Tối qua, tôi đã biến cuốn truyện tranh của con thành ba mảnh, quăng vào thùng rác trước mặt cả hai đứa trẻ, ngay trước giờ đi ngủ, nghĩa là chúng sẽ mang nỗi sợ hãi lẫn bao nhiêu ẩn ức vào giấc ngủ trẻ thơ.
Chung quy cũng vì tôi quá mỏi mệt, tức giận khi bọn nhóc liên tục gấu ó nhau, đùn đẩy việc dọn dẹp sách vở vương vãi trong phòng, dù tôi đã nhắc đích danh đứa nào việc gì. Nỗi ngao ngán, bất lực, cộng cảm giác “con càng lớn càng khó dạy” khiến tôi như phát rồ.
|
Ảnh minh họa |
Sau trận tưng bừng ấy, thằng con trai bé vốn nhát đòn, lập tức ôm gối ngủ ngay sau ít phút; đứa con gái lớn trở qua trở lại một lúc rồi cũng thấy thở đều. Chỉ riêng mẹ chúng là cứ thao thức. Chẳng phải tôi chưa từng nổi cáu với con, nhưng tới mức xé sách thì đây là lần đầu.
Tôi hình dung nét mặt mình lúc đó, hẳn là nhăn nhúm và hung dữ lắm. Tôi tưởng tượng ra cảnh một bà mẹ đang dùng sức để xé nát cuốn truyện của con, tự thấy mình day dứt đến khổ sở. Tôi cố xua đuổi ý nghĩ, bao lâu thì hai con sẽ quên được sự cố đó.
Tôi nhớ ngày mình còn bé, cũng từng có những ký ức đáng buồn về gia đình, cha mẹ, về các anh chị em ruột thịt trong nhà... Nhiều lần, lòng tôi đã âm thầm vang lên những tiếng nói phản đối, khao khát muốn tung hê mọi thứ hoặc làm một điều gì đó thật tệ.
Bản thân từng chịu tổn thương, tôi luôn tự nhủ sau này sẽ không để con cái phải chứng kiến hoặc ghi nhớ những sự kiện không vui trong tuổi ấu thơ của chúng. Tôi đã cố gắng hết sức để giữ cho con một thời niên thiếu êm ả, trọn vẹn, ít tì vết nhất có thể. Nhưng cuối cùng thì…
Tôi nghĩ về mẹ tôi - người phụ nữ cả đời cố gắng để sống theo cái chuẩn mực vô hình do chính mẹ đặt ra: không bạn bè, không dám phản kháng, không một lần xao lãng bổn phận “làm mẹ” với đám con lít nhít của mình.
|
Ảnh minh họa |
Ba tôi rượu chè, trăng hoa, hết cô này đến cô khác, mẹ cũng không hề làm ầm ĩ, vì sợ con cái lẫn bản thân mất mặt, sợ gia đình xào xáo. khi mẹ chạm ngưỡng tuổi già thui thủi, chúng tôi khuyên mẹ nên mở rộng mối quan hệ, đi du lịch hay làm từ thiện, mẹ cũng sợ trễ giờ… nấu cơm cho con, hoặc phải canh chừng mà đón cháu từ nhà trẻ.
Chuyện đi xem phim, nghe nhạc hay học khiêu vũ với mẹ lại càng xa lạ và xa xỉ, thậm chí là hư hỏng, trắc nết, làm sao có thể đổ đốn như vậy, mấy đứa nhỏ nó đánh giá chết. Cuối cùng, cả cuộc đời mẹ tôi chỉ loanh quanh với chợ búa, bếp núc, giữ hình ảnh người đàn bà của gia đình, đón đợi ý chồng con để mà nấu nướng, phục vụ.
Thiên hạ chắc chẳng lạ gì cảnh nhiều cặp vợ chồng chỉ còn cái vỏ mục ruỗng, nhưng vẫn gắng diễn vai gia đình hạnh phúc. Họ cùng xuất hiện trong xiêm áo sang trọng, khoác vai nhau ở nơi công cộng, nhìn nhau với nụ cười trên môi... Vở tuồng hạnh phúc ấy còn có những trường đoạn cố giấu con cái các cuộc cãi vã, mấy đợt ngoại tình, cả những cú phản đòn dành cho nhau.
Có người còn ráng đợi dựng vợ gả chồng cho con xong xuôi rồi mới “bùng”, bằng cách ly hôn hay thỏa chí sống cuộc đời mình bấy lâu ao ước. Người đời lẫn con cái khó mà đoán biết, họ thực chất chỉ còn là vợ chồng trên giấy tờ, trên cái sàn diễn cuộc đời vốn chẳng ai trả cát-sê mà vẫn phải diễn xối xả, diễn lâm ly những vở bi hài nhiều cung bậc.
Mẹ tôi có vui không? Những người đàn bà cố nuốt nỗi buồn vào lòng để sống cho tròn vai như thế, có khi nào ngoảnh lại phía sau mà đau đáu không? Tôi bao giờ thì bớt áy náy và hối tiếc vì đã nóng giận, làm rớt vai “chuẩn mẹ hiền” trước mặt hai đứa trẻ?
Hay như có người đã tuyên bố rằng, cuộc sống bây giờ nhiều lắm những tiêu cực - thể hiện được điều gì tốt đẹp thì cứ cố lên, chứ không nhất thiết phải quá thật thà khi bày tỏ yêu ghét. Đấy mới là cách hành xử văn minh, tiến bộ và hợp thời chăng?
Tôi là bà mẹ khá dịu dàng với con, trừ lúc tôi… lên cơn, mất kiểm soát. Mà, tần suất những trận “điên” ấy có vẻ tăng chứ không giảm hay mất hẳn. Dù tôi luôn cố gắng không cáu gắt, lũ trẻ chưa đủ khôn ngoan để nhận diện những triệu chứng “nổi khùng” của mẹ nên thường luôn quá muộn để mẹ có thể hạ hỏa, vui vẻ bỏ qua.
Hẳn không có ông bố bà mẹ bình thường nào muốn con phải chứng kiến hoặc đối mặt với những “hoạt cảnh” đau lòng như xô xát, quăng ném, vứt bỏ đồ chơi… các kiểu. Nhưng rồi, chuyện đó vẫn thi thoảng xảy ra giữa áp lực cuộc sống lẫn bao nhiêu xót xa vì bản thân đã chẳng thể giữ được hình ảnh trọn vẹn trong mắt con.
Từ bao giờ, cha mẹ không thể sống đúng chất “người” của mình, tức là có vui có buồn, có nụ cười có nước mắt, mà cứ phải gồng lên để sống cho êm đẹp, lung linh thế này?
Hạ Yên