Kể câu chuyện văn hóa Việt với thế giới - Bài cuối:

Phát triển công nghiệp văn hóa để quảng bá văn hóa

27/12/2023 - 08:03

PNO - Văn hóa đã trở thành “sức mạnh mềm”, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới. Cần làm gì để có những sản phẩm văn hóa đúng tầm, có thể định vị thương hiệu Việt Nam với thế giới? Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

LTS: Việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như “mũi nhọn”, là “sức mạnh mềm” góp phần định vị giá trị, tạo nên thương hiệu quốc gia trước bạn bè quốc tế. Cùng với đó, “Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (được Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2021).

Và, nội dung Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Bằng nhiều cách, câu chuyện văn hóa Việt đang được kể với thế giới.

Bài 1: Ẩm thực Việt tìm đường ra biển lớn

Bài 2: Dấu ấn quốc tế của múa rối nước, xiếc tre...

Bài 3: Điện ảnh nỗ lực vì chiều sâu văn hóa, con người

Bài  4: Thời trang và điểm nhấn từ giá trị truyền thống

Bài 5: Âm nhạc và những bước chân ra “biển lớn”

Bài  6: Hành trình của sách Việt

Bài 7: Khơi mạch, nguồn văn hóa

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn,

Khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Phóng viên: Việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa như thế nào, thưa ông? 

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một xu thế lớn trên thế giới. Chúng ta có thể thấy rõ tác động của âm nhạc, điện ảnh, thời trang, ẩm thực, phần mềm và các trò chơi giải trí... với sự phát triển của kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay rất nhiều nước phương Tây. Đó cũng là mơ ước của Việt Nam. Vì thế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã tập trung nhiều hơn cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam; giúp chúng ta phát huy tài năng sáng tạo, giá trị văn hóa, kết hợp với ứng dụng công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Nhờ đó thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Xác định chủ quyền quốc gia về văn hóa, không chỉ giúp chúng ta đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của nhân dân, mà còn giúp lan tỏa tác động của văn hóa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác; tạo nên bản sắc cho các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội; hình thành nên bản lĩnh và sự tự tin cho người Việt Nam từ những giá trị văn hóa của đất nước, để từ đó hội nhập quốc tế tốt hơn.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước. 

* Theo ông, vấn đề cần làm ngay để có thể xây dựng thành công công nghiệp văn hóa là gì?

- Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, chúng ta cần nhiều giải pháp. Đầu tiên là tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước đối với vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa là lĩnh vực tạo ra sự đột phá trong tư duy về quản lý văn hóa, khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc, tạo lợi thế cho quá trình hội nhập quốc tế. Khi có nhận thức đúng, các bộ, ngành và địa phương sẽ có những hành động cụ thể, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp theo, chúng ta cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật; các cơ chế về đất, thuế, đối tác công tư và quản lý, sử dụng tài sản công... cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật.

Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là việc chúng ta cần phải coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước chứ không phải là lĩnh vực tiêu tiền. Chỉ có vậy chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo ở các cấp học, tạo ra mạng lưới liên kết giữa các tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo; tổ chức các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt như điện ảnh (Liên hoan phim quốc tế Hà Nội), âm nhạc (Lễ hội âm nhạc Gió mùa - Monsoon), thời trang (Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam), ẩm thực (Tuần lễ ẩm thực quốc tế Hà Nội) để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa là những giải pháp phù hợp hiện nay.

và Teh Dar (phải) đang góp phần tạo nên thương hiệu xiếc Việt Nam với quốc tế - Nguồn ảnh: Lune Production
và Teh Darđang góp phần tạo nên thương hiệu xiếc Việt Nam với quốc tế - Nguồn ảnh: Lune Production

* Thưa ông, trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, Việt Nam có nên chọn trọng tâm nào để đầu tư? 

- Năm 2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 12 ngành. Đây là kết quả của quá trình đổi mới thể chế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời đánh dấu những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập, có đầu tư trọng tâm, nhằm mang lại hiệu quả thực tế và có đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, đúng là chúng ta không thể tập trung vào phát triển cả 12 ngành công nghiệp văn hóa mà ở từng thời điểm, đối với từng địa phương, chúng ta sẽ phải ưu tiên một số ngành nhất định, tạo điểm nhấn, dẫn dắt sự phát triển của các ngành khác và cho cả nền kinh tế, văn hóa của đất nước. Theo tôi, chúng ta có thể tập trung vào mấy lĩnh vực sau: 

Thứ nhất là âm nhạc. Như chúng ta thấy, 2 đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội đã đem lại doanh thu hơn 600 tỉ đồng. Hay tầm ảnh hưởng của ban nhạc BTS, thậm chí chỉ 1 ca sĩ như Taylor Swift còn lớn hơn cả 1 ngành kinh tế. Thực tế cho thấy thị trường này lớn đến mức nào.

Việt Nam có rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ có tài năng. Chúng ta cũng có một kho tàng văn hóa và nghệ thuật âm nhạc truyền thống tuyệt vời để có thể khai thác, tạo ra chất liệu riêng cho âm nhạc Việt Nam, từ đó vươn ra thế giới. Một số ca khúc mang âm hưởng dân gian của Hoàng Thùy Linh hay Hà Myo và một số nhạc sĩ, ca sĩ khác đã là những tín hiệu ban đầu rất tích cực để chúng ta phát triển ngành công nghiệp âm nhạc.

Thứ hai là điện ảnh. Đây là lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng và cũng có doanh thu rất cao. Những bộ phim Việt Nam như Bố già, Nhà bà Nữ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lật mặt... đều thuộc nhóm phim có doanh thu lớn nhất. Điều đó cho thấy quy mô và tiềm năng thị trường điện ảnh Việt Nam cũng như khả năng cạnh tranh của phim Việt với nước ngoài. Điện ảnh cũng có khả năng lan tỏa lớn, đặc biệt sang các lĩnh vực du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương.

Phim Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân đoạt giải Camera d’Or tại liên hoan phim Cannes 2023
Phim Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân đoạt giải Camera d’Or tại liên hoan phim Cannes 2023

Thứ ba là du lịch văn hóa. Việt Nam là quốc gia thu hút được nhiều du khách quốc tế nhờ những giá trị văn hóa. Nhiều bình chọn của các giải thưởng du lịch lớn trên thế giới đã chứng minh nhận định này. Phát triển du lịch văn hóa cũng là hướng đi của nhiều địa phương ở nước ta. Trong du lịch văn hóa, chúng ta có thể tập trung cho phát triển ẩm thực, làng nghề thủ công... Phát triển du lịch văn hóa giúp chúng ta giải được nhiều bài toán cho phát triển bền vững, đặc biệt ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số. 

Thời trang là lĩnh vực thứ tư, với nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam là một trong các quốc gia hàng đầu về dệt may. Dù vậy, đích đến của chúng ta là công nghiệp thời trang để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hàng may mặc và xây dựng thương hiệu cho thời trang Việt Nam là lựa chọn lý tưởng nhất. Chúng ta cũng đã có một số sự kiện thời trang quốc tế tại Việt Nam cũng như có một số nhà tạo mẫu có thương hiệu nhất định ở khu vực và quốc tế. Đây là những điều kiện tốt để phát triển công nghiệp thời trang.

Bên cạnh đó, phần mềm và các trò chơi giải trí cũng rất có tiềm năng ở Việt Nam khi chúng ta có nhiều tài năng sáng tạo, là một trong những trung tâm sản xuất và gia công phần mềm lớn của thế giới (năm 2022, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT lên đến 148 tỉ USD). Không khí khởi nghiệp sáng tạo đang rất được quan tâm, nhất là khi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) vừa được khai trương. Ngoài ra, các ngành công nghiệp văn hóa khác cũng có rất nhiều tiềm năng.

Cần có chính sách đặc thù cho văn hóa

* Giới làm nghệ thuật vẫn còn nhiều băn khoăn về vấn đề bản quyền, cơ chế chính sách… Đây cũng là các rào cản khiến việc quảng bá văn hóa, xây dựng công nghiệp văn hóa gặp những khó khăn nhất định. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này.

- Đúng là trong phát triển công nghiệp văn hóa, việc quảng bá các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật đang gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Công nghiệp văn hóa gắn bó chặt chẽ với bảo vệ bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển khán giả.

Chỉ khi các nghệ sĩ yên tâm sống bằng tác quyền họ mới có thể toàn tâm, toàn ý cho sáng tạo của mình. Lúc đó chúng ta mới có một thị trường nghệ thuật lành mạnh, nhận được sự tôn trọng, đánh giá cao của quốc tế, từ đó thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật

Chúng ta có Luật Sở hữu trí tuệ khá tốt, với các quy định rõ ràng liên quan đến bản quyền tác giả; nhưng điều chúng ta còn thiếu là năng lực của các tổ chức bảo vệ bản quyền và hiệu quả thực thi luật. Ở Việt Nam, tôi mới chỉ thấy Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là đang làm tương đối tốt. Chúng ta cần nhiều hơn các trung tâm như thế này và ở cả các lĩnh vực nghệ thuật khác. 

Những cản trở khác đến từ việc thiếu các chính sách đặc thù về thuế, đất đai, hợp tác công tư hay quản lý, sử dụng tài sản công... Khi chúng ta luôn nhấn mạnh rằng “văn học nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa” thì việc có những chính sách đặc thù là rất cần thiết. Tháo gỡ được những khó khăn này, sẽ giúp việc quảng bá văn hóa của chúng ta có nhiều thành công hơn từ chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo (giữa) và các người mẫu trong bộ sưu tập Di sản xuyên không gian tại Tuần lễ thời trang London 2023
Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo (giữa) và các người mẫu trong bộ sưu tập Di sản xuyên không gian tại Tuần lễ thời trang London 2023

* Nền tảng trực truyến đang là kênh quảng bá văn hóa rất hiệu quả. Nhưng làm sao kiểm soát, quản lý để không lọt lưới những sản phẩm yếu kém, lệch lạc… có thể khiến quốc tế hiểu sai về đất nước, con người Việt Nam?

- Sự phát triển của internet, đặc biệt là mạng xã hội với các nền tảng trực tuyến là cơ hội rất lớn để chúng ta quảng bá văn hóa Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến các hiện tượng như ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh hay Vũ điệu rửa tay, Ghen Co Vy đã phổ biến khắp thế giới qua phương tiện này như thế nào. Chúng ta cũng mong đợi có nhiều sản phẩm nghệ thuật của người Việt Nam đưa những thông điệp tích cực, đẹp đẽ đến với thế giới. Dù vậy, chúng ta cũng nhận thấy có nhiều khó khăn khi không ít sản phẩm nghệ thuật tiêu cực lan tràn trên không gian mạng.

Theo tôi, để kiểm soát và quản lý nền tảng trực truyến, tránh thông tin và sản phẩm không chất lượng, lệch lạc, đầu tiên chúng ta cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hậu quả của việc phổ biến thông tin không chính xác và độc hại, đồng thời chia sẻ thông tin về văn hóa, lịch sử của đất nước để giảm thiểu hiểu lầm.

Thứ hai là cần thiết lập quy định rõ ràng và nghiêm túc. Cần xây dựng và áp dụng quy tắc, điều khoản sử dụng và chính sách nội dung rõ ràng, nghiêm túc quy định về nội dung không phù hợp, có thể gây hiểu lầm về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Thứ ba là tăng cường quá trình kiểm duyệt nội dung để đảm bảo chất lượng và tính chân thực. Chúng ta có thể ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo để phát hiện và loại bỏ nội dung không phù hợp. Xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức vi phạm. Thứ tư là xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh bằng cách vận động sự tham gia tích cực từ cộng đồng để báo cáo nội dung không phù hợp. 

À ố show (trái) và Teh Dar (phải) đang góp phần tạo nên thương hiệu xiếc Việt Nam với quốc tế - Nguồn ảnh: Lune Production
À ố show, thương hiệu xiếc Việt Nam quốc tế - Nguồn ảnh: Lune Production

* Với những gì đã làm được, cộng thêm sự quan tâm và những chính sách phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, ông có thể phác họa bức tranh về tương lai của công nghiệp văn hóa Việt Nam?

- Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Sắp tới đây, Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết đánh giá Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ hội tốt để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại và đưa ra những kế hoạch mới cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tôi nhìn thấy những gam màu tươi sáng. Ở đó, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong sáng tạo nghệ thuật và văn hóa để tạo ra những sản phẩm của người Việt Nam, vì người Việt Nam và vươn ra cả thế giới. Công nghiệp văn hóa giúp hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tốt hơn, nhất là thấy được sự đổi mới trong việc bảo tồn di sản thông qua công nghệ và trải nghiệm tương tác.

Chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự phát triển các nền tảng trực tuyến làm gia tăng giải trí trực tuyến, với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm điện ảnh, âm nhạc và nghệ sĩ mới trên không gian mạng lẫn ngoài đời thực. Chúng ta cũng hy vọng về sự mở rộng tầm ảnh hưởng của văn hóa - nghệ thuật Việt Nam ra thế giới bằng những sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, đạt được những giải thưởng lớn; từ đó, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

* Xin cảm ơn ông. 

Tạo thuận lợi cho các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật tiếp cận công chúng

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung, đối với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói riêng là công việc chung của toàn xã hội. Ở đó, Nhà nước giữ vai trò định hướng, tạo “sân chơi, luật chơi”, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, tư nhân ở cả trong và ngoài nước tham gia. Thời gian qua, có thể thấy kết quả của một số nỗ lực của cá nhân, đơn vị tư nhân trong việc giới thiệu sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Đó là những tín hiệu đáng mừng khi chúng ta rất lo ngại về nguy cơ xâm lăng văn hóa, nhập siêu văn hóa ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống của một bộ phận công chúng Việt Nam, nhất là giới trẻ. Vì thế, cần có những biện pháp để ủng hộ xu thế này bằng những giải pháp cụ thể. 

Đầu tiên vẫn là những chính sách tạo thuận lợi cho các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật dễ dàng tiếp cận với công chúng ở nước ngoài thông qua các kênh ngoại giao văn hóa, tổ chức các sự kiện Việt Nam ở nước ngoài; các chính sách ưu đãi về thuế và các chi phí có liên quan.

Thứ hai là lựa chọn xây dựng thương hiệu cho các cá nhân, đơn vị tư nhân có những thành tích, sản phẩm tốt. Để làm được điều đó, chúng ta cũng cần có thêm cơ sở vật chất để tổ chức các sự kiện quốc tế ở Việt Nam; cơ chế thông thoáng hơn trong hợp tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công để tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa Nhà nước với các đối tác tư nhân trong vấn đề này.

Thứ ba, tôi nghĩ chúng ta cũng cần xây dựng những giải thưởng quốc gia để khuyến khích các cá nhân, đơn vị tư nhân thực hiện tốt hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua việc đưa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn

Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI