Phạt vợ giữ hết tiền của chồng: Nếu có thì... ly hôn luôn

17/10/2016 - 15:46

PNO - Việc phạt tiền không chắc giải quyết được vấn đề mà còn có thể làm tăng mâu thuẫn giữa vợ chồng. Hơn nữa, việc chứng minh hành vi vi phạm là không dễ.

Quan trọng là hạnh phúc gia đình

Chiều ngày 16/10, trao đổi với Phụ nữ TP. HCM, ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên thẩm phán TAND An Giang cho biết, chưa xử phạt người vợ (chồng) nào theo Khoản 1 Điều 56 Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. "Nếu có mâu thuẫn thì vợ (hoặc chồng) sẽ làm đơn xin ly hôn chứ không khiếu kiện riêng lẻ từng tình tiết để xử phạt khiến cả 2 cùng bị ảnh hưởng tài chính" - ông Hùng nhận định.

Theo ông Hùng, điều luật này có hiệu lực từ 3 năm trước nhưng bản thân ông chưa xử lý một vụ việc nào như thế. Ông Hùng kể: "Trong một số vụ ly hôn, người chồng có nhắc đến việc bị vợ quản lý chặt về mặt tài chính khiến cho mâu thuẫn gia đình nảy sinh. Tuy nhiên, khi có những điều này thì chúng tôi cũng sẽ tiến hành hòa giải chứ không xử phạt".

Ông Hùng tâm sự, điều quan trọng nhất là giữ được hạnh phúc gia đình nên những tình tiết nhỏ gây mâu thuẫn vợ chồng không nên xử lý quá khắt khe, theo luật mà có thể gây "phản ứng phụ" khiến mâu thuẫn gia đình càng thêm sâu sắc.

Phat vo giu het tien cua chong: Neu co thi... ly hon luon
Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Phương - thẩm phán TAND huyện Giồng Riềng, Kiên Giang cho rằng, việc quản lý tài chính gia đình là do vợ chồng bàn bạc và đi đến thống nhất. Nếu một trong hai bên không đồng ý với phương án mà bên còn lại đưa ra thì có quyền không giao nộp, không ai bắt ép được.

"Đàn ông thường bức xúc trước việc bị vợ quản hết tiền lương. Nhưng nếu người đàn ông không đồng ý thì có thể kiên quyết không đưa. Còn nếu như họ đã giao nộp cho vợ rồi thì nghĩa là có sự đồng ý thỏa thuận cho dù có bị vợ gây sức ép đến như thế nào đi nữa. Đây có thể coi là giao dịch dân sự của hai người" - ông Phương cho hay.

Chứng minh như thế nào?

Trao đổi về việc xử phạt từ 300.000 - 500.000 nghìn đồng với vợ (chồng) không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng, luật sư Hoàng Thị Lan - Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng khẳng định sẽ khó chứng minh được hành vi vi phạm.

"Luật không quy định rõ thế nào là mục đích chính đáng. Nếu chỉ dựa theo cảm tính thì sẽ khiến cho người thua kiện sẽ không cảm thấy không phục. Từ đó, vấn đề xử phạt theo luật định không những khó thực hiện mà mâu thuẫn vợ chồng còn thêm sâu sắc, dẫn tới nhiều hệ lụy" - bà Lan cho hay.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Quang Quý - Đoàn Luật sư TP. HCM còn cho rằng, dù tiền phạt có là của vợ hoặc chồng thì cũng đều là tài sản chung của hai người. Thực tế hiện nay nhiều bà vợ muốn quản lý tiền của chồng vì nghi kỵ chuyện ngoại tình, bạn bè đàn đúm nhậu nhẹt hay lo việc tiêu xài phung phí mà ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Đây là suy nghĩ đúng đắn nhưng nếu bảo thủ, áp dụng cứng nhắc thì sẽ rất dễ gây ra tác dụng ngược khiến các ông chồng cảm thấy khó chịu mà phản kháng khiến hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng. "Nghị định này có tác dụng răn đe để mọi người biết mà tránh vi phạm" - ông Quý kết lại

Thuận Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI