Phạt trẻ để hả giận?

30/06/2017 - 14:02

PNO - Rất nhiều người tới tận hôm nay vẫn ủng hộ quan điểm: thương cho roi cho vọt. Có lẽ họ lầm tưởng đòn roi, hình phạt một phương pháp giúp trẻ em hiểu được lỗi lầm của mình.

Một lần nữa, dư luận lại dậy sóng vì hình ảnh một đứa trẻ, là con nuôi, bị người mẹ treo lên cao, mặc cháu giãy giụa kêu khóc. Đã bao lần tôi được nhìn và nghe về những chuyện phạt trẻ con như thế! 

Phat tre de ha gian?
Sự việc cháu bé bị treo trên xà nhà khiến nhiều người phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip)

Gõ vào cụm từ “bạo hành trẻ em” trên google, kết quả khiến người ta kinh hoàng. Chỉ trong năm 2017, đã có vô số những vụ trừng phạt trẻ man rợ, như vụ người mẹ đánh con vì cháu không chịu ngủ trưa, đến mức cháu bị chấn thương sọ não mà tử vong ở Bà Rịa - Vũng Tàu; vụ cô giáo mầm non ở Hà Nội nhốt bé bốn tuổi trong nhà vệ sinh rồi bỏ quên cháu ở đó đến tối. Gần đây nhất, vào ngày 11/5, một bé gái chỉ vì nhớ nhầm môn thi mà bị mẹ, là một cô giáo, lột truồng, đánh rớm máu khắp mông và đẩy ra khỏi nhà trong tình trạng không quần áo…

Khi đọc những thông tin như vậy, hằn lên trong tâm trí tôi là khuôn mặt như hung thần của người phạt trẻ. Bởi chỉ có sự tức giận điên cuồng mới khiến người ta có thể đối xử với con mình, học sinh của mình một cách dã man như thế. 

Rất nhiều người tới tận hôm nay vẫn ủng hộ quan điểm: thương cho roi cho vọt. Có lẽ họ lầm tưởng đòn roi, hình phạt một phương pháp giúp trẻ em hiểu được lỗi lầm của mình. Các nhà tâm lý liên tục lên tiếng cảnh báo: sự trừng phạt chỉ khiến đứa trẻ cá tính mạnh thêm lì lợm, ngang tàng, thêm phẫn uất, thù ghét cha mẹ; khiến những đứa trẻ yếu ớt về tinh thần thêm nhút nhát, kém tự tin, sống thu mình, tổn thương nặng nề về tâm lý.

Những chấn động tinh thần từ đòn roi và hình phạt của trẻ kéo dài nhiều năm tháng sau này, thậm chí ảnh hưởng tới nhân cách trẻ. Đáng buồn là không ít người biết rõ điều này, nhưng họ vẫn đánh con bởi không kìm được cơn giận dữ. Lúc ấy, trút đòn roi và hình phạt đổ lên đầu trẻ chỉ nhằm hả cơn giận mà thôi.

Thời nhỏ, tôi cũng là đứa trẻ cứng đầu, lì lợm. Trời mưa, cha mẹ bảo ở trong nhà thì tôi lại muốn chơi với bong bóng mưa. Trưa nắng, cha mẹ bảo phải ngủ trưa thì tôi thích theo bạn bè đi bắt ve sầu. Ngoài cổng trường là một thế giới những món quà vặt ngon lành, mặc cha mẹ bảo đó là những món ăn độc hại, tôi vẫn thèm thuồng và có lần trộm tiền của mẹ chỉ để mua mấy chùm trái cây. Lì lợm, bướng bỉnh, nếu quy cả tội ăn cắp thì tôi rõ ràng là đứa trẻ hư. Thế nhưng, tôi rất hiếm khi bị “ăn đòn”.

Vì liều lĩnh và thích phiêu lưu, có lần tôi trốn nhà, quyết theo bạn đi Vũng Tàu để biết thế nào là biển. Cả nhà dáo dác đi tìm, đến khi một người bạn tôi “mách lẻo”, cha mẹ mới tìm ra lũ chúng tôi vất vưởng ở bến xe. Hôm đó, đòn roi cùng khuôn mặt buồn rười rượi của ba không đáng nhớ bằng những giọt nước mắt của mẹ khi bà gặp tôi, khi bà lần hồi xoa dầu vào những vệt roi trên mông tôi. Chính nước mắt của mẹ đã giúp tôi ngẫm nghĩ về lỗi lầm của mình và hình như từ đó, tôi bớt lì lợm hơn, bớt liều lĩnh, tự làm theo ý mình.

Bây giờ, nhớ lại lỗi lầm thơ ấu, đôi khi tôi xấu hổ, đôi khi buồn cười. Tôi nhận ra, cha mẹ đã luôn cố gắng tìm hiểu xem vì sao tôi bướng bỉnh, vì sao cứ làm ngược lại điều người lớn khuyên bảo. Họ đã nhìn thấy trong quyết tâm làm ngược một thế giới vùng vẫy, đòi được độc lập của tôi. Từ những cảm thông, hiểu biết đó, họ tìm ra cách uốn nắn tôi mà không dập đi sự háo hức khám phá thế giới. 

Thật khó để mọi đứa trẻ hiểu ngay khi nhận đòn roi rằng: sự trừng phạt đôi khi xuất phát từ lòng yêu thương, lo lắng, chứ không phải sự tức giận vì bị quấy nhiễu, bị chống đối. Tôi thầm cảm ơn những giọt nước mắt của mẹ cùng trận đòn không đi kèm khuôn mặt hằm hằm tức giận của ba, chúng giúp tôi luôn nhớ lại “tuổi thơ dữ dội” của mình trong niềm biết ơn, xúc động. 

Thanh Xuân


 



 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI