Phát ngôn thù hận liệu có còn đất sống?

10/07/2020 - 06:05

PNO - Hàng loạt tên tuổi lớn yêu cầu Facebook phải có sự sàng lọc kỹ càng và thẳng tay loại bỏ các nội dung gây hấn, bôi nhọ, nếu không các công ty sẽ quay lưng, không tốn một đồng quảng cáo nào cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Sự tiện lợi của mạng xã hội không còn gì để bàn cãi. Nó giúp kết nối nhiều thế hệ, cập nhật thông tin và đa dạng nguồn tin hơn bất cứ phương tiện truyền thông truyền thống nào. Thế nhưng, mặt trái của mạng xã hội khiến thế giới đau đầu chính là việc nơi đó tràn lan những phát ngôn mang tính tấn công, thù hận (hate speech). Facebook với phần lớn doanh thu đến từ chi phí quảng cáo cho các doanh nghiệp nay đang hứng chịu làn sóng tẩy chay “Stop Hate For Profit”. Hàng loạt tên tuổi lớn yêu cầu Facebook phải có sự sàng lọc kỹ càng và thẳng tay loại bỏ các nội dung gây hấn, bôi nhọ, nếu không các công ty sẽ quay lưng, không tốn một đồng quảng cáo nào cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. 

Sự việc bắt nguồn từ ngày 17/6 khi một số tổ chức phi lợi nhuận họp mặt và gây áp lực với các công ty đang sử dụng dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội. Họ buộc các công ty này phải dừng quảng cáo trên mạng xã hội Facebook và Instagram (đã được Facebook mua lại) nhằm gây áp lực yêu cầu các mạng xã hội trên điều chỉnh chính sách kiểm duyệt thông tin, không để nội dung mang tính tấn công xuất hiện nữa. Ngay sau đó, một làn sóng tẩy chay Facebook xuất hiện. Danh sách các tên tuổi tham gia chiến dịch đã hơn 400, trong đó có những cái tên quen thuộc với thị trường như Target, Lego, Starbucks, Pfizer, Patagonia, Microsoft, Marc Inc., Honda America, HP, Hershey’s, Ford, Coca-Cola, Unilever… 

Thời gian qua, rắc rối xung quanh vụ cảnh sát giết người đàn ông gốc Phi George Perry Floyd tại thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota (Mỹ) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ngôn từ mang tính thù hận tràn lan trên mạng xã hội xuất phát từ các quan điểm trái chiều liên quan đến vụ việc. Hai nhóm hoạt động vì người da màu NAACP và Color of Change (có tên trong danh sách vận động thành lập chiến dịch “Stop Hate For Profit”) cho rằng, việc Facebook từ chối gỡ nội dung ủng hộ bạo lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính là giọt nước tràn ly. Ông Trump đã viết: “When the looting starts, the shooting starts” (cướp bóc ở đâu, bắn hạ ở đó) khi chia sẻ cách giải quyết tình trạng bạo lực leo thang ở Minneapolis. 

Ben Griffith sắp xếp lại lego để chuyển đến khách hàng
Ben Griffith sắp xếp lại lego để chuyển đến khách hàng

Trang web chính thức của chiến dịch “Stop Hate For Profit” đăng tải lời “răn đe” với Facebook: “Hãy gửi đến mạng xã hội này một thông điệp gay gắt để họ hiểu rằng lợi nhuận của họ sẽ không thể đánh đổi bằng việc cổ xúy sự kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc, lời lẽ tấn công nữa”. Trong số những nhân vật nổi tiếng ủng hộ chiến dịch có vợ chồng Hoàng tử Anh Harry. Khi ồn ào hoàng gia xảy ra, cặp đôi này cũng là nạn nhân của những lời tấn công từ cộng đồng mạng.  

Đây không phải lần đầu tiên Facebook đối diện áp lực yêu cầu làm việc lại với các nội dung độc hại trên nền tảng của mình. Tháng 5/2016, mạng xã hội này cùng Google, Microsoft, Twitter đã ký vào bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, các công ty trên sẽ rà soát toàn bộ phát ngôn thù hận trên nền tảng của mình trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được báo cáo, đồng thời gỡ bỏ nếu cần thiết. Phía Facebook dù từng khẳng định họ đã bỏ ra hàng tỷ USD để khắc phục tình trạng ngăn chặn thông tin tấn công, thù hận nhưng vẫn phải thừa nhận còn rất nhiều việc cần làm cho nỗ lực trên.

Doanh nhân nhí khởi nghiệp nhờ… Covid-19

Không dễ để các em học sinh tìm được một công việc có thu nhập. Tuy nhiên, dù dịch Covid-19 làm nảy sinh những đảo lộn gây phiền toái nhưng nhiều em nhỏ đã biết tận dụng để chuyển phiền toái thành cơ hội. 

Ben Griffith (13 tuổi, sống ở Texas) là một trong số đó. Em vốn mê xếp lego và chính em cũng chẳng nhớ được mình có tất cả bao nhiêu bộ. Ben chia sẻ: “Mỗi lần chơi xong, khó nhất là thu thập lại đủ những mẩu lego từ cỡ lớn đến cỡ nhỏ. Thế là em nghĩ ra hệ thống phân loại lego giúp việc sắp xếp thuận tiện hơn. Giờ đây, mỗi lần chơi xong, em dễ dàng phân loại và cất vào những ô nhất định. Đến khi chơi lại, em cũng theo nguyên tắc để lấy những mẫu lego mình cần ra”. Sau khi biết cách quản lý hiệu quả “gia tài” lego, Ben nảy ra ý định kinh doanh và ngay lập tức đặt tên cho dự án của mình là Lego Mania và có hẳn địa chỉ trang web https://griffithben07.wixsite.com/legomania. Khách hàng đặt mượn lego ngay trên trang này và Ben sẽ chuyển đến tận nơi đúng hẹn. Cậu bé cũng không quên kèm theo hướng dẫn khách hàng phải rửa tay thật sạch trước và sau khi dùng lego của em. 

Một cậu bé khác là Garden Oaks sống ở New Jersey thì kiếm tiền bằng cách tận dụng năng khiếu và niềm đam mê chơi bóng chuyền của mình. Vì các trường học phải gián đoạn bởi dịch bệnh nên em và một người bạn đã cùng tạo ra những khóa học bóng chuyền di động trong bối cảnh các trung tâm bóng chuyền đang tạm đóng cửa. Bất cứ trẻ em nào có nhu cầu chơi bóng chuyền hoặc học thêm kỹ năng của môn thể thao này sẽ đặt lịch hẹn với nhóm của Garden Oaks. Sau đó, Garden cùng bạn sẽ đến công viên gần nhà khách hàng nhất và dành 1 tiếng cùng chơi. Bên cạnh đó, em có thể hướng dẫn thêm kỹ năng cho người bạn mới. 

Một bạn trẻ khác cũng rất yêu thích thể thao là Kaid Nygren sống ở Texas. Kaid Nygren chơi môn bóng vợt và đá bóng như vận động viên chuyên nghiệp. Em cũng mở các buổi huấn luyện tương tự như Garden. Natalie Denson, một “học trò” của Kaid Nygren kể về trải nghiệm của mình: “Em chưa từng chơi những môn thể thao này trước đó. Thế nhưng sau vài buổi học, em nghĩ mình sẽ đăng ký chơi thêm ở trường học khi tất cả hoạt động của trường trở lại bình thường”. 

“Bảng báo giá” thể hiện phong cách chuyên nghiệp của Lily Jordan
“Bảng báo giá” thể hiện phong cách chuyên nghiệp của Lily Jordan

Cô bé Lily Jordan chuẩn bị vào trung học ở Texas thì kinh doanh bằng cách dạy kèm, từ môn toán đến bơi lội. “Dịch vụ” của em có riêng trang web để khách hàng có thể kết nối, tham khảo tại https://lilyjordan2005.wixsite.com/lilyssummerservices. Cô bé chuyên nghiệp đến mức đăng lên đây những khung giờ em rảnh, học phí và cả phong cách dạy học. Em kể: “Có rất nhiều phụ huynh liên hệ để gửi con cho em kèm cặp và kết quả tốt sau từng buổi học khiến em càng tự tin giới thiệu dịch vụ của mình”. Lily cho biết, bố mẹ đã giúp em đăng tải thông tin giới thiệu lên Facebook và nhờ bạn bè của họ lan tỏa giúp em. Em kể: “Bố mẹ luôn khuyến khích em nghĩ đến việc phải làm gì đó trong mùa hè, phải biết tận dụng năng lực mình làm điều có ích. Em nghĩ, việc lựa chọn làm gia sư ở thời điểm hiện tại là thích hợp vì nó có thể giúp nhiều bạn nhỏ củng cố kiến thức trong một năm học rất đặc biệt với nhiều gián đoạn từ dịch bệnh”. 

Với Ben, Garden hay Lily, Kaid… kiếm tiền chẳng phải là mục tiêu quan trọng nhất khi các em bắt tay vào kinh doanh. Chỉ với số tiền tượng trưng vài USD cũng đủ khiến các em phấn khởi. Thật ra, Ben đã có ý tưởng kinh doanh này từ trước khi dịch COVID-19 xảy ra nhưng mọi thứ vẫn chỉ là ý tưởng, cho đến khi em thấy dịch bệnh có những ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống và việc kết nối, chia sẻ trở thành nhu cầu quan trọng hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên, các em đều cố gắng thận trọng khi tiếp xúc, giữ an toàn cho mình và cả khách hàng trong mùa dịch bệnh. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI