Quảng cáo là chuyện sống còn của bất kỳ chương trình nào phát trên sóng truyền hình, thậm chí trên mạng. Thế nên đi kèm với “chân lý” đó là sự tồn tại hiển nhiên của các mẩu quảng cáo chen ngang trong chương trình, nhất là những chương trình đang có lượng người xem đông. Tình trạng này dẫn đến chuyện nhiều lúc khán giả không biết mình đang xem chương trình hay quảng cáo, cái nào mới là hàng “kèm”.
Về nhà đi con là bộ phim đang “dậy sóng” trên truyền hình, kể từ khi lên sóng ngày 8/4. Câu chuyện về gia đình ông Sơn cùng ba cô con gái - Huệ, Thư, Dương cuốn hút khán giả nhờ tình tiết gần gũi, lời thoại chân thật cùng diễn xuất nhập vai của các diễn viên. Sức hút của phim được minh chứng qua việc mỗi tập phim chỉ có thời lượng tầm 25 phút nhưng bị ngắt quãng hai lần để quảng cáo.
Ở tập 46, phát sóng ngày 17/6, phim vừa phát được khoảng 5 phút thì quảng cáo đã nhảy vào với thời lượng tương đương. Khi phim tiếp tục đi được gần 10 phút thì quảng cáo lại chen ngang, kéo dài hơn 3 phút. Tổng cộng, với hai lần quảng cáo, thời lượng dành cho “hàng kèm” đã tương đương 1/3 thời gian chiếu phim. Việc rút ngắn thời lượng của một tập phim truyền hình từ 45-50 phút như trước đây xuống còn tầm 25 phút theo quy định mới của VTV vốn đã khiến người xem không thỏa mãn, nay lại thêm chuyện phim bị “độn” quảng cáo quá nhiều, càng gây ức chế.
Không đến nỗi gây bức xúc như Về nhà đi con, nhưng chương trình “hot” - Chạy đi chờ đi cũng khiến khán giả phát ngộp với những màn quảng cáo. Không chỉ ngắt ngang chương trình, cách quảng cáo trong Chạy đi chờ chi còn được “nâng tầm” bằng cách lồng ghép hẳn vào cuộc chơi. Như ở tập 5, công dụng sạc pin nhanh trong 5 phút của một thương hiệu điện thoại đã được “lăng-xê” trong chương trình như một sự trợ giúp người chơi.
Tập 7 quảng bá chức năng chụp hình trong bóng tối mà hình ảnh vẫn đủ sáng của điện thoại, trong một thử thách diễn ra ở ngôi nhà ma. Cũng trong tập này còn có màn cài cắm quảng cáo lộ liễu khi thành viên giữ chìa khóa được xịt nước hoa lên người để đối thủ dễ nhận diện - một cách “đánh dấu” khá ngô nghê. Trong tập 10, ở cảnh giới thiệu người chơi, một thương hiệu xe máy, ô tô mới nổi trên thị trường được sử dụng như đạo cụ hỗ trợ cho cảnh quay giới thiệu người chơi và tất nhiên ống kính không quên lia cận cảnh logo, hình dáng chiếc xe, thậm chí mâm bánh xe.
|
Về nhà đi con trở thành cơn sốt trên mạng xã hội vì nhiều câu thoại hay, tình huống gay cấn, hấp dẫn. |
Không chỉ đặc tả logo, bao bì, hình dáng sản phẩm, quảng cáo trong Chạy đi chờ chi còn được đặt vào miệng các thành viên. Ở tập 6, sau khi đội xanh hoàn thành thử thách, được nghỉ ngơi, nạp năng lượng tại một quầy bách hóa, các người chơi vừa ăn mì gói, uống sữa vừa không quên luôn miệng khen ngon, không khác gì các thước phim quảng cáo, bởi máy quay miêu tả tỉ mỉ các công đoạn mở hộp mì gói, chế nước sôi, rót sữa ra ly…
Khán giả xem truyền hình luôn rất hiểu và thông cảm cho các nhà sản xuất, vì quảng cáo là nguồn sống chính giúp nhà sản xuất thu hồi vốn, tái đầu tư, nên việc chương trình bị độn quảng cáo thường được xem như điều tất nhiên, là một dạng “phí xem chương trình miễn phí”. Tuy vậy, việc quảng cáo chen ngang chương trình với thời lượng quá dày cũng như cách lồng ghép quảng cáo thiếu tinh tế đã khiến khán giả hết sức khó chịu. Nhìn sang các nước trong khu vực, việc quảng cáo xen ngang chương trình được quy định khá chặt chẽ.
Trung Quốc cấm các đài truyền hình phát quảng cáo giữa giờ phim hoặc kịch. Ở Hàn Quốc, các đài truyền hình mặt đất (không phải truyền hình cáp) không được phép chiếu quảng cáo trong suốt thời gian phát sóng một tập phim dài một tiếng. Để “lách luật”, các đài như MBC, SBS đã tách mỗi tập phim thành hai tập nhỏ, lên sóng cùng ngày và giữa khoảng nghỉ của hai tập phim là thời gian dành cho quảng cáo.
|
Nhân viên chương trình Chạy đi chờ chi giới thiệu với người chơi tính năng sạc pin trong 5 phút của một thương hiệu điện thoại trong tập 5 của chương trình |
Ở Việt Nam, luật quảng cáo cũng có quy định “mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 5 phút”, nhưng lại không ghi rõ thời lượng một tập phim dài bao nhiêu. Trong trường hợp của Về nhà đi con, dù nhà đài không phạm luật quảng cáo, việc một tập phim chỉ 25 phút bị ngắt quảng cáo hai lần vẫn mang lại cảm giác quá nhiều. Có khán giả còn nhận xét kiểu hài hước là mình đang xem quảng cáo thì bị phim chen ngang!
Riêng với Chạy đi chờ chi, đặt lên bàn cân so sánh với phiên bản gốc của chương trình là Running Man (Hàn Quốc), có thể thấy các nhà sản xuất nước bạn khá tinh tế khi luôn làm mờ logo các thương hiệu, trong khi phiên bản Việt tận dụng mọi tình huống để nhét sản phẩm vào. Điều đó khiến Chạy đi chờ chi, dù có nội dung rất hấp dẫn, khán giả vẫn cảm thấy không thỏa mãn, vì phải nuốt sạn quảng cáo quá nhiều.
Hương Nhu