Phạt Thiên Ngọc Minh Uy hơn 1,5 tỷ đồng trong năm 2016

13/04/2017 - 17:12

PNO - Theo công bố của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) - Bộ công thương, Thiên Ngọc Minh Uy đứng đầu trong danh sách doanh nghiệp đa cấp bị Sở Công thương Hà Nội xử phạt với số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Ngày 13/4, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) của Bộ công thương đã công bố kết quả quản lý công tác bán hàng đa cấp trong năm 2016. Theo đó, đơn vị này đã tiến hành điều tra và xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.

5 doanh nghiệp bị Cục QLCT xử phạt với số tiền lớn nhất trong năm lần lượt là Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam (979,5 triệu đồng), Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam (677,5 triệu đồng), Công ty Cổ phần Nhượng Quyền Thiên Lộc (570 triệu đồng), Công ty Cổ phần Japan Life Việt Nam (552 triệu đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam (472 triệu đồng). Hiện, giấy chứng nhận của các doanh này đã bị thu hồi.

Phat Thien Ngoc Minh Uy hon 1,5 ty dong trong nam 2016
Thiên Ngọc Minh Uy đứng đầu danh sách DN đa cấp bị Sở Công thương xử phạt năm 2016

Theo Cục QLCT, điểm mới trong năm 2016 đó là hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm năm 2016 ở các địa phương được thực hiện với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý liên quan nên hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm đã được nâng cao rõ rệt. Tổng số tiền phạt lên tới 6,5 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2015.

Cụ thể, riêng với Sở Công thương Hà Nội, tổng số tiền xử phạt đối với các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp là hơn 2,5 tỷ đồng. Đây là địa phương xử phạt hành chính nhiều nhất cả nước trong lĩnh vực này, cùng với Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Điện Biên.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp bị chính quyền địa phương xử phạt nhiều nhất là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy với mức tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Everrichs, Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam.

Thỏa thuận đa cấp chủ yếu bằng... lời!

Theo Cục QLCT, các vi phạm phổ biến được Sở Công Thương phát hiện tại các đơn vị này là việc ký kết hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp không bằng hình thức văn bản hoặc không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp, không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ báo cáo định kỳ về hoạt động bán hàng đa cấp.

Không thông báo với Sở Công Thương sau khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thông báo đến Sở Công Thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo; kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với hàng hóa chưa đăng ký với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi chưa có xác nhận.

Một trong những vấn đề tồn tại lớn nhất trong lĩnh vực này, theo Cục QLCT là vẫn tồn tại hoạt động bán hàng đa cấp không đăng ký. Năm 2016, Cục QLCT và các Sở Công Thương đã phát hiện và xử phạt 17 tổ chức, cá nhân bán hàng theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp Giấy chứng nhận, với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh các sản phẩm không phải hàng hóa như huy động tài chính, sản phẩm vô hình (tiền ảo)… Trong khi đó, nhận thức hạn chế của người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp còn hạn chế. Thực tế, gần như tất cả các đơn khiếu nại mà Cục QLCT nhận được đều từ những người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp nhưng không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao. Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý.  

Bộ Công thương cho biết, trong năm 217 sẽ tiếp tục thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động đa cấp tại các địa phương. Đặc biệt, trong quý 2, Bộ này sẽ hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp bằng việc trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo đúng kế hoạch.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI