Phạt vợ 500.000 đồng nếu giữ hết tiền của chồng: Phụ nữ hỏi khó

14/10/2016 - 15:38

PNO - Vợ không đồng tình, nếu để cho chồng cầm hết tiền vì dễ sinh "hậu quả". Còn chồng muốn điều luật này được áp dụng triệt để trong cuộc sống, thậm chí cần tăng mức phạt.

Khoản 1 Điều 56 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có nêu rõ: "Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng".

Như vậy, nếu người vợ muốn thu hết tiền lương của chồng thì có nguy cơ bị phạt theo điều khoản này.

Từ bất ngờ đến ủng hộ

Theo khảo sát của Phụ nữ TP. HCM với 10 người đàn ông làm công sở tại khu vực TP. Hà Nội vào sáng ngày 14/10, thì tất cả đều tỏ ra bất ngờ với điều luật này cho dù đã có từ 3 năm về trước. Sau đó, 7/10 người nhiệt liệt ủng hộ điều luật cần được áp dụng nghiêm, 2/10 người cho rằng cần phải tăng mức xử phạt và 1/10 người tỏ ra không mấy lạc quan với điều khoản sẽ làm thay đổi tình hình hiện tại.

Anh Nguyễn Thành Sơn (38 tuổi, nhân viên công ty Anh ngữ tại Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) thốt lên: "Có thật không? Nếu thế thì phải về phổ biến ngay với vợ để giải quyết tình hình hiện tại".

Theo anh Sơn, công việc hàng tháng đem lại cho anh thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Nhưng đến ngày lĩnh lương, niềm vui nhận tiền chẳng được bao lâu đã phải về "nộp" cho vợ. "Chỉ cần công ty trả chậm một ngày là tôi đã bị vợ tra khảo, nghi ngờ giấu đi lập quỹ đen. Vợ cũng không để tôi giữ tiền mà thu lại hết, mỗi ngày đưa cho 50.000 đồng.

Phat vo 500.000 dong neu giu het tien cua chong: Phu nu hoi kho
Ảnh minh họa.

Lắm lúc có kế hoạch hẹn đi ăn uống với bạn, tôi thắc mắc với vợ thì cô ấy cho rằng cơm trưa chuẩn bị trước ở nhà, xăng xe mới đổ, nước uống ở công ty... thì tiêu gì đến tiền" - anh Sơn chia sẻ.

Anh Phạm Văn Hùng (33 tuổi, nhân viên công ty Du lịch) lại cho rằng mức phạt 500.000 đồng với việc vợ (chồng) quản tiền của nhau là quá nhẹ và không đủ sức răn đe.

Anh Hùng bảo: "Dù biết việc vợ khắt khe trong chuyện tiền bạc là tốt như nhiều bà vợ thái quá khiến chồng cảm thấy khó chịu, giống như đang bị vợ bóc lột sức lao động. Nếu chỉ phạt có 500.000 đồng thì nhiều bà vợ vẫn vui vẻ nộp phạt vì sau khi nộp phạt xong họ vẫn được quản hết tiền của chồng, hàng chục triệu đồng chứ có ít gì đâu".

Còn anh Nguyễn Văn Hoàng (29 tuổi, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) vừa nghe xong thông tin đã bật cười, lắc đầu vì không tin điều luật này sẽ đi vào cuộc sống và cải thiện "nỗi khổ" của nhiều ông chồng hiện nay.

"Điều luật thì có nhưng chẳng ông chồng nào muốn kiện vợ để rồi bị phạt tiền, dù là tiền vợ đang giữ thì cũng là tiền của mình. Thế nên khi vợ bị phạt thì cũng chẳng khác nào mình bị phạt cả. Ông chồng nào có bị vợ quản tiền thì cũng đành ngậm ngùi chấp nhận thôi" - anh Hoàng nói.

"Thế nào là chính đáng?"

Trái ngược ý kiến của nam giới, nhiều phụ nữ tỏ ý không đồng tình với Khoản 1 Điều 56 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Chị Phạm Thị Huệ (28 tuổi, nhân viên tài chính ngân hàng) bày tỏ: "Dù vợ có giữ tiền thì cũng là giữ chung cho gia đình chứ có tiêu riêng cho cá nhân đâu. Vì vậy, điều luật cũng cần phải làm rõ trong từng tình huống cụ thể việc vợ không cho chồng "sử dụng tài sản chung" là chính đáng hay phạm luật".

Chị Huệ đặt ra câu hỏi, nếu như người chồng bị nghiện ngập mà đem tài sản chung của hai vợ chồng đi bán để lấy tiền mua "thuốc" thì vợ ngăn cản là đúng hay sai?

Tương tự, chị Trần Thị Huyền (30 tuổi, ngụ Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đặt ra câu hỏi thế nào là chính đáng?. "Những việc trọng đại thì vợ chồng đều bàn bạc với nhau rồi quyết. Còn sinh hoạt gia đình hằng ngày đã có vợ lo rồi thì cần chồng cần gì đến nhiều tiền để tiêu.

Tính đàn ông thường hoang phí, nếu để mặc thì họ sẽ tiêu vô tội vạ vào những khoản không đáng thì kinh tế của gia đình sẽ suy sụp. Lúc đấy phạt ai?" - chị Huyền phân tích.

Chị Huyền gay gắt: "Đã là tài sản chung thì cần phải có sự thống nhất giữa hai vợ chồng. Nếu chồng quyết sử dụng tài sản chung mà vợ không đồng tình vì nhiều lý do khác nhau. Như vậy, người vợ cũng có quyền kiện ngược lại chồng "hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng".

Thuận Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI