Chuyện cướp lộc, giẫm nhau toé máu ở cửa Đình - Đền - Chùa đầu năm gần như năm nào cũng diễn ra. Việc viếng chùa, thắp hương ấy lẽ ra sẽ là nét son, ai cũng mang trong mình những tâm nguyện riêng cầu xin cho một năm mới "mưa thuận gió hoà". Thế nhưng, giữa trốn linh thiêng đó, chuyện cầu xin đã trở thành... bạo lực.
Chỉ vừa mới bước vào mùa lễ hội, những bức ảnh giẫm nhau cướp lộc, cướp hoa lại tràn lan. Các bức ảnh đó, nếu không có chú thích, hẳn nhiên ai cũng nghĩ đó là một cuộc ẩu đả giữa đám đông chứ không dám nghĩ rằng đó là "một nét đẹp văn hoá cần giữ gìn" như lời ông Nguyễn Nam Nho - Giám đốc Trung tâm quản lí khu di tích đền Gióng phát biểu, về việc "cướp lộc" mấy ngày qua.
Chuyện xin lộc đầu năm, ai cũng hòng mong mình đến trước "cửa đền bản phủ" xin được chút lộc của Phật của Thánh để năm tới làm ăn suôn sẻ. Nghiêm túc là xin, là nhặt chứ không phải là cướp. Mà lại là cướp ngay chỗ thanh tịnh nhất nhân gian, cửa Chùa, thì thật không còn gì để nói về những "con nhang đệ tử" này.
|
Thật khó tin rằng đây là hình ảnh tại Lễ hội đầu năm |
Họ, những người hành hương về Chùa Hương đúng mùa lễ hội, khi nén nhang vừa cắm lên ban thờ Phật, vừa lầm bầm khấn cầu mong an nhiên tự tại và nén nhang cũng chưa kịp cháy hết cũng là lúc họ vứt cả đi hai chữ "an nhiên" vừa khấn ấy, để tranh để cướp. Họ chẳng cần một khoảng lùi, chẳng cần thay đổi không gian, họ "lộ mặt" ngay tại nơi mình vừa giấu kín sau làn khói nhang.
Lúc này đây, tâm lí mê muội cùng ảnh hưởng của đám đông, họ lao vào cướp, giật, móc mắt, giật tóc, đánh nhau một cách bản năng để giành giật cho được thứ gọi là "lộc". "Lộc" mà cướp thì khác gì đi giành giật sự may mắn của người khác để giữ cho mình? Hành động đó có gì khác ngoài biểu hiện cho sự ích kỉ, sân si, dù tại đền thiêng?
"Cướp", từ trong từ điển tiếng Việt đã khác nghĩa hoàn toàn với "xin".
Người thiếu hiểu biết về đạo Phật mới hành động vậy - điều đó là chắc chắn. Việc tranh cướp vòng lộc mong có sự may mắn trong năm khi này không còn là nét văn hoá, mà phản ánh tính tham lam, tranh đoạt xấu xí.
Có người nói vui rằng, có lẽ vì năm con Gà nên cảnh phát lộc tại cửa chùa Hương của sư thầy Thích Đạo Trụ không khác gì cảnh cho...gà ăn. Cả đám đông lao vào cướp giật không khác gì một đàn gà bu vào tranh nhau khi được người chủ trại gà vác chậu cám ra. Một hình ảnh so sánh có đôi phần... tàn nhẫn nhưng không phải là không có lý do, ít nhất về mặt hình thức thể hiện.
Đã có một câu hỏi, xuất phát từ tình trạng xấu xí nơi Lễ hội này: Phải chăng, đó cũng là biểu hiện của một xu thế sống của nhiều người hiện nay: Muốn có cái gì thì phải cướp? Rất khó để bảo rằng, cần dẹp bỏ các lễ hội để tình trạng này đừng lặp lại mỗi năm. Lễ hội, bản thân nó là một nét đẹp, nó đã khác đi khi người ta đến đấy với tâm thế khác đi, không phải đi lễ (có nguyên tắc, có cung kính) và dự hội (có vui vẻ, có mãn nguyện).
|
Tấm ảnh tiêu biểu cho việc cướp, đoạt lộc tại Lễ hội vừa qua. Ảnh: Zing |
Bản thân lễ hội (không nhắc đến những lễ hội có yếu tố bạo lực từ phần "lễ" như đâm trâu, chọi trâu...) không xấu, chính người đi lễ hội đã "tặng" cho lễ hội những hình ảnh kinh hoàng.
Như một cách hài hước, một bạn đọc đã bình luận về tấm ảnh tranh lộc tại lễ khai hội chùa Hương ngày 2.2.2017, như một nụ cười đầy chua chát cho sự đảo điên lòng người giữa chốn thanh tịnh nhất:
"Chị ở hình đầu tiên công nhận võ công thâm hậu thật. Chịu cùng lúc 3 tuyệt chiêu:
- Thứ nhất là cửu âm chân kinh từ trên đánh xuống, rất may là người luyện này chỉ mới đạt tầng thứ 3 (dùng 3 ngón ấn chỉ và ấn lệch vào mắt mũi thay vì 5 ngón vào sọ)
- Thứ hai là đòn ưng trảo công từ bên trái lao tới
- Thứ ba là đòn 2 ngón thần chưởng, vừa tung ra đã mất sợi dây lộc, đối thủ còn cười đắc ý nữa.
Nhưng dù sao cũng bái phục độ chịu đòn của sư tỷ này".
Theo Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, “Chủ nghĩa nhân bản hiện đại đã tiến những bước dài trong ứng xử với tự nhiên, xã hội, cá nhân và cộng đồng. Các hành vi bạo lực bị lên án, các hành vi lệch lạc bị chỉ ra và ngăn cấm...
Do đó, việc duy trì bản sắc văn hóa cũng cần được đặt trong khuôn khổ thế giới là một cộng đồng liên đới, có trách nhiệm chung, vừa duy trì sự đa dạng, vừa đạt được sự đồng thuận theo các chuẩn mực quốc tế. Sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế phải được coi là trình độ đạt đến hay chưa đạt đến văn minh. Như thế, sự duy trì tục hiến sinh phải được đặt trong bối cảnh đó”.
|
Nguyễn Hà