Phát triển du lịch từ những việc cụ thể, thiết thực

06/07/2024 - 06:51

PNO - Du lịch Việt không thiếu gì, cả về danh lam thắng cảnh lẫn tiền bạc, nhân lực. Cái thiếu lớn và quan trọng nhất là những cách làm hiệu quả. Chừng nào rác còn tràn lan khắp nẻo thì đừng bàn chuyện du lịch tăng tốc.

Ngày 13/6/2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Du khách trải nghiệm du lịch xanh tại thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang - Ảnh: Quốc Thái
Du khách trải nghiệm du lịch xanh tại thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang - Ảnh: Quốc Thái

Quyết định này thể hiện quyết tâm của Chính phủ về phát triển du lịch với những mục tiêu, chỉ tiêu hết sức cụ thể. Tuy nhiên, để thực hiện được các chỉ tiêu này đòi hỏi bộ máy ngành du lịch và các bộ ngành liên quan phải làm một cuộc trường chinh thần tốc.

Năm 2023, Việt Nam đón 13,2 triệu lượt khách quốc tế; năm 2024, con số này có thể nâng lên 18 triệu. Theo bản quy hoạch kèm theo Quyết định 509 lại nêu chỉ tiêu năm 2025, đạt 25-28 triệu lượt (tăng 39 - 55%). Bản quy hoạch cũng nêu rằng, năm 2045, đón 70 triệu lượt khách, doanh thu 7.300.000 tỉ đồng, tương đương 286 tỉ USD. Đây là những chỉ tiêu buộc ngành công nghiệp không khói vừa chạy vừa "thở ra khói".

ới bất kỳ nền du lịch nào, tăng lượng khách là cần thiết nhưng tăng doanh thu đầu người cần thiết hơn. Du lịch Việt cần tăng thời gian lưu trú, tăng chất lượng dịch vụ, nhất là các dịch vụ mua sắm, giải trí, trải nghiệm...

Ngành du lịch đang thống kê lượng khách quốc tế dựa vào số liệu nhập cảnh, nhưng rõ ràng, không phải ai nhập cảnh cũng để du lịch. Họ cũng thống kê lượng khách nội địa bằng cách gộp cả người tham dự các lễ hội, sự kiện, tham quan, viếng chùa... nên khi chia đầu người thì doanh thu du lịch chẳng được bao nhiêu.

Bản quy hoạch trên không nhắc đến du lịch nông nghiệp vốn đang được các địa phương rất quan tâm. Du lịch sinh thái rừng và nông nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng cũng quá nhiều thủ tục, còn hơn cả nhiêu khê. Nước Lào không có biển, nhưng với thế mạnh về rừng và đất nông nghiệp, năm 2019, họ đón 4,8 triệu khách quốc tế dù dân số chỉ 7,5 triệu người.

Bản quy hoạch trên không nói đến sự liên kết trong các loại hình du lịch giáo dục (du học, thực tập, trại hè...), y tế (chữa bệnh, làm đẹp), thể thao (thi đấu, xem thi đấu), văn hóa (làm phim, sự kiện), nông nghiệp (du lịch cộng đồng, ẩm thực, sản phẩm OCOP), thương mại (hội chợ, khảo sát thị trường)... cũng không nói tới việc liên kết khai thác du lịch với các quốc gia láng giềng và khu vực ASEAN.

Năm 2023, có trên 3,4 triệu du khách thuộc hơn 50 quốc gia đến Thái Lan để chữa bệnh và làm đẹp. Con số này ở Việt Nam là khoảng 300.000 (80% ở TPHCM và chủ yếu là khách Campuchia).

Năm 2023, Malaysia là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN có lượng du khách đông hơn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 (28 triệu lượt), trong đó có 160.000 du học sinh thuộc 120 nước đang học tập, nghiên cứu. Số học sinh, sinh viên nước ngoài du học ở Việt Nam là khoảng 22.000, gồm 16.000 người Lào, 3.000 người Campuchia, còn lại là của các nước khác. Nhiều ngành ở Việt Nam kém hơn bạn bè chứ không riêng gì du lịch, mà kém nhất là quản lý và liên kết.

Du lịch Việt không thiếu gì, cả về danh lam thắng cảnh lẫn tiền bạc, nhân lực. Cái thiếu lớn và quan trọng nhất là những cách làm hiệu quả.

Chừng nào rác còn tràn lan khắp nẻo thì đừng bàn chuyện du lịch tăng tốc. Chừng nào vẫn nạn “chặt chém, trấn lột” du khách, giao thông và điện đóm phập phù... thì hãy khoan mơ du lịch bứt phá. Chừng nào vẫn còn bệnh hình thức, thói khoa trương, số liệu du lịch nhảy múa, chuẩn dịch vụ tùy tiện, mạnh ai nấy làm thì chưa thể có du lịch bền vững.

Du lịch Việt có rất nhiều việc phải làm, nhưng hãy bắt đầu từ những việc cụ thể, thiết thực, trong đó ưu tiên số 1 là xử lý nạn vứt rác bừa bãi. Trước khi làm cách mạng 4.0, cần ngay 4 có: có báo cáo trung thực, có số liệu minh bạch, có cách làm hiệu quả, có người chịu trách nhiệm rõ ràng.

Cần có một tổng tư lệnh đủ tâm, đủ tầm để tập hợp lực lượng, kết nối và giải quyết những tồn tại nhiều năm qua. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên chỉ riêng ngành du lịch không thể xoay chuyển được tình thế.

Trần Trung Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI