Phát triển vùng Đông Nam bộ: Ưu tiên cả “phần cứng” và “phần mềm”

18/04/2023 - 19:44

PNO - Đầu tư cho giáo dục đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế Đông Nam bộ phát triển xứng tầm.

 

Hội nghị bàn những giải pháp phát triển giáo dục đào tạo vùng Đông Nam Bộ
Hội nghị bàn những giải pháp phát triển giáo dục đào tạo vùng Đông Nam bộ

Ngày 18/4, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng  Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - nhìn nhận giáo dục đào tạo vùng Đông Nam bộ đang phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Trong đó, tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chậm được khắc phục. Theo thống kê, trong 10 năm từ 2010-2020, số học sinh tăng 26,3% nhưng số cơ sở giáo dục chỉ tăng 2,3%. Vùng có tỉ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp cao nhất cả nước, đặc biệt tỉ lệ học/trường cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước. Quy mô sinh viên tăng nhanh, trên 40%. Ông nhìn nhận thực trạng này có nguyên nhân từ áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh. 

Bên cạnh đó, Đông Nam bộ là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, giáo dục đào tạo chất lượng cao, song vẫn tồn tại nghịch lý là một số tỉnh có tỉ lệ người mù chữ khá cao như: Bình Phước (9,37%), Bà Rịa - Vũng Tàu (6,06%). Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tại vùng Đông Nam bộ tăng dần hằng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước và thấp nhất trong 6 vùng, nhất là tại TPHCM, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cả vùng còn thiếu 10.632 phòng học bộ môn ở cả 3 cấp học; phòng thư viện quy mô, chất lượng không đồng đều, nhiều nơi mới chỉ là nơi lưu trữ các học liệu mà chưa có phòng đọc cho học sinh.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - đánh giá Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Trong đó, TPHCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Để đạt được những mục tiêu này, theo ông, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đòn bẩy, còn nhân lực trình độ cao là điểm tựa. Nói cách khác, để phát triển kinh tế bền vững, Đông Nam Bộ nên từng bước chuyển từ lợi thế nhân công sang lợi thế nhân lực trình độ cao, từ ưu tiên thu hút nguồn vốn tài chính sang ưu tiên thu hút nguồn vốn con người. Muốn như vậy, TPHCM cũng như các địa phương trong vùng phải vừa ưu tiên đầu tư “phần cứng” - hạ tầng vừa ưu tiên đầu tư “phần mềm” - đầu tư giáo dục đào tạo, phát triển nguồn vốn con người. 

Nghị quyết 24 cũng yêu cầu phát triển Đại học Quốc gia TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á với sứ mệnh là nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức. Do đó, ông Vũ Hải Quân đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm hỗ trợ Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện khảo sát về nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành nghề đến năm 2030. Đồng thời đặt hàng các trường đại học trong khu vực đào tạo nhân lực, nghiên cứu phục vụ phát triển của địa phương, nhất là khối ngành STEM.

Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp triển khai có hiệu quả chính sách thu hút tuyển dụng sinh viên giỏi về công tác tại địa phương. Tiếp tục có chính sách chăm lo cho sinh viên của địa phương đang học tại Đại học Quốc gia TPHCM và các trường đại học trong khu vực trong đó có chính sách hỗ trợ học bổng, cho vay ưu đãi để các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận tri thức mới.

 

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị

Chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương trong vùng cần tiếp tục đầu tư nguồn lực, khắc phục khó khăn, thách thức để đảm bảo mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Bởi, thực tế trên thế giới đang cho thấy các nước cần phải thay đổi tư duy, phương thức phát triển từ phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên thiên nhiên chuyển sang đầu tư cho tài nguyên tri thức. 

Minh Linh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI