Phát sinh điểm ngập mới là do dự án... chống ngập

11/12/2013 - 18:10

PNO - PNO - Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP.HCM chiều 11/12, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó GĐ Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM thừa nhận: hầu hết các điểm ngập mới phát sinh là do thi công các dự án chống ngập....

edf40wrjww2tblPage:Content

Phat sinh diem ngap moi la do du an... chong ngap

ĐB chất vấn tại kỳ họp

 ĐB Lê Minh Đức nêu thực trạng khi xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đoạn qua quận Thủ Đức thường xuyên bị ngập vì triều cường, thậm chí khi mưa lớn cũng bị ngập. “Khi triển khai dự án mở rộng các tuyến đường thì Trung tâm có phối hợp với chủ dự án để chống ngập hay không? Việc vỡ bờ bao gây ngập ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức thời gian qua gây thiệt hại cho nhiều hộ nông dân, nhất là các hộ trồng mai, nuôi cá…Với thiệt hại đó, Sở có tham mưu cho lãnh đạo TP hoặc có hỗ trợ nào cho người dân bị thiệt hại hay không?” - ĐB Đức chất vấn.

ĐB Võ Văn Sen cho rằng thời gian qua, tình hình chống tái ngập trên địa bàn TP không hiệu quả chút nào cả. ĐB này dẫn chứng: Năm 2013, xử lý tổng cộng 9 điểm ngập, nhưng lại phát sinh ra 21 điểm ngập mới, trong đó có nhiều điểm do thi công ngăn dòng chảy; nghĩa là giảm thì ít mà tăng lên thì nhiều. “Chương trình chống tái ngập này không phải là thiếu bền vững mà là không hiệu quả. Nguyên nhân do đâu?” - ĐB Sen hỏi.

ĐB Dương Văn Nhân bổ sung thêm: “Các dự án chống ngập khi triển khai thi công lại gây ngập. Tại sao các công trình chống ngập thì liên tục được triển khai nhưng vẫn diễn ra tình trạng tái ngập và phát sinh nhiều điểm ngập mới?”. ĐB Thi Thị Tuyết Nhung nhận định: “Công tác chống nhập thời gian qua chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri TP”.

Đồng tình, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Việc thi công gây ngập là tình trạng người dân phản ánh rất nhiều trong thời gian qua”.

Phat sinh diem ngap moi la do du an... chong ngap

Ông Nguyễn Ngọc Công trả lời chất vấn của các ĐB HĐND TP.HCM.

Trả lời thắc mắc này của ĐB, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM thừa nhận: Hầu hết các điểm ngập mới phát sinh là do thi công các dự án. Ông lý giải: Các đơn vị thi công trong quá trình thi công dẫn dòng không hợp lý, xâm chiếm dòng chảy nên xảy ra ngập. Để xảy ra tình trạng này một phần là do công tác quản lý thời gian qua chưa tốt. “Mới đây lãnh đạo TP đã có đi khảo sát và có nhắc nhở chủ đầu tư. Từ đây đến Tết, sẽ cố gắng làm tốt, không để xảy ra tình trạng này nữa. Riêng các điểm ngập trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức do tác động từ dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi thì đến quý I/2014 sẽ xử lý dứt điểm” - ông Công thông tin.

Nhiều ĐB bày tỏ sự băn khoăn khi đưa cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào vận hành thì hiệu quả của nó như thế nào, ông Nguyễn Ngọc Công trả lời ngay: “Việc vận hành cống này cộng với một số cống kiểm soát triều khác đã bước đầu phát huy hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn quận Bình Thạnh không còn điểm ngập nữa”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, muốn giảm ngập bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì nhất thiết phải có hệ thống đê bao và kiểm soát triều. Dự kiến từ nay đến 2020, TP tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hệ thống đê bao và các cống kiểm soát triều trên địa bàn.

Về thắc mắc của các ĐB xử lý như thế nào, ra sao đối với các dự án gây ngập ảnh hưởng đến đời sống người dân, ông Nguyễn Ngọc Công trả lời: “Trung tâm chỉ là nơi phát hiện, sau đó báo lại cho các đơn vị quản lý nhà nước xử lý chứ Trung tâm không có chức năng xử phạt, chế tài về vấn đề này”.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đúc kết: “Vấn đề đặt ra là trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ TP đến sở ngành, quận huyện đối với công tác chống ngập, đặc biệt đối với các dự án thi công gây ngập”. Bà đề nghị sắp tới, cần đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả các công trình chống ngập trên địa bàn TP.

Trần Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI