Trải qua 40 năm phát triển cùng TP.HCM (29/12/1978 - 29/12/2018), từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Cần Giờ đã thay da đổi thịt, đạt nhiều thành tựu lớn và đáng tự hào. Tuy nhiên, so với tiềm năng và triển vọng, nhiều đại biểu cho rằng du lịch Cần Giờ chưa phát triển như kỳ vọng…
Ngày 23/12, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP.HCM - Thành quả và kinh nghiệm”.
|
Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu tại hội thảo |
Từ 30.000 dân thiếu đói, nay không còn nghèo theo chuẩn quốc gia
Với xuất phát điểm là một căn cứ quân sự tiền tiêu, giao thông đi lại chủ yếu là đường thủy, chỉ có 13km đường nhựa nối liền 2 xã, nay đã có đường nhựa rộng lớn nối liền về TP và các xã (trừ xã Thạnh An); từ một vùng dân cư nghèo nàn, không có điện, nay lưới điện quốc gia đã phủ toàn huyện kể cả xã Thạnh An; từ 30.000 dân trong tình trạng thiếu đói, trình độ học vấn thấp, nay không còn nghèo theo chuẩn quốc gia, hệ thống giáo dục, cơ sở vật chất trường học đã khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người dân; từ những trạm y tế chỉ để làm công tác sơ cấp cứu đến nay hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, ngày càng nâng cao chất lượng.
Những thành tựu đó gắn liền với bước ngoặc ngày 29/12/1978, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI ban hành nghị quyết phê chuẩn huyện Duyên Hải chính thức sáp nhập vào TP.HCM.
|
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định trong 40 năm qua, nhiều thành tựu quan trọng đã được tạo ra làm thay đổi sâu sắc đời sống người dân Cần Giờ, điển hình như: khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; kết nối Cần Giờ và nội thành TP bằng đường bộ; phủ lưới điện quốc gia trên toàn địa bàn; xây dựng hệ thống đê biển đê sông, các công trình ngăn sạt lở…
Theo ông Nguyễn Thành Phong, những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào, tuy nhiên, so với tiềm năng và triển vọng, Cần Giờ cần được tổng kết, đánh giá, phân tích những thuận lợi, khó khăn, để có những chủ trương, định hướng đúng đắn tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Du lịch Cần Giờ vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”
Đó là nhận định của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc - Trường ĐHQG TP.HCM. Bà Trúc cho rằng, tiềm năng du lịch biển của huyện đảo Cần Giờ được đánh giá rất lớn nhưng nhiều năm qua vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.
Bà Trúc phân tích, Cần Giờ có bờ biển dài khoảng 20km, có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối khai thác kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái biển đảo và còn là nơi neo đậu tránh gió rất thuận lợi cho các tàu thuyền…
Thị trấn Cần Thạnh đặc trưng của đô thị ngoại ô yên tĩnh, đảo khỉ với những hàng dừa xanh mát và gần 2.000 con khỉ các loại là sản phẩm du lịch hết sức đặc biệt, rừng ngập mặn với diện tích gần 38.000 ha…. Thế mạnh là vậy nhưng bức tranh du lịch Cần Giờ nhiều năm qua vẫn không mấy khởi sắc do cơ sở hạ tầng chưa đầu tư kết nối đồng bộ, quãng đường từ trung tâm TP về Cần Giờ chỉ 50km nhưng còn ùn ứ tại bến phà, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, nguồn nhân lực phục vụ còn yếu…
Theo bà Trúc, để phát triển du lịch biển Cần Giờ, cần có những giải pháp cụ thể cho các vấn đề nêu trên.
|
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP |
Trong khi đó, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP cho rằng: "Cần Giờ sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển nhưng cần gắn với việc bảo tồn di sản, giữ được cảnh quan môi trường. Làm công trình lấn biển, làm đường cần nghe ý kiến chuyên gia, khảo sát kỹ lưỡng, thận trọng. Cần Giờ cần được quan tâm xây dựng môi trường văn hóa, đầu tư thêm cơ sở vật chất. Nếu định hướng đúng và đầu tư bài bản, Cần Giờ sẽ phát triển nhanh, bền vững theo đúng tiềm năng".
|
Ông Phạm Chánh Trực phát biểu tại hội thảo |
Ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy, chủ tịch HĐND TP - đánh giá Cần Giờ có sứ mệnh đặc biệt thiết yếu với TP có dân số quá đông, mật độ dân số đô thị cao nhất cả nước.
Theo ông Trực, Cần Giờ vừa là lá phổi vừa là quả thận của TP và các tỉnh lân cận, ngày đêm làm sạch không khí và nước thải.
Ông kiến nghị lãnh đạo TP.HCM xem xét không thực hiện dự án lấp biển Cần Giờ, bởi bất kỳ một dự án dù nhỏ hay lớn trên địa phận Cần Giờ cũng cần được đánh giá tác động môi trường chặt chẽ. "Thành phố cần phát triển Cần Giờ theo hướng nền kinh tế xanh, kinh tế sinh thái và thành phố thông minh”- ông Trực nói.
Phát triển Cần Giờ phải thực hiện khoa học và gìn giữ tự nhiên
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Cần Giờ hiện vẫn còn rất nhiều thách thức, vẫn là địa phương nghèo nhất TP, thu nhập của người dân vẫn thấp. Hệ thống hạ tầng dù đã được cải thiện nhưng chưa đồng bộ, trong khi nhân lực ít và chất lượng cũng hạn chế. Đặc biệt, để phát triển Cần Giờ, việc giải quyết xung đột giữa kinh tế và môi trường vẫn là một áp lực rất lớn.
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo |
Vì vậy, ông Nhân cho biết có rất nhiều ý kiến tâm huyết từ các nguyên lãnh đạo TP.HCM, chuyên gia, nhà khoa học mang giá trị thực tiễn để phát triển Cần Giờ. Theo đó, cần đồng bộ 4 vấn đề.
Đầu tiên là phải làm tốt quy hoạch, từ đó mới phát huy được thế mạnh và tiềm năng vốn có. Kế đến là cần thiết kế cụ thể, trong đó phải có các dự án trọng điểm và thực hiện theo lộ trình. Bên cạnh đó là phải đồng bộ nguồn nhân lực bởi dân số tại Cần Giờ vẫn ít nhất so với các quận, huyện khác, trong khi diện tích đất của địa phương này chiếm tới 1/3 tổng diện tích của TP. Cuối cùng, Cần Giờ cần có chính sách đặc thù bởi nơi đây có truyền thống văn hóa, di sản, tài nguyên đặc thù.
“Tại Cần Giờ, điều kiện quy hoạch hiện nay khác 40 năm trước, vì vậy phải rà soát lại dựa trên các điều kiện thực tế và những tiêu chí phù hợp. Là huyện lớn nhất TP nhưng dân số lại ít nhất, điều này cho thấy sức hút tự nhiên còn hạn chế. Chúng ta có tài nguyên nhưng cần có lộ trình để khai thác và phải triển khai quyết liệt, cần chính sách riêng” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, chưa bao giờ Cần Giờ có được cơ hội phát triển như hiện nay bởi nhiều chính sách, chủ trương trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển đã có sự đồng thuận từ Trung ương. Trong khi đó, TP.HCM hiện cũng đang tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động lớn và cùng trình độ cao nên đó là điều kiện tốt giúp Cần Giờ phát triển. Tuy nhiên, ông Nhân đánh giá việc phát triển Cần Giờ đòi hỏi phải thực hiện khoa học, phát triển bền vững và gìn giữ tự nhiên. Những định hướng đưa ra như phát triển du lịch, hải sản, giao thông vận tải trên biển… phải đảm bảo giữ được các nét văn hóa, tài nguyên.
Những vấn đề này, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP cần nghiên cứu kinh nghiệm phát triển ở các TP biển trên thế giới, cách giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và tự nhiên như thế nào cho phù hợp. “Cần Giờ là tài nguyên đặc biệt của TP về kinh tế, địa lý, lịch sử cũng như các yếu tố về an ninh, quốc phòng. Vì vậy, có nhiều ý kiến từ chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất và có thể vận dụng, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo định hướng dài hạn” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Cần Giờ (Duyên Hải) là huyện ven biển ngoại thành của TP.HCM với diện tích tự nhiên hơn 71.300ha, trong đó hơn 70% diện tích là rừng ngập mặn và sông rạch. Sau 40 năm sáp nhập về thành phố, tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt 10%/năm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển tốt, quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững.
Nhiều công trình nổi bật trong sự phát triển của huyện Cần Giờ như: Khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam năm 2000, công trình xây dựng đường Nhà Bè - Duyên Hải kết nối giữa Cần Giờ và nội thành thành phố, đưa được điện lưới quốc gia về huyện (năm 1990) và phủ kín toàn huyện (năm 2015), công trình kè đá chắn sóng biển khu vực Cần Thạnh - Long Hòa, chương trình di dời, bố trí lại dân cư, ổn định cuộc sống cho người dân… Trong đó gần 1.000 hộ dân xã Tam Thôn Hiệp sinh sống trong rừng phòng hộ, đi lại khó khăn chỉ bằng đường thủy, không có điều kiện phát triển đã được di dời về đất liền, hình thành trung tâm xã mới.
|
Mai Phan