Phát tán ảnh bé gái đeo bảng "ăn trộm" là tiếp tay cho tội ác

16/04/2014 - 06:44

PNO - PNO - Tấm ảnh bé gái bị trói giăng tay trong một siêu thị nhỏ, trước ngực dán tấm giấy ghi dòng chữ "Tôi là người ăn trộm" được đăng trên một trang web chiều 13/4 đã lập tức khiến hàng loạt bạn bè của tôi bộc lộ thái độ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tấm ảnh đã gây bão nơi cô bé đang học, như thông tin trên báo, học sinh trong trường cứ chạy tới lớp xem mặt em. "Gia đình tôi giờ không dám đi đâu, sợ cháu làm chuyện dại dột" - gia đình cháu cho biết.

Chỉ vì hai quyển truyện tranh mà cháu bé và cả gia đình cháu bị sỉ nhục. May mà nhà trường và thầy cô của cháu đã cư xử hết sức nhân văn: lập tức giải thích cho học sinh trong trường nguyên nhân và sự thực của sự việc, khiến bạn bè trong trường không kỳ thị cháu. Vô cùng cám ơn các thầy cô.

Phat tan anh be gai deo bang

Siêu thị sách Vĩ Yên, nơi có hành vi lăng nhục và phát tán ảnh bé gái lên mạng.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định rất rõ: mọi công dân Việt Nam dưới 16 tuổi đều được bảo vệ theo luật này. Trong nhiều quyền của trẻ em như quyền đi học, quyền được khám chữa bệnh... điều 14 về Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự nêu rõ: Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.

Giả sử cháu bé thực sự đã có hành vi ăn cắp thì người lớn cũng không được làm như vậy. Khoản 9 của luật quy định cụ thể trong trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật: nghiêm cấm áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình. Rõ ràng hành vi của các nhân viên siêu thị X. đã vi phạm pháp luật. Lẽ ra, họ chỉ cần giữ bé lại trong văn phòng, báo cho gia đình hoặc trường của bé đến bồi thường thiệt hại cho siêu thị, nhắc nhở gia đình giáo dục bé là đủ.

Hành vi vi phạm của siêu thị Vĩ Yên (Chư Sê - Gia Lai) sẽ bị xử lý như thế nào? Tại điều 17 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/10/2011 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Một trong các hành vi dùng lời nói, hành động hoặc có hành vi khác có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ, đồng thời cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em. Theo Nghị định này, người ra quyết định xử phạt có thể là Thanh tra hoặc Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh - xã hội.

Cũng cần xác định xem những nhân viên làm việc trên là tự ý hay chấp hành quy định của chủ siêu thị. Nếu là quy định thì chủ siêu thị phải liên đới chịu trách nhiệm.

Ngay cả hành vi chụp tấm ảnh trên và chia sẻ trên mạng cũng là hành vi phải được xử lý nghiêm. Việc chụp ảnh có thể là cần thiết để làm bằng chứng giúp xử lý vi phạm, nhưng người chụp chỉ nên cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền chứ hoàn toàn không được phát tán rộng rãi vì nó mang hàm ý làm nhục người khác.

Những người dùng mạng xã hội cũng không nên vội vã chia sẻ tấm ảnh đó vì quá bất nhẫn. Với những chủ thể nhạy cảm như trẻ em tương tự như vụ việc này, thông tin càng ít người biết càng tốt và người nắm thông tin đầu tiên phải xử lý nó đúng theo pháp luật. Báo chí cần đưa tin để cảnh báo xã hội nhưng cũng không nên đăng trọn tấm ảnh mà chỉ cần mô tả để bạn đọc hiểu là được. Nếu chẳng may vì xấu hổ bởi tấm ảnh đó, cháu S. làm chuyện dại dột thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Những người tham gia phát tán ảnh trên mạng xã hội có ý thức được mình cũng là kẻ tiếp tay cho tội ác?

HOÀNG XUÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI