PNO - Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Bắc Trà My hợp đồng với công ty Tiến Thiên Tân để dọn thực bì, trồng rừng thay thế. Đơn vị này đã tự ý phá luôn cả 2ha rẫy keo của người dân.
Theo đơn trình báo của anh Ríah Dũng (thôn 6 xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), ngày 17/4 vừa qua đột nhiên có khoảng 10 người từ đâu tới vào phá rừng keo của gia đình. “Họ không chặt nhưng lại lột vỏ tất cả cây keo của gia đình chúng tôi khiến cho cây keo chết dần”, anh Dũng cho biết.
Bức xúc vì rẫy keo 3 năm tuổi bị ngang nhiên chặt phá, 2 hộ dân đã có đơn trình báo với UBND xã Trà Bui
Tương tự, rẫy keo của anh Trung Ngọc Chanh (thôn 6, xã Trà Bui) cũng bị nhóm người này vào ngang nhiên chặt phá khiến cho cây keo của gia đình hư hại hoàn toàn. Theo những hộ dân này, đây là diện tích mà họ đã khai hoang, phục hóa từ năm 2007, khi họ bắt đầu di dời từ lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 lên nơi ở mới. “Lúc đó được cấp ngôi nhà và hứa cấp cho mỗi hộ gia đình 1,5ha đất sản xuất. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy gì nên chúng tôi tự khai hoang để tỉa lúa. Cuối năm 2009 thì bắt đầu trồng keo, đến năm 2016 thì khai thác vụ 1. Giờ đang trồng vụ 2, cây keo được 3 năm tuổi rồi thì bị phá như thế này”, anh Chanh nói.
Theo anh Trung Ngọc Chanh, từ khi trồng keo trên diện tích đất này đã hơn 10 năm không thấy ai nói năng gì nên gia đình cứ tiếp tục trồng. “Nếu là đất của rừng phòng hộ thì thiết nghĩ Ban quản lý nên mời gia đình chúng tôi làm việc, có lãnh đạo chính quyền địa phương, rồi từ đó giải quyết có lý có tình. Ít nhất cũng để chúng tôi khai thác đợt keo này đã, vì đó là mồ hôi, công sức chúng tôi đổ vào. Đằng này không có thông báo gì đã vào phá của chúng tôi thế này thì sao chấp nhận được”, anh Trung Ngọc Chanh bức xúc.
Rẫy keo của gia đình anh Trung Ngọc Chanh bị lưc lượng của công ty Tiến Thiên Tân vào lột vỏ để cây keo chết dần
Cũng theo anh Chanh, vụ đầu tiên gia đình anh đã thu về được 48 triệu đồng từ rừng keo đã trồng. “Vụ thứ 2 này dự kiến là thu hoạch cao hơn vụ trước vì đây là keo tái sinh, mật độ dày và sinh trưởng tốt hơn. Gia đình chúng tôi cũng đã đổ vào đây nhiều tiền bạc và công chăm sóc cho đến hôm nay. Chỉ hơn 1 năm nữa là có thể khai thác rồi, vậy mà…”, chị Định Thị Lan (vợ anh Chanh, thôn 6, xã Trà Bui) thở dài.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, chỉ đến khi người dân có đơn trình báo lên xã thì chính quyền địa phương mới biết vụ việc. “BQL rừng phòng hộ hợp đồng với 1 công ty thi công phát dọn thực bì để trồng rừng thay thế. Nhưng họ làm việc đều không thông qua chính quyền địa phương. Ngay cả việc họp với các hộ dân để thu hồi đất, chính quyền địa phương cũng không hề hay biết. Đây là diện tích mà bà con đã khai hoang từ những năm 2007-2008 đến nay, nên có làm gì cũng phải giải quyết sao cho thỏa đáng”, ông Cường nói.
Giả chữ ký ý kiến thống nhất của dân
Theo tìm hiểu, ngày 12/9/2012, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 2921/QĐ-UBND phê duyệt Dự án trồng rừng thay thế diện tích đất rừng chuyển mục đích sử dụng phục vụ công trình thủy điện sông Tranh 2. BQL rừng phòng hộ sông Tranh (nay là BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My) là đơn vị thực hiện thi công trồng rừng thay thế. Qua đó, giao 400ha (sau đó điều chỉnh lại còn khoảng 300ha) cho đơn vị này trồng cây Sao đen với mật độ 1.333 cây/ha. Địa điểm là khoảnh 2, 3, 4 tiểu khu 750; khoảnh 4, 5 tiểu khu 742; khoảnh 10, 11 tiểu khu 744; khoảnh 1 tiểu khu 745; khoảnh 4, 5, 6, 7, 9 tiểu khu 747; khoảnh 3, 4 tiểu khu 749 thuộc xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thời gian thực hiện là từ năm 2012 đến năm 2021.
Sau đó, BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My đã hợp đồng với công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân để dọn thực bì và trồng rừng thay thế.
Bản cam kết mà công ty Tiến Thiên Tân đưa cho BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My, trong đó ông Đinh Văn Lăng đã giả chữ ký của 2 hộ dân khác
Khi chúng tôi đem sự việc này thắc mắc với ông Châu Minh Ninh – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Tra My, ông Ninh cho biết, ở thôn 6 xã Trà Bui có 8 hộ dân có diện tích rẫy keo nằm trong lâm phận thuộc quyền quản lý của Ban, cần thu hồi. Đơn vị đã giao cho công ty Tiến Thiên Tân thực hiện việc thu hồi đất, phát dọn thực bì và trồng rừng thay thế. BQL sẽ nghiệm thu khi công ty đã thực hiện đầy đủ.
“Mình có biết việc công ty tự ý phá rẫy keo của dân hay không?”, chúng tôi hỏi.
Ông Ninh cho biết, đã có biên bản thỏa thuận, cam kết giao trả đất của các hộ dân có diện tích đất xâm hại trong khu vực lâm phận của Ban nên cho rằng đã được sự đồng thuận của người dân. “Nhưng sau khi được báo cáo vụ việc, chúng tôi đã trực tiếp lên làm việc với chính quyền địa phương và những hộ dân này thì mới biết, trong 8 hộ thì đã có 6 hộ đồng ý giao trả đất. Còn 2 hộ khi làm việc họ đi làm rẫy, không có mặt nhưng vẫn có chữ ký vào biên bản cam kết. Chữ ký của 2 hộ dân này là do ông Đinh Văn Lăng (tổ trưởng tổ 2 bảo vệ rừng) giả chữ ký để ký thay”, ông Ninh thông tin.
Chính vì vậy, 2 hộ dân này chưa thống nhất với ý kiến các bên nên khi lực lượng của công ty vào chặt, phá cây keo để thu hồi diện tích đất nằm trong lâm phận của BQL khiến họ bức xúc và có đơn kiến nghị. “Về pháp lý, thì đây là diện tích buộc phải thu hồi, không có gì sai. Nhưng cách làm này không đúng”, ông Ninh nói thêm.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, sự việc này rất phản cảm dù có đúng pháp luật hay không. Và, trách nhiệm của BQL rừng phòng hộ là đã buông lỏng quản lý, giám sát
Ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, ngay sau khi nghe báo cáo sự việc, huyện đã chỉ đạo BQL, công ty phải làm việc lại với chính quyền địa phương và người dân xã Trà Bui để giải quyết hợp lý vấn đề này. “Về mặt pháp lý thì không có gì sai, vì đây đều là đất trong lâm phận cần phải thu hồi nhưng cách làm rất phản cảm, gây phẫn nộ cho người dân. Qua chuyện này, phía BQL cũng phải rút kinh nghiệm sâu sắc, mình là đơn vị chủ đầu tư của dự án, không thể khoán trắng cho đơn vị thi công mà phải đồng hành, giám sát để không xảy ra những chuyện như vừa rồi”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, đến thời điểm hiện tại, khi đã làm việc lại với chính quyền địa phương và các hộ dân xã Trà Bui đã thống nhất sẽ giao trả diện tích đất này lại cho BQL theo đúng pháp luật và cam kết không xâm phạm trở lại. “Với diện tích cây keo bị phá vừa rồi, phía công ty và BQL có trách nhiệm giải quyết sao cho hợp tình hợp lý. Biết là đất ở trong diện tích bị thu hồi nhưng cũng không thể làm như thế. Vì vậy, tôi đã giao cho các bên liên quan có cách hỗ trợ (không phải là đền bù, vì những người dân này đã vi phạm trong diện tích đất của BQL) sao cho phù hợp, giúp người dân ổn định cuộc sống. Cũng từ nay, phía BQL phải có sự giám sát chặt chẽ để không để xảy ra trường hợp tương tự”, ông Vũ cho hay.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.