Phát triển văn hóa và thách thức mang tên “nhập siêu”

26/11/2021 - 08:07

PNO - “Nhập siêu” văn hóa là vấn đề không mới, đặc biệt khi Việt Nam đã tiến hành mở cửa hội nhập với quốc tế. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp quản lý, tăng sức phát triển cho văn hóa trong nước, tình trạng “nhập siêu” văn hóa sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Nhập khẩu văn hóa chưa chặt chẽ

Trong  báo cáo Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, "nhập siêu" văn hóa được nhắc đến là một trong những hạn chế, yếu kém của quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người thời gian qua.

Có hai điểm được báo cáo nêu rõ, một là “sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam chất lượng chưa cao, nên hiện khó vào được thị trường văn hóa ở nhiều nước”; hai là “không ít cơ quan thông tin đại chúng giới thiệu, quảng bá phim ảnh, chương trình, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật thiếu thận trọng, chọn lọc, thẩm định, dẫn tới sai sót, vi phạm”. 

Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rằng thời gian qua, công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hóa chưa chặt chẽ, dẫn đến để lọt sản phẩm văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, thậm chí có những sản phẩm độc hại.

Các rạp phim Việt gần như phải nhường sân chơi cho các “bom tấn” quốc tế
Các rạp phim Việt gần như phải nhường sân chơi cho các “bom tấn” quốc tế

Theo số liệu thống kê tính đến tháng 9/2021 được đề cập trong báo cáo, mảng điện ảnh cho thấy rõ nỗi lo lắng lớn về tình hình "nhập siêu" văn hóa mà nhiều nhà văn hóa đang trăn trở. Đó là số lượng phim ngoại nhập áp đảo trước phim trong nước. Nếu năm 2019, có 41 phim Việt Nam phát hành thì có tới 201 phim quốc tế ra rạp. Đến năm 2020, con số này lần lượt là 32 và 159. Sang năm 2021, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng thay đổi lần lượt là 18 và 78.

Nhưng không dừng lại ở việc nhập phim nước ngoài, nỗi lo ngại với điện ảnh Việt còn đến từ “cuộc chiến” của các nền tảng phát hành phim đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam như Netflix, HBO, iQiyi, iflix, WeTV... Những ứng dụng này cùng kho phim ảnh khổng lồ vừa tạo áp lực lớn cho các đơn vị quản lý văn hóa trong việc kiểm soát nội dung, vừa thách thức các nhà sáng tạo trong nước, bởi ngay trên sân nhà, dường như sản phẩm quốc tế đang làm chủ cuộc chơi với số lượng, chất lượng vượt trội.

Tiếp thu văn hóa quốc tế nhưng phải giữ lấy gốc

"Nhập siêu" văn hóa - theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh - là khái niệm rất rộng, mà nhập khẩu điện ảnh chỉ là một phần trong đó. Chia sẻ cụ thể hơn về số lượng phim sản xuất trong nước (không tính thời gian dịch COVID-19 xuất hiện), ông Vi Kiến Thành nói có khoảng 40 phim Việt ra rạp mỗi năm, trong khi đó, số lượng phim ngoại được phát hành gấp 6 - 7 lần. Dù chênh lệch lớn, nhưng theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, mấu chốt của vấn đề không nằm ở số lượng phim nhập, vì Việt Nam đang trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, không có ngạch giới hạn phim ngoại nhập. Điều quan trọng là làm sao tăng mức đầu tư, khích lệ tinh thần của đội ngũ sáng tạo trong nước để tăng số lượng phim do Việt Nam sản xuất, cạnh tranh trực tiếp với quốc tế.

Bố già, một trong những bộ phim ăn khách của điện ảnh Việt Nam
Bố già, một trong những bộ phim ăn khách của điện ảnh Việt Nam

“Chúng ta không thể hành xử duy ý chí, dùng các biện pháp quản lý văn hóa để hạn chế số lượng phim nhập, mà phải tăng “sức đề kháng” cho điện ảnh trong nước. Nếu chỉ cấm mà không có cách khơi dậy nguồn lực sáng tạo trong nước, thì người thiệt thòi lớn nhất là khán giả, vì không có phim hay để xem. Với các nền tảng phát hành phim đa quốc gia, tình trạng cũng tương tự, chúng ta không thể siết hay cấm hoạt động vì cuộc chơi hiện đã đi khá xa, điều ta cần làm là cho quốc tế thấy điện ảnh Việt có nhiều dự án chất lượng, nhân sự giỏi, và họ phải đổ vốn đầu tư”, ông Vi Kiến Thành chia sẻ.

"Nhập siêu" văn hóa còn đáng lưu tâm ở lĩnh vực xuất bản, mảng sản xuất các chương trình giải trí, âm nhạc... Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, ý kiến của phó giáo sư - tiến sĩ - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - gây chú ý khi đề cập việc tiếp thu văn hóa bên ngoài. Theo ông, có một thực tế đáng buồn là “con em chúng ta mê mẩn phim Hàn hơn phim Việt, thích đọc truyện tranh Doraemon hơn truyện cổ tích Việt Nam” và trên sóng ti vi, bất cứ giờ nào cũng tràn lan phim nước ngoài, ít phim Việt, nhạc Việt. Ông cho rằng tình trạng lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, ca nhạc, phim ảnh... chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa quốc tế, nếu không có cơ chế bảo vệ, sẽ khiến “môi trường văn hóa nước ta bị xâm thực, ô nhiễm khá nghiêm trọng”, và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhận thức văn hóa, đặc biệt ở thế hệ trẻ.

Bên cạnh vấn đề "nhập siêu" văn hóa, bài toán xuất khẩu văn hóa cũng được đưa ra bàn luận. Khía cạnh này không còn mới, từng được đề cập tại các sự kiện, tọa đàm văn hóa, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra hướng đi hiệu quả. Nhìn sang Hàn Quốc, quốc gia đang tạo ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ đến nhiều nước trên thế giới, họ cũng từng loay hoay để tìm cách biến văn hóa trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế, đóng góp lớn vào GDP.

Theo các chuyên gia văn hóa, điều giúp Hàn Quốc đẩy nhanh quá trình đầu tư cho văn hóa nằm ở việc họ sớm xác định nguồn lợi từ một bộ phim, một nhóm nhạc là không thua gì việc xuất khẩu ô tô, điện thoại... Theo nhiều đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Việt Nam cũng cần ý thức được nguồn lợi lớn từ văn hóa để có những quyết sách đầu tư phù hợp, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Khi đất nước mở cửa, hội nhập, dân tộc có cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xích lại gần hơn với văn hóa các nước nhằm củng cố vị thế, tìm ra phương hướng phát triển, giao lưu văn hóa. Đồng thời xuất khẩu văn hóa, thu lợi từ những sản phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những thách thức đi kèm về việc làm sao để giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa, và cách nào để đưa được văn hóa Việt ra thế giới hiệu quả.

Trong phần kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cho rằng: “Vấn đề hội nhập, tiếp thu văn hóa, văn minh nhân loại nhưng không mất gốc là vô cùng quan trọng”. Theo Phó Thủ tướng, đời sống hiện đại luôn vận động không ngừng, do đó, để Việt Nam có thể vừa hội nhập, vừa giữ gìn bản sắc hay đủ điều kiện xuất khẩu văn hóa ra thế giới, cần sự đồng lòng trong việc duy trì, vận hành và tìm giải pháp liên tục. Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 là cơ hội để sự đồng lòng ấy được thể hiện thông qua các quyết sách, định hướng và mục tiêu rõ ràng. 

Diễm Mi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI