Phạt tiền giáo viên không đạt chuẩn

20/03/2013 - 08:18

PNO - Đó là một trong những nội dung được tranh luận tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục.

 Đây là điểm mới được nhiều đại biểu tán thành khi thảo luận về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19/3. Dự thảo này quy định phạt từ 5-30 triệu đồng đối với việc sử dụng nhà giáo không đạt chuẩn, tùy theo từng cấp học.

Phat tien giao vien khong dat chuan

Một trung tâm dạy thêm ở Đống Đa (Hà Nội). Theo dự thảo, lớp học đông như thế này cũng bị phạt - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngoài vấn đề trên, dự thảo cũng đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục lên cao hơn mức hiện hành. Nhìn chung dự thảo nghị định đã xuất hiện một số điểm tích cực, nhưng vẫn bị đánh giá có nhiều điểm không khả thi, vận dụng ngay có thể gặp thất bại...

Nhiều hành vi lần đầu bị “xử”

Thông báo về sự khác biệt của nghị định mới, ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, nói: “Trước đây, mới chỉ có xử phạt việc tổ chức lớp độc lập chứ chưa từng đi vào khái niệm dạy thêm. Dự thảo lần này quy định các vi phạm liên quan đến dạy thêm sẽ chịu mức 3-30 triệu đồng”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Quang - chánh thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang, việc quản lý dạy thêm rất khó khi có hiện tượng một số trường tiểu học lách luật, lợi dụng quy định cho phép dạy thêm các môn thể thao - nghệ thuật để xin giấy phép dạy các môn này ngoài giờ, nhưng rốt cuộc lại tổ chức dạy thêm các môn văn hóa.

Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, ông Bằng cho hay có thể ban soạn thảo sẽ đưa quy định chi tiết mức xử phạt với dạy thêm cấp tiểu học. “Kiểm tra tại TP.HCM vừa qua cho thấy có hiện tượng học sinh tiểu học vừa vào chưa được một tháng đã phải đi học thêm. Tình trạng dạy thêm sai quy định ở cấp học mà các em cần thiết được cân đối học - chơi sẽ phải quy định chi tiết hơn” - ông Bằng nói.

Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra mức xử phạt bằng tiền có thể lên đến 20 triệu đồng với các lớp học có sĩ số quá đông. Với quy định hiện tại, cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, cấp THCS và THPT không quá 45 học sinh/lớp. Dự thảo đưa ra mức phạt 5 -10 triệu đồng đối với lớp có số lượng học sinh vượt quá mức quy định từ 15-25%, từ 10-15 triệu đồng đối với lớp có số lượng học sinh vượt quá mức quy định từ 26-40%, từ 15-20 triệu đồng đối với lớp có số lượng học sinh vượt quá mức quy định từ 41% trở lên.

Thực tế cho thấy phần đông các lớp thuộc trường tiểu học tại Hà Nội, TP.HCM vốn thường xuyên ở mức 40-50 học sinh/lớp, việc xử phạt sẽ trở thành áp lực với chính cơ quan thanh tra, kiểm tra khi bản thân các trường học ở thành phố lớn cũng đang ở thế bất lực với diện tích chật hẹp.
Tiếp nhận các ý kiến, ông Bằng cho rằng đúng là áp dụng tiêu chí này thì tại Hà Nội, TP.HCM sẽ sai phạm phổ biến. “Bộ sẽ làm việc với Hà Nội để khảo sát lại khả năng đáp ứng nhu cầu về sĩ số tại các lớp học. Tính tổng quan thì cả nước có thể thực hiện mục tiêu này, nhưng với hai thành phố lớn có thể hơi quá sức” - ông Bằng nói.

Tăng mức phạt tiền

Do khung tiền phạt quy định tại các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong giáo dục trước đó có nhiều điểm không hợp lý nên nghị định mới đã có những điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt. Trước đây, mức phạt hành vi vi phạm quy định về thành lập cơ sở giáo dục như quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục, cho phép hoạt động giáo dục nhưng không báo cho cơ quan có thẩm quyền bị phạt từ 1-2 triệu được nâng lên thành 5-10 triệu đồng. Đối với một trong các hành vi: tẩy xóa, sửa chữa nội dung, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn... được nâng từ mức 5-10 triệu lên 10-20 triệu đồng...

Một số mức xử phạt theo dự thảo nghị định

Nhiều ý kiến cho rằng quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi “xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập” là không rõ ràng. Theo ông Nguyễn Văn Hảo - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu, với gia đình nghèo, không có điều kiện cho con em đi học thì việc xử lý này không phù hợp và có quyết xử phạt thì họ vẫn không có tiền nộp phạt. Việc dùng từ “xúi giục” cũng không phù hợp và nên được thay bằng “ép buộc”.

Dự kiến mức phạt từ 3-30 triệu đồng đối với vi phạm quy định về dạy thêm:

- Từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm.

- Từ 5-10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định.

- Từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu chi tiền dạy thêm, học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ.

- Từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng.

- Từ 20- 30 triệu đồng đối với hành vi cấp giấy phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền.

Việc tăng mức xử phạt không hoàn toàn nhận được sự đồng tình từ các sở GD-ĐT, các trường ĐH. Đại diện cho tổ thảo luận gồm đại diện các sở GD-ĐT, ông Phạm Thanh Nam - chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM - cho rằng việc phạt từ 25-50 triệu đồng với hành vi vi phạm quy định về các khoản thu ngoài học phí, lệ phí là quá nặng.

Ông Nguyễn Tiến Quang cũng nói Luật giáo dục quy định rất rõ ngoài học phí và lệ phí thi tuyển sinh, học sinh không phải đóng bất cứ khoản tiền nào. Trong khi đó các trường phải thu tiền điện nước, phòng giáo dục, sở giáo dục thu tiền giấy thi, giấy nháp cho học sinh để bù đắp chi phí. “Quan trọng là xem xét, đánh giá cách thu. Thu “bổ đầu” học sinh là sai, chứ nói phạt đến cả 50 triệu đồng nếu thu ngoài lệ phí, học phí thì đụng chạm rất nhiều” - ông Quang phân tích.

Ông Bằng còn cho hay chỉ riêng việc tăng mức phạt không nâng được tính răn đe, cần kết hợp các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số tiền do hành vi vi phạm mà có, tịch thu toàn bộ hoặc một phần số tiền do hành vi vi phạm về học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học...
Có khả thi?

Theo ông Phạm Thanh Nam, các hành vi phải xử phạt trong nghị định cần thiết được cân nhắc kỹ để tránh hiện tượng khi đưa ra bị phản đối dữ dội, rốt cuộc lại phải bất đắc dĩ “thu về”, “dẹp đi”. “Dự thảo ghi phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không bảo đảm đủ số lượng, diện tích phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi, bãi tập, khu vệ sinh, khu để xe, hệ thống cấp thoát nước và các công trình phục vụ dạy và học khác. Nhưng những điều kiện không đáp ứng này đâu chỉ thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng, mà còn là trách nhiệm của các cấp quản lý cao hơn, Cần thiết cân nhắc vì nếu không thực hiện được, chắc chắn sẽ bị xã hội chỉ trích vì quy định không phù hợp” - ông Nam nói.

PGS.TS Trần Ngọc Dũng - Trường ĐH Luật Hà Nội - cho rằng các hành vi trong nghị định có vẻ được quy định chi tiết, nhưng vẫn còn khoảng trống khi không đề cập gì đến xử lý việc sử dụng văn bằng giả. “Tại Trường ĐH Luật Hà Nội, nhiều người học văn bằng hai mà bằng một là bằng giả. Mỗi năm nhà trường phát hiện đến 40-45 văn bằng giả. Cá biệt có lớp số học viên dùng văn bằng giả lên đến 10%. Việc sử dụng văn bằng giả có cả ở cán bộ, giáo viên, có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ dù không học. Việc này cần thiết phải xử lý và đưa vào quy định” - PGS Dũng đề xuất.

Theo PGS Dũng, một thiếu sót nữa của dự thảo là không có quy định về xử lý việc ra đề thi ngoài giới hạn ôn tập đã thông báo hay việc sử dụng đề thi trình độ nọ cho bậc học kia. “Lấy đề thi trung cấp để ra cho ĐH hay ngược lại sẽ bị xử lý thế nào? Tại sao không có quy định cụ thể khi đây là chuyện đã từng xảy ra?” - PGS Dũng đặt vấn đề.

Theo kế hoạch, dự thảo nghị định sẽ được gửi sang Bộ Tư pháp chờ thẩm định vào cuối tháng 3, sau đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để kịp thời ban hành trước tháng 7.

Theo Tuổi Trẻ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI