Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân ung thư đường mật rốn gan

28/06/2022 - 06:27

PNO - Trước đây, bệnh ung thư đường mật rốn gan không phẫu thuật được, mà chỉ điều trị tạm bằng những phương pháp thay thế. Bệnh nhân thường tử vong sau khi phát hiện bệnh từ 6 - 9 tháng. Nhưng nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai thành công kỹ thuật mổ ung thư đường mật rốn gan mang đến cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.

Kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân 

Trên 100 trường hợp đã được phẫu thuật ung thư đường mật rốn gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2008 đến tháng 6/2022. Kết quả cho thấy: tỷ lệ bệnh nhân sống trên 1 năm là 82%, sống 3 năm là 36%, sống 5 năm là 31%, đặc biệt có 20 trường hợp sống trên 10 năm. Trong số 20 bệnh nhân ung thư đường mật rốn gan nhờ phẫu thuật kịp thời mà vẫn sống tốt trên 10 năm, tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Hữu Liệt, Khoa Ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, ấn tượng nhất là trường hợp ông P.Đ.V. (50 tuổi, là tài xế, quê An Giang).

Năm 2008, ông V. được bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vì vàng da, đau hạ sườn không rõ nguyên nhân. Bác sĩ Đỗ Hữu Liệt thăm khám và cho bệnh nhân làm các chẩn đoán cận lâm sàng khác thì xác định ông V. bị ung thư đường mật rốn gan loại 3 (giai đoạn muộn). Nếu không được can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân có thể chỉ sống được thêm 6 tháng.

Tiến sĩ - bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ (bên phải) - Trưởng khoa Ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Chợ Rẫy - đang thực hiện mổ chính cho một trường hợp ung thư đường mật rốn gan - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Tiến sĩ - bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ (bên phải) - Trưởng khoa Ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Chợ Rẫy - đang thực hiện mổ chính cho một trường hợp ung thư đường mật rốn gan - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ca mổ đã diễn ra trong 7,5 tiếng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hóa trị 12 đợt, theo dõi tái khám định kỳ. Đến năm 2012, ông V. có biểu hiện tái phát ung thư, các chỉ số báo hiệu ung thư trong máu cao, bệnh nhân được chỉ định hóa trị tiếp 12 đợt nữa. Sau đó, bệnh nhân hoàn toàn ổn định. Tết 2021, ông V. gọi điện chúc tết bác sĩ Đỗ Hữu Liệt, kể mình vẫn đi làm và sinh hoạt như bình thường.

Một trường hợp khác là bà Đ.T.T., 59 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2011, bà T. được phát hiện ung thư đường mật rốn gan giai đoạn muộn tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Đỗ Hữu Liệt và ê-kíp phẫu thuật đã phẫu thuật cắt toàn bộ đường mật ngoài gan, gan trái, thùy đuôi túi mật, nạo hạch vùng rốn gan, cắt ruột nối với đường mật ống gan phải cho bệnh nhân. Đây là trường hợp vô cùng phức tạp, ca mổ kéo dài gần tám tiếng. Bà T. ổn định sau ca mổ bảy ngày. Mới tháng trước, bà T. đến tái khám, tâm sự với bác sĩ mình là viên chức vừa về hưu. Bà T. không nghĩ 11 năm qua mình vẫn sống tốt được tới tuổi về hưu như vậy. Trong khoảng thời gian ấy, con cái của bà đã kịp học xong, ổn định công ăn việc làm, thành gia lập thất. 

Bệnh rất khó phát hiện

Trước đây, bệnh nhân ung thư đường mật rốn gan không phẫu thuật được. Vì vị trí ung thư nằm ở ngã ba của mật và gan, xâm lấn vào động mạch nuôi gan. Do đó, chỉ có thể điều trị tạm bằng những phương pháp thay thế và bệnh nhân thường tử vong sau khi phát hiện bệnh từ 6 - 9 tháng. Sau đó, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy sang tham quan một bệnh viện tại Singapore và thấy họ mổ ung thư đường mật rốn gan rất tốt. Ấp ủ mong muốn triển khai kỹ thuật mới nhằm cứu sống bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xin tài trợ được máy cắt gan, máy lọc gan. Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tấn Cường - Trưởng khoa Ngoại gan - mật - tụy - trước đây là người đầu tiên triển khai kỹ thuật này tại Bệnh viện Chợ Rẫy và tại Việt Nam. Sau đó, tiến sĩ - bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ - Trưởng khoa hiện tại - tiếp tục cùng các bác sĩ trong khoa phát triển kỹ thuật này. Bệnh viện Chợ Rẫy đã chính thức tiến hành mổ ung thư đường mật rốn gan từ năm 2008. 

Trong năm năm đầu triển khai kỹ thuật, ê-kíp mổ gặp không ít khó khăn. Khi ấy, tuy tỷ lệ tử vong thấp (10,3%) nhưng tỷ lệ tai biến và biến chứng trong mổ lên đến 50%. Dần dần, các bác sĩ đã rút ra kinh nghiệm, giảm tỷ lệ tử vong xuống chỉ còn 6,4%. Thời gian mổ ban đầu 6 - 8 tiếng/ca thì nay chỉ còn 4 - 6 tiếng/ca. Hiện, tất cả bác sĩ Khoa Ngoại gan - mật - tụy của Bệnh viện Chợ Rẫy đều có thể mổ được ung thư đường mật rốn gan. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị kết hợp thêm hóa trị và xạ trị…

Bác sĩ Đỗ Hữu Liệt lưu ý, ung thư đường mật rốn gan rất khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với tắc mật do ung thư vùng đầu tụy, sỏi mật, viêm gan, dị ứng… Giai đoạn đầu của bệnh gần như không có triệu chứng, đến khi thấy dấu hiệu bất thường thì bệnh đã nặng. Các dấu hiệu của ung thư đường mật, rốn gan là vàng da tăng dần, đau hạ sườn (đau ít, không sốt), khám trên lâm sàng sẽ thấy túi mật không to, nổi ngứa, đi tiểu sậm màu, phân bạc màu. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới ung thư đường mật rốn gan là viêm đường mật xơ hóa. 

Qua đó, người dân ngoài thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ còn nên tầm soát thêm cả chỉ số ung thư gan mật. Nếu phát hiện bị viêm đường mật thì phải điều trị triệt để, tránh để bệnh kéo dài. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI