ấn đầu dao vào mụt nhọt của con Phèn.

Con chó rú lên thảm thiết. Máu mủ từ mụt nhọt của nó bắn ra, vọt thành tia, làm lấm lem cả mặt mũi, quần áo Vạn. Mùi tanh tưởi tiết ra từ vết thương con chó  làm Vạn cố kìm nén cơn nôn mửa. Phèn rên lên sung sướng vì trút bỏ được cái mụt nhọt oan nghiệt. Vạn vuốt lưng nó, vỗ về:

- Nhẹ người rồi phải không?

Anh cắt dây mở trói cho con chó. Nó lăn lộn, cố đứng lên rồi khuỵu xuống. Mấy lần đứng lên bất thành, con Phèn cuối cùng cũng cố lết về phía Vạn. Nó gật đầu, vẫy đuôi, sủa lên ăng ẳng, như nói lời cảm ơn ân nhân. Anh cúi xuống nó, thì thầm:  

- Chưa khỏe ngay đâu. Để tao nặn hết máu mủ ra, rịt thuốc cho mày.

Vạn lên bờ, tìm một nắm lá thuốc, cho vào miệng nhai nát, rồi nhả ra, đắp vào vết thương cho con Phèn. Anh nhặt chiếc áo cũ của ai đó bị sóng đánh lên bờ, xé ra thành từng sợi, nối lại thành sợi dây dài, quấn ngang bụng con chó mấy vòng. Anh vuốt nhẹ lên lưng nó:

- Phèn. Tao đặt tên cho mày là Phèn nhé! Nếu không gặp tao, giờ mày đã bị nhúng vô nồi nước sôi rồi. Tay trật tự nghĩ tao đã liệng mày xuống biển. Mày cố giữ mình, kiếm chỗ dưỡng thương. Khi cần gặp tao, cứ hú mấy tiếng, tao sẽ hú trả lời. Mai mày muốn thay băng, gặp tao nhé! Tao ở đầu dãy phòng giam gần nhà thương đó.

Vạn mỏi mệt bước lên con đường về trại giam. Phèn lê bước theo sau, quấn quýt chẳng muốn rời…

  ***

Viên quản tù nhờ Vạn quăng chó Phèn xuống biển hôm nào vô cùng kinh ngạc khi nhận ra sự hồi sinh của nó. Vạn khẩn cầu hắn:

- Hôm đó, tôi vâng lệnh thầy, định cho nó một nhát, ném xuống biển cho rồi. Nào ngờ mũi dao đâm trúng mụt nhọt. Nó chẳng những không chết mà còn cố bơi vào bờ. Chó là loài vật khôn ngoan, trung thành, dường như hiểu được tiếng người. Sau vụ đó, nó cứ quấn quýt với tôi. Thôi, xin ông mở lòng tha cho nó.

Viên quản tù trầm ngâm:

- Kể ra đây cũng là một vụ hy hữu trên đảo. Tôi nghĩ con chó này cũng là vật linh đây. May mà tôi không làm thịt nó. Người ta nói đụng tới mấy con thành tinh đó xui lắm. Ông dám cưu mang nó thì ráng chịu.

Phen oi
 

Nhờ khoác lên mình huyền thoại về việc “chết đi sống lại” mà trong số chó hoang ở Côn Đảo, Phèn trở thành tay “anh chị” có số má. Nó qua lại các trại giam, vào được cả cat-sô, lang thang ở hầm đá, chuồng bò, thậm chí phòng biệt giam dành cho tử tội… Đàn chó được nhà cầm quyền nuôi nấng đầy đủ, béo tốt, được huấn luyện để truy đuổi những tù nhân vượt ngục cũng tỏ ra kiêng dè, “lễ phép” với Phèn. 

Sáng Chủ nhật, Vạn lại đến nhà thờ đọc kinh, như trước những ngày nhóm Bảy Thẹo vượt ngục. Anh thầm chế nhạo mình: “Đã lỡ đóng kịch là con chiên ngoan đạo thì phải tròn vai đến cùng”.

Trên đường đến nhà thờ, Vạn vui mừng nhận ra Phèn. Anh không đoán nổi nó đến từ banh nào, hầm tối nào, cat-sô nào hay từ một hốc đá bí mật nào. Nhưng có một điều anh biết chắc là hôm nay, trong mắt Phèn ngước nhìn anh, có điều gì khang khác. Vạn đùa giỡn với Phèn, bắt Phèn giơ bốn vó lên trời, cho anh kiểm tra lông lá…

Một vật gì cồm cộm ẩn trong lớp lông cổ của Phèn. Vạn nhanh tay gỡ một lá thư nhỏ xíu, được quấn thành hình chiếc đũa, bọc trong tấm giấy dầu. “Đừng quên gạo hẩm khô mục!”. Vạn hiểu đó là mệnh lệnh của tổ chức, chuẩn bị cho một đợt đấu tranh mới trong tù. Những người tù chọn hình thức nhịn ăn để phản đối chế độ bóp siết tù nhân, sự tăng cường mạng lưới chỉ điểm của chúa đảo, gây ra không khí nặng nề, ngột ngạt, nghi kỵ trong các phòng giam.

Nhưng nhà cầm quyền Côn Đảo cũng từng đối phó với những cuộc tuyệt thực tù nhân. Họ bỏ mặc tù nhân tuyệt thực, muốn xem gan những người tù lớn đến đâu. Cuộc đấu tranh chỉ thắng lợi khi có sự đoàn kết, hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt ở bộ phận nhà bếp…

Vạn hiểu nhiệm vụ của mình khi nhận mệnh lệnh của bí thư Đại từ “giao liên” Phèn. Do được Ammont cho ra ngoài kiếm một số cây thuốc chữa bệnh cho một số gia đình công chức, binh lính, Vạn trở thành đầu mối quan trọng cho anh em các trại tù.

Đến khu nhà bếp, anh vận động anh em tìm cách tiếp tế lương thực, thuốc men, đường, sữa; bởi khi cuộc đấu tranh nổ ra, chắc chắn sẽ có người bị đàn áp, xé lẻ, bị nhốt vào hầm đá, bỏ đói khát, bị phạt ăn cơm lạt… Anh tìm đến Ammont, xin thêm một số thuốc men. Ammont nhìn Vạn, nheo mắt hỏi:

- Anh đang giấu chiếc thuyền mây ở đâu vậy?

Vạn nghiêm nét mặt:

- Thưa ngài Ammont, tôi đến đây không phải để nghe câu đùa chết người của ông. Tôi chỉ muốn báo cáo tình hình nhà thương ngoài đảo đã trở nên quá chật hẹp, không chứa hết tù nhân bị bệnh. Thời gian qua, tôi đã cật lực chữa bệnh cho tù nhân bằng châm cứu, cây cỏ có sẵn ngoài đảo, nhưng như ông biết đó, có những chứng bệnh phải có thuốc đặc trị như lao phổi, sốt rét, kiết lỵ... và vitamin nữa, cần, rất cần, bởi chế độ ăn cơm hẩm khô mục đã đẩy tù nhân đến những chứng bệnh nguy hiểm, chết người hàng loạt.

Ông có muốn nghe tôi nói lên những con số đau lòng không? Hơn tám mươi phần trăm tù nhân ngoài Côn Lôn bị bệnh lao, hầu hết bại liệt do bị còng xiềng lâu ngày, thiếu sinh tố, rau xanh…

Ammont quạu quọ cắt lời Vạn:

- Thôi, đủ rồi! Tôi sẽ tìm cách tăng lên chút ít những gì anh yêu cầu, trong khả năng của tôi - Ammont cúi xuống, thì thầm, dúi vào tay Vạn chiếc chìa khóa - Tối nay, có một chiếc xuồng máy ngoài cầu tàu, đã được khóa cẩn thận. Tôi đã để sẵn trong chiếc xuồng một gói quần áo, giấy thông hành; cả lương thực, thuốc men, la bàn… Mùa này biển êm, anh chỉ việc lái một mạch đến nơi nào anh thích. Chúc anh may mắn! 

Ammont bắt chặt tay Vạn, đôi mắt nhìn anh đượm buồn…

Vạn sửng sốt, cơ hồ chết lặng. Trong lòng anh, những con sóng không ngừng va đập. Hình ảnh Jeannette trong chiếc áo đầm trắng đêm Noel, nụ hôn bên bờ vực sự sống và cái chết dưới chân tường thành lính mũ đỏ, đôi mắt ướt đẫm của Jeannette nhìn anh qua song sắt nhà tù từ ký ức hiện lên, lớn dần.

Nhưng những cái chết bi thương, thảm khốc của những người tù Côn Đảo mà anh chứng kiến cũng lần lượt hiện ra, chồng lên hình ảnh kiều diễm của Jeannette. Đó là người tù nạy san hô dưới biển, văng vào đá, vỡ đầu chết tươi; người tù bị đánh chết ngay sân củi vì không nộp đủ khối củi quy định sau chuyến vượt ngục bất thành của Bảy Thẹo; người tù bị đuổi bắt kiệt sức gục ngã, hứng cả băng đạn của tên gác ngục vào đầu; người tù bị đẩy vào phòng giam của người bệnh tâm thần, bị đánh cho đến chết, những đôi chân bại liệt bị còng chặt vào những thanh sắt dài, những chén cơm đầy ruồi, gạo hẩm khô mục, những đôi chân đen vì thiếu vitamin, những xác tù lạnh cóng trong trại giam…

“Không, đêm nay anh em trại tù sẽ tổ chức buổi đình công quy mô, có cả lực lượng tuyệt thực đưa yêu sách cải thiện đời sống tù nhân. Kế hoạch đã được vạch ra chi tiết và chu đáo, mệnh lệnh đã được truyền khắp các phòng giam. Cả trại giam như một thùng thuốc súng trước giờ châm ngòi, lẽ  nào bọn quản ngục không biết hay đang âm thầm đối phó?

Tại sao Ammont lại bố trí cho mình vượt ngục đêm nay? Hay anh ta đã đánh hơi được cuộc đình công này, đẩy mình đi để vừa thực hiện lời hứa cứu sống mình, vừa cắt được mầm mống nguy hiểm? Nếu đúng vậy thì chúa đảo Lafosse đã có được những tên chỉ điểm trung thành. Thật quá mức thâm độc!

Mình được phân công chăm sóc sức khỏe anh em khi cuộc đình công nổ ra. Nếu mình bỏ đi tối nay, những thứ mình công phu góp nhặt mấy tháng qua trở thành vô nghĩa. Anh em đang trông đợi mình, cả Phèn cũng vào cuộc, đang ngước nhìn mình, thắm thiết, hy vọng.

Không, mình không thể bỏ đi! Jeannette, hãy tha thứ cho anh. Hãy đợi anh, anh sẽ về với em, nhất định là như thế”.  Những lượn sóng giữa đi và ở không ngừng va đập, giằng xé Vạn. Hình như nhận ra sự bất an của chủ nhân, Phèn ngước nhìn Vạn, sủa lên ăng ẳng. Ammont gằn từng tiếng:

- Đừng quên, đây là cơ hội cuối cùng!

Vạn sực tỉnh, nhìn xoáy vào mắt Ammont. Như một chiến binh thất trận, Vạn cúi đầu bước đi. Phèn lủi thủi theo anh…

***

Hết hạn tù, chính quyền Ngô Đình Diệm đành thả Vạn ra. Chúa đảo hậm hực vì hắn biết rõ, tù nhân vừa được phóng thích đích thị là một tên Việt cộng thứ thiệt. Hắn thuộc lòng lý lịch của Vạn như chính lòng bàn tay mình: cựu học sinh trường Pétrus Ký, sinh viên Y khoa Hà Nội năm cuối, đội viên Đội công tác thành phụ trách địch vận, sưu tầm vũ khí cho chi đội 12 của Việt Minh.

Hắn bị bắt năm 1947, trong Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân kháng chiến Khám Lớn Sài Gòn; rồi bị đày ra Côn Đảo, được tù nhân bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân kháng chiến Côn Đảo, kiêm Bí thư Đảng ủy.

Hắn đích thị là đầu óc của những cuộc đấu tranh, bằng nhiều đầu mối kết nối người tù thành một lực lượng đáng sợ, như sóng ngầm sẵn sàng gom lại thành cơn sóng thần bất ngờ phủ chụp, cuốn phăng, nhấn chìm tất cả những thứ mà nó đi qua nếu bộ máy nhà tù lơ là, mất cảnh giác.

Tên chúa đảo thở phào nhẹ nhõm với ý nghĩ: “Lạy Chúa, tất cả những cơn sóng thần ấy đã được ngăn lại nhờ vào sức mạnh chiến tranh của người Mỹ, nhờ vào tài năng, ý chí, sự tận tụy của những con người phụng mệnh chính thể mình phục vụ”. Những nấm mộ ở nghĩa địa Hàng Dương vùn vụt tăng lên là một minh chứng cho sự tận tụy ấy.

Hắn nghiến răng hậm hực: “Sao thằng tù này không chết rục ở Côn Đảo cho rồi! Cái gì làm cho nó vượt lên đói khát, bệnh tật, nhục hình để được sống và trở về chứ?”. Rồi hắn lại chống cằm thở dài, mắt nhìn ra xa về phía những lượn sóng không ngừng bủa vào ghềnh, thầm nghĩ: “Đôi khi Chúa cũng bất lực trước những ý muốn”.

Nếu như cái bẫy “tù thường phạm” buộc Vạn không được trao trả sau hiệp định Genève, phải ở lại nhà tù Côn Đảo thêm tám năm nữa thì giờ đây cái bẫy ấy giúp Vạn thoát khỏi nhà tù, bởi không có lý do gì để giam giữ ông lâu hơn mức án phải nhận: 15 năm tù chung thân khổ sai vì tội “ăn cướp” và “lừa đảo”...

Khi con tàu chở những người tù được phóng thích hú lên những hồi còi thê lương, chuẩn bị nhổ neo, Vạn đứng trên boong, nhìn khắp lượt hòn đảo mà anh đã bị lưu đày ròng rã 13 năm trời (gần hai năm ở bót Catinat và Khám Lớn Sài Gòn). Những hình ảnh ở chuồng cọp, chuồng bò, các trại giam, các sở Rẫy, sở Lưới, sở Củi, hầm xay lúa, hầm đá... như những thước phim quay chậm trở về trong ký ức ông.

Ông chạnh lòng nhớ những đồng chí đồng cam cộng khổ, những người tù Cộng sản tự nguyện ở lại Côn Đảo để làm hạt nhân các phong trào đấu tranh; nhớ những người tù kiên cường cùng ông trong những cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, chống đàn áp, những cuộc tuyệt thực quyết liệt, những chiến sĩ tình nguyện mổ bụng trước mặt kẻ thù...

Phen oi
 

Con tàu rồi sẽ đưa ông về đất liền, ông sẽ được tự do và những đồng chí của ông còn ở lại trên đảo, trong những trại tù, sau những bức tường đá xám lạnh. Bất giác, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má xương xẩu của người tù. Vạn nhói lòng khi nghe tiếng sủa quen thuộc của Phèn, người bạn trung thành đã cứu ông trong nhiều trận bị biệt giam. Những người tù đã nhường cho ông vài muỗng cơm, vài miếng thức ăn bỏ vào cái gàu-mên cho Phèn mang đi nuôi chủ.

Con chó trung thành ấy đã bao lần tha chiếc gàu-mên lách qua những bức tường, rào chắn; chiến đấu với lũ chó berger hung hãn, đi qua những góc tối hoang vắng rợn người, nơi có những bộ xương khô của người tù chết gục vì bệnh tật, đói khát hay vì những ngón đòn, những viên đạn của bọn cai ngục để hoàn thành sứ mạng tiếp tế lương thực cho ông, ban cho ông nguồn sống.

Giờ đây phải xa chủ, Phèn chạy ra bờ đá, hai chân trước chồm lên, sủa những tiếng bi thương, ai oán; thể như nó biết rõ từ đây nó sẽ xa Vạn vĩnh viễn. “Phèn ơi!”. Gió không đưa được tiếng gọi dính nước mắt của Vạn đến Phèn, nên nó cứ chạy theo con tàu, hai chi trước điên cuồng cào vào không khí. Mắt Vạn nhòa đi...

  *** 

Phèn đau buồn khi phải vĩnh biệt chủ. Những người bạn tù của Vạn sau này trở về đất liền gặp ông kể rằng, khi chiếc tàu đưa những người tù được phóng thích rời khỏi Côn Đảo, Phèn tru suốt ngày đêm, rên rỉ, lăn lộn đến đứt ruột mà chết. Một người bạn tù đã thay Vạn chôn nó nơi bãi cát ngoài Hàng Dương.

Lòng trung thành của Phèn đã khiến những người tù xem cái chết của một con vật như cái chết của một anh hùng, cần được chôn cất tử tế. Tan rữa vào cát bụi, Phèn đâu biết quá trình được trả tự do của Vạn không hề đơn giản. Chủ nhân của nó được đưa về Tổng nha Cảnh sát, tiếp tục bị giam lỏng trước khi được phóng thích. Mỗi phút giây trôi qua với Vạn khi về đến đất liền dài dằng dặc.

Toàn bộ tâm trí của ông chỉ hướng đến một tên người, một địa chỉ. Ông vừa mong đợi nó cháy bỏng, lại hoang mang tột cùng. Ông sống trong tâm trạng mâu thuẫn giữa hy vọng và  sợ hãi... 

Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI