Phê đứ đừ... cháo nghêu

12/07/2020 - 11:34

PNO - Cháo nghêu không chỉ là món ăn nhẹ bụng, mà còn mang đến nhiều thích thú vì mùi thơm.

Đến bây giờ, tôi vẫn hay nói đùa với đám bạn cùng quê: “Tao tuy lấy chồng thành phố, nhưng vì siêng về quê, nên cảm giác làng vẫn nuôi tao như ngày chúng mình còn là trẻ nít ham hố xuống sông bủa cá lên rừng hái măng”.

Hồi đó, chúng tôi sau mỗi lần ra khỏi nhà, bao giờ cũng có chiến lợi phẩm mang về. Khi thì bó củi, bó rau, khi thì mấy trái xoài, trứng chim, nắm ớt... Vào tầm tháng Năm, tháng Sáu đúng dịp nghỉ hè, chiều nào chiều nấy, sau khi lùa trâu về bãi, tôi lại theo lũ bạn nhảy tọt xuống bến sông gần nhà hì hụp tắm táp và mò nghêu.

Vì sông gần như bao quanh làng, nên cách vài mét lại có một con ngõ trổ ra phía bờ sông. Thế nhưng không phải bến sông bãi tắm nào cũng là bãi nghêu. Trái lại, nơi nào lũ trẻ càng tập trung nhiều thì nước càng trong, rong rêu càng dạt, và có lẽ lũ nghêu cũng cảm nhận được sự náo động bên trên con nước nên càng ít sinh sôi tại những khu vực này. 

Bắt nghêu là công việc vất vả, dãi nắng dầm nước. Nhưng đó là với dân cào chuyên nghiệp. Họ phải tranh thủ lúc thủy triều rút nước cạn, hò nhau ra bãi để cùng nhau… đi giật lùi. Còn với mấy đứa trẻ như tụi tôi thì mò ốc bắt nghêu chỉ là một thú vui thư giãn sau những cuộc tắm chán chê.

Chúng tôi sẽ men theo những lỗ thở có hình vòng tròn xoáy nhàn nhạt trên mặt cát, sau đó dùng ngón tay hoặc que tre thọc xuống, móc nghêu lên. Tuy không phải “thợ giỏi”, nhưng chúng tôi cũng rỉ tai nhau một vài mẹo để bắt được những chú nghêu chất lượng nhất.

Chúng tôi chẳng bao giờ vì lười biếng mà nhặt lấy mấy chú nghêu trồi lên lơ thơ trên mặt cát, đó là nghêu bệnh, nghêu chết nên mới bị sóng đánh vào bờ. Những chú nghêu béo và khỏe nhất thường ẩn sâu dưới cát tầm hai ngón tay, chúng tụm lại với nhau vài chú như kiểu họ hàng.

“Nghêu biển sạch hơn nghêu sông, nhưng nghêu sông lại ngọt nước hơn nghêu biển. Kỵ nhất là nghêu hói, nghêu đồng, vì cũng như những con trai có mình to gần bằng chiếc lá, nghêu hói thường lặn sâu xuống bùn, ngậm chất bẩn. Chưa kể nước trong ao hói là nước tù đọng chứ không trôi chảy luân hồi như ở sông”-mẹ bảo chúng tôi như thế rồi nhanh tay trút thành phẩm của mấy chị em vào thau. 

Sau một đêm ngâm nước vo gạo, nghêu nhả sạch đất cát, sẵn sàng vào nồi để mẹ chế biến món cháo nghêu thơm nức mũi. Đầu tiên mẹ đổ nước quá mặt nghêu, đun lửa to và chờ cho đến khi nghêu há miệng đều là tắt bếp. Mẹ chắt hết nước sang một cái âu sạch bên cạnh, còn phần cái thì giữ lại. Tôi thay mẹ tách lấy phần ruột nghêu béo múp míp và có màu trắng sữa, cho vào một cái tô.

Trong khoảng thời gian chờ ướp thịt nghêu cùng gia vị cho thấm, mẹ dùng phần nước nghêu vừa mới lọc ra để ninh cùng gạo mới. Mẹ bảo món cháo nào cũng cần có gạo, nhưng mỗi loại lại cần một công thức riêng. Cháo gạo nấu với chân giò đậu xanh thì cần hầm kỹ để gạo nát bấy, sền sệt và quyện hòa mang đến cảm giác béo ngậy. Gạo nấu cháo lòng thì nên hầm vội cho hạt nở như cơm, vẫn giữ nguyên độ cứng. Riêng gạo nấu cháo nghêu thì phải đảm bảo ở nấc giữa. Tức là không cứng mà cũng không nên nát nhừ. Gạo nở vừa phải, sôi lăm răm thì thả nghêu vào, thêm hành, tiêu bột, chút ớt cay và lá ngò gai rồi tắt bếp.

Cháo nghêu không chỉ là món ăn nhẹ bụng, mà còn mang đến nhiều thích thú vì mùi thơm. Đặc biệt, trong những buổi chiều trở mưa giông, bên ngoài trời thả hạt rào rào ướt cây ướt cỏ, trong nhà già trẻ lớn bé quây lại bên chiếc mâm tròn rồi cùng xì xụp húp bát cháo nghêu cay cay ấm nóng thì cứ gọi là phê đứ đừ. Ăn xong, trời cũng vừa sụp tối, bụng dạ ấm áp, nghỉ ngơi chút đỉnh rồi mọi người lại dắt díu nhau vào giường, đánh một giấc no tròn chờ sớm mai lên.

Bây giờ, những người sành ăn và có thú vui đi biển nghỉ dưỡng vào mùa hè, sẽ được thưởng thức rất nhiều món ngon được nấu từ hải sản. Nào là ghẹ luộc, mực hấp, trìa nướng, cháo tôm… Riêng món cháo nghêu thì chẳng thấy nhà hàng nào bày bán. Lẽ nào, muốn ăn thì tuần tới tôi lại làm một chuyến về quê? 

Minh Thi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI