Phật nào chứng giám cho cúng sao giải hạn, nhét tiền hối lộ?

17/02/2022 - 09:55

PNO - Ai đã biến nơi thờ Phật thành chỗ cung cấp dịch vụ tâm linh theo yêu cầu?

Kinh tế phát triển, người ta quan tâm nhiều hơn đến đời sống tâm linh. Những năm gần đây, chùa chiền mọc lên khắp nơi. Tại những nơi vốn là danh lam thắng cảnh, có thêm ngôi chùa hoành tráng, khiến địa điểm du lịch vốn đã đẹp, nay thu hút thêm nhiều du khách. Có nơi đồng ruộng sình lầy, đầy cỏ năn, cỏ lác nay bỗng mọc lên cơ sở thờ tự, khiến một vùng quê nghèo thành nơi hành hương có tiếng.

Đến chùa lễ Phật, quỳ trước tượng Phật uy nghi, trầm mặc, đọc một thời kinh, sau đó theo các nhà sư thiền hành: chân bước chầm chậm, miệng niệm nho nhỏ “Nam mô A di đà Phật”, tâm trí tập trung vào bước chân, hơi thở và tiếng niệm Phật của mình. Ra về, lòng mình bỗng cảm thấy vui vẻ, mọi phiền muộn nếu không tan thì cũng nhẹ bớt.

Nhưng nhiều khách thập phương đến lễ chùa không nghĩ như vậy. Ngay từ lúc bước chân vào chùa, họ nhét những tờ tiền lẻ vào tay các bức tượng La Hán, tượng Phật. Tôi tự hỏi phải chăng họ bị ảnh hưởng từ truyện, từ phim Tây Du Ký? Trong đó có tình tiết phải dâng bình bát vàng cho hai ngài A Nan và Ca Diếp, thầy trò Tam Tạng mới thỉnh được kinh có chữ. Nhưng nếu chịu khó suy nghĩ mới thấy tác giả Ngô Thừa Ân tinh thông Phật pháp cỡ nào. Hai ngài A Nan, Ca Diếp là đại đệ tử của Phật sao lại tham bình bát vàng? Ngài Tam Tạng thỉnh kinh làm gì khi còn vướng bận “Tham, Sân, Si”? 

Nhiều người đi chùa đặt tiền lẻ lên những nơi được gọi là linh thiêng
Nhiều người đi chùa đặt tiền lẻ lên những nơi được cho là linh thiêng

Thuở nhỏ, thấy bà dì có năm mỗi tháng vào ngày mồng 8 dọn mâm hoa quả có cắm nhiều đèn cầy để cúng sao. Hỏi ra mới biết năm đó theo tuổi, dì bị sao La Hầu hay Kế Đô gì đó chiếu. Khách thập phương giờ cũng đến chùa nhờ các vị sư cúng sao giải hạn. Thật lạ, theo những điều cơ bản về Phật học mà tôi biết như: “Tứ Diệu Đế”, “Bát chính đạo”, có thấy nói đến sao trăng gì đâu? Tôi hỏi “ông thầy Google”, hóa ra đó là tập tục dân gian của Trung Quốc, không liên quan đến Phật giáo. Vậy tại sao có điều đó tại một vài chùa. Ai đã biến nơi thờ Phật thành chỗ cung cấp dịch vụ tâm linh theo yêu cầu?

Trong nhiều ngôi chùa, không khó để thấy bên bàn thờ có thùng công đức, thùng phước sương có khi được ghi chữ cúng dường tam bảo, có khi không. Chuyện đó cũng là bình thường, khi biết rằng ngay từ lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài và tăng đoàn đều được bá tánh phụng dưỡng để xây cất chốn tu hành, giảng dạy kinh kệ và nuôi nấng tăng chúng. Nhưng Phật pháp có giới luật để người tu hành chỉ được có những vật dụng tối cần thiết để sống và hành đạo. Ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy nhiều tấm gương sáng của các bậc chân tu, tỉ như Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, vừa mới tạ thế. Trong suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, ngài luôn cùng môn đệ cần cù cày cấy đến tận năm 80 tuổi. Khi tuổi cao sức yếu, không còn ra đồng trồng lúa được nữa, hàng ngày Đại lão Hòa thượng vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa. Thật tiếc là có nơi người ta không theo những tấm gương tốt như vậy.

Vậy đấy, có lẽ đến lúc chúng ta cần phải xem xét lại việc đến chùa của mình. Nên nhớ, Phật hay Bụt là phiên âm từ tiếng Phạn cổ có nghĩa là “bậc tỉnh thức”. Ngài hay các vị Phật, Bồ Tát, La Hán khác không thể đem lại cho ta quả lành nếu chúng ta cứ gieo điều ác. Cúng dường hay làm từ thiện là gieo điều thiện lành chứ không phải để cho các ngài ấy chứng giám. Còn cúng sao giải hạn cũng giống như cúng Táo quân hay thờ Thần Tài, Thổ Địa, nếu tin cứ thực hiện tại nhà, xin đừng tiếp tay làm ô uế cửa Phật.           

Nguyễn Huỳnh Đạt

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI