Phát triển y tế cơ sở, bắt đầu từ đâu?

19/11/2021 - 06:58

PNO - “Làm thế nào để củng cố, phát triển y tế cơ sở để ứng phó tốt với dịch bệnh” là câu hỏi được đặt ra tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, vừa bế mạc hôm 13/11.

 

“Nếu gia đình không có người bị COVID-19 thì tôi cũng không biết có trạm y tế phường” - chia sẻ của chị Hồng Chinh (Q.11, TPHCM) cũng là tình trạng chung của rất nhiều người dân ở TPHCM. Các trạm y tế cơ sở, y tế dự phòng vốn rất mờ nhạt trong ý niệm của người dân, nay càng lộ rõ nhiều bất cập khi xảy ra đại dịch. 

Nhân viên y tế trao túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà
Nhân viên y tế trao túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà 

Khi dịch COVID-19 xảy ra, các trạm y tế lưu động quá tải trong khi y tế phường, xã chưa thể hiện được tính hiệu quả. Đến nay, khi dịch tạm lắng, nhiều trạm y tế cấp xã vẫn chưa hỗ trợ được các bệnh nhân trên địa bàn của mình. Ở nhiều nơi, người mắc COVID-19 vẫn phải tự test nhanh tại nhà hoặc nơi làm việc, sau đó họ mới đến trạm y tế phường, xã để được xét nghiệm lại, xin giấy cam kết, giấy chứng nhận cách ly tại nhà và nhận túi thuốc.

Nhằm củng cố và tăng cường năng lực của tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất UBND thành phố phê duyệt một số chính sách trong năm nay, trong đó có việc củng cố nhân lực lãnh đạo, tăng định mức biên chế từ tối đa không quá 10 người/trạm lên thành tối đa không quá 20 người/trạm; hỗ trợ 5 triệu đồng/người/tháng đối với bác sĩ, 4 triệu đồng/người/tháng đối với nhân viên y tế có trình độ đại học và y sĩ, 3 triệu đồng/người/tháng đối với nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp. Tuy nhiên, cần biết rằng, khi có dịch, nhân viên y tế cơ sở phải choàng rất nhiều việc; đến khi không còn dịch, họ sẽ trở lại với công việc khá nhàn nhã vì bệnh nhân đến trạm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

TPHCM đang triển khai thí điểm mô hình xã hội hóa ngành y tế và hiện đã có người chấp nhận đầu tư dự án xã hội hóa Trạm Y tế P.11, Q.3, hướng tới đầu tư theo mô hình không vì lợi nhuận. Ngành y tế vẫn đang chờ đợi các nhà đầu tư khác nhưng e là rất khó bởi lợi nhuận thấp và lâu hoàn vốn. 

Một trong những vấn đề mà Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra với ngành y tế TPHCM là tuyến y tế cơ sở phải lập được hồ sơ, quản lý và theo dõi sức khỏe của toàn bộ người dân phường, xã mình, từ đó chăm sóc tốt sức khỏe cho họ. Điều này không khó, nhưng cần sự chung tay của các công ty có thế mạnh về công nghệ. Nếu được số hóa, y tế cơ sở vừa quản lý được hồ sơ bệnh nhân, vừa tự nâng cao năng lực khám chữa bệnh qua các khóa đào tạo online, đồng thời giới thiệu nhân sự, dịch vụ đến người dân. 

Việc người dân tự xét nghiệm để phát hiện mắc COVID-19 rồi đến trạm y tế để xét nghiệm lại hoặc xin cấp giấy xác nhận cách ly, túi thuốc là chưa phù hợp. Việc này vừa gây lãng phí, vừa gây nguy hiểm cho nhân viên y tế và tăng nguy cơ lây nhiễm cho người dương tính giả. Nếu bệnh nhân đã được kết nối với y tế phường qua ứng dụng (app), nhân viên y tế có thể yêu cầu bệnh nhân tự test nhanh ở nhà, yêu cầu họ chụp kết quả gửi trạm y tế xác nhận, sau đó đến tại nhà cấp phát túi thuốc, theo dõi và xét nghiệm lại sau 14 ngày, nếu âm tính thì cấp giấy xác nhận.

Chính sách hỗ trợ tiền để giữ chân nhân viên y tế chỉ là giải pháp tạm thời. Muốn các trạm y tế cơ sở phát triển đường dài, cần giúp họ tự nuôi sống mình bằng cách tăng kết nối với người dân qua việc số hóa để các trạm tự quảng bá các dịch vụ, tên tuổi bác sĩ, các chương trình khuyến khích người dân đến trạm thay vì xếp hàng ở các bệnh viện chỉ để khám các triệu chứng đơn giản.

Nếu thu nhập của nhân viên y tế dần cải thiện, họ sẽ có động lực để làm việc và vươn lên trong sự nghiệp. Hơn hết, muốn phát triển y tế cơ sở, quan trọng nhất vẫn là sự kết nối và tạo dựng được niềm tin nơi người dân. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI