Phạt tiền nếu kiểm soát thu nhập bạn đời, được không?

18/11/2024 - 06:20

PNO - Mới đây, khi soạn dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Bộ Công an đề xuất phạt 20-30 triệu đồng hành vi kiểm soát thu nhập của chồng hoặc vợ. Câu hỏi đặt ra là nên hay không nên xử phạt, việc xử phạt liệu có khả thi?

Kiểm soát thu nhập: Hiện tượng phổ biến

Mấy hôm nay, trong nhóm chat Zalo “Tài xế xe du lịch miền Nam” với hơn 1.000 thành viên, người ta bàn tán sôi nổi chuyện kiểm soát thu nhập có thể sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bị thành viên trong gia đình ép đưa tiền từ thu nhập diễn ra phổ biến xưa nay.

Tài xế N.D.K. (quận Bình Thạnh, TPHCM) kể, anh phải “cống nạp” cho vợ 1 triệu đồng/ngày với lý do đây là “khoản cứng” để đóng học phí cho con, chi tiêu trong gia đình và tích cóp để trả khoản nợ mua nhà.

Khổ nổi, 3 năm nay, anh bị công ty chuyển sang chạy xe 7 chỗ, thu nhập giảm hẳn so với trước. Hôm nào ít khách, về đưa dưới 1 triệu đồng, anh lại bị vợ cằn nhằn, tra hỏi. Do đó, anh phải chạy cật lực, mỗi ngày chỉ ngủ vài giờ.

Anh cho biết, không đồng tình với cách kiểm soát thu nhập của vợ nhưng đây là chuyện riêng tư, chỉ có thể cùng nhau giải quyết, không thể đi tố cáo: “Tôi nghĩ, không ai lại đi tố cáo chuyện vợ mình yêu cầu đưa quá nhiều tiền mỗi ngày. Nếu tố cáo, vợ bị phạt 20-30 triệu đồng thì tiền đóng phạt cũng là do mình đưa”. Theo anh, thay vì phạt tiền, nên dùng các biện pháp giáo dục, tuyên truyền.

Từ ngày kết hôn đến nay, anh Trần Văn Tưởng (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) chưa từng được cất giữ trọn vẹn kỳ lương nào. Anh là kỹ sư điện, lương 16 triệu đồng/tháng. Vợ anh quản hết khoản lương này, chỉ “cấp phát” cho anh 50.000 đồng/ngày để đổ xăng, ăn sáng.

Vợ anh dán khẩu hiệu “tiết kiệm hôm nay, bền vững ngày mai” đầy phòng trọ và luôn ép anh phải chi tiêu dè sẻn. Anh nhăn mặt: “Nhiều khi, tôi rất ức chế, thiếu tự tin vì trong túi không có đồng nào, không dám mời bạn bè ly cà phê”.

Từ năm 2019, chị Tuyết Hoa (quận 6, TPHCM) sinh con đầu lòng, phải nghỉ việc để ở nhà chăm con. Chồng chị giành giữ hết mọi khoản thu.

Chị kể: “Em ở nhà bán hàng online, có được bao nhiêu tiền cũng đưa cho chồng giữ hết để ảnh tính toán chi tiêu, trả nợ ngân hàng. Ban đầu, chồng em cũng thoáng, nhưng sau này thì chi li từng đồng nên vợ chồng không còn hòa thuận. Mỗi lần em xin tiền đi dự đám cưới, sinh nhật hay mua quần áo mới cho con, đều bị chồng cằn nhằn. Chồng em còn bán hết nữ trang cưới để gửi tiền vô ngân hàng đứng tên ảnh”.

Theo chị Tuyết Hoa, khi không tự chủ về tài chính, phụ nữ rất dễ bị bạo hành tinh thần. Tuy nhiên, quy định phạt tiền 20-30 triệu đồng cho hành vi kiểm soát thu nhập của vợ hoặc chồng rất khó áp dụng vào thực tế bởi người một nhà mà tố cáo nhau là điều xa lạ với văn hóa Việt Nam, muốn tố cáo cũng phải có bằng chứng.

Khẩu hiệu “tiết kiệm hôm nay, bền vững ngày mai” dán đầy trong nhà anh Trần Văn Tưởng - ẢNH: THÙY DƯƠNG
Khẩu hiệu “tiết kiệm hôm nay, bền vững ngày mai” dán đầy trong nhà anh Trần Văn Tưởng - ẢNH: THÙY DƯƠNG

Tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - cho rằng, phạt tiền hành vi kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên trong gia đình là một đề xuất thể hiện sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước tới từng tế bào của xã hội. Tuy nhiên, không dễ để dự thảo này trở thành quy định chính thức và đưa vào thực tiễn cuộc sống.

Theo bà, việc vợ và chồng không chỉ ràng buộc nhau về phương diện pháp lý, thân thể, con cái mà còn ràng buộc nhau về phương diện tiền bạc là điều đáng khuyến khích. Việc vợ, chồng kiểm soát thu nhập của nhau, minh bạch trong thu chi cũng là yếu tố góp phần giúp mối quan hệ gia đình bền vững.

Bà kể: “Vợ chồng tôi cài ứng dụng vào điện thoại của cả hai. Mỗi lần thu chi, chúng tôi đều báo cáo vào ứng dụng, khiến vấn đề tài chính rõ ràng, minh bạch, không ai có cơ hội giấu quỹ đen hoặc chi tiêu lố. Vợ chồng tôi hạnh phúc với điều đó”.

Nhưng bà cũng cho rằng, việc kiểm soát thu nhập của nhau quá mức - như tính toán chi li từng đồng, lên án nhau, xúc phạm nhau về việc chi tiêu hoặc thu nhập của nhau, ép buộc người kia phải thu nhiều chi ít, không cho người kia quyền sử dụng tiền bạc do họ tạo ra - sẽ gây nhiều tác hại. Tác hại dễ thấy nhất là gia đình có nguy cơ đổ vỡ, sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, tạo hình mẫu không tốt cho con cái và khiến chúng có cái nhìn lệch lạc về tài chính.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc xác lập chế tài xử phạt cho các hành vi bạo lực gia đình là điều nên làm. Nếu như trước đây, các cơ quan chức năng chỉ đưa ra chế tài xử phạt các hành vi bạo lực thể xác thì nay đã chú trọng đến các hành vi bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế.

Tuy nhiên, xét về mặt thực tế thì việc phạt tiền hành vi kiểm soát thu nhập của bạn đời khó thực thi. Theo thống kê của ngành lao động, thương binh và xã hội, hơn 90% nạn nhân bạo lực gia đình (bạo lực thể chất, tình dục) ở Việt Nam không chủ động lên tiếng để tìm kiếm sự giúp đỡ. Do đó, việc tố cáo khi bị kiểm soát thu nhập rất khó xảy ra.

Theo ông, để các chế tài xử phạt trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ngăn chặn hành vi này từ gốc. Cần lồng ghép nội dung bình đẳng về tài chính vào các chương trình tuyên truyền về bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình.

Việc tuyên truyền phải đi trước rồi mới đến bước xử phạt. Việc xử phạt cũng cần nhắm đến các hình thức như buộc người gây bạo lực tham gia các khóa học về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, buộc lao động công ích, hạn chế các quyền dân sự… Những giải pháp này sẽ hiệu quả hơn phạt tiền.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Các hành vi bạo lực kinh tế có thể bị phạt tiền

Theo dự thảo nghị định do Bộ Công an soạn (lần 3) nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình), việc xử phạt hành vi “bạo lực kinh tế” trong gia đình được quy định trong điều 58.

Cụ thể, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: chiếm đoạt tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác...

Thùy Dương - Nhã Chân - Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI