Phát minh bồn cầu siêu trơn, tiết kiệm nước

18/09/2023 - 19:22

PNO - Các nhà khoa học từ Đại học Khoa học và công nghệ Huazhong, Trung Quốc vừa thiết kế chiếc bồn cầu siêu trơn, chống bám bẩn và tiết kiệm nước, hứa hẹn sẽ soán ngôi các loại bồn cầu bằng sứ truyền thống.

 

 

Thử nghiệm cho thấy bồn cầu siêu trơn có thể chống bám đối với nhiều loại hỗn hợp và dung dịch
Thử nghiệm cho thấy bồn cầu siêu trơn có khả năng chống bám đối với nhiều loại hỗn hợp và dung dịch

Việc chất thải bám vào bồn cầu không chỉ gây khó chịu cho người đi vệ sinh cũng như người dọn dẹp mà còn gây lãng phí một lượng nước đáng kể vì phải dội xả nhiều lần hơn. Điều này đã thúc đẩy các nhà khoa học tìm cách chế tạo bồn cầu chống dính. Họ đã sử dụng hỗn hợp nhựa và hạt cát kỵ nước để làm vật liệu, kết hợp chúng với nhau bằng kỹ thuật in 3D dựa trên tia laser, trong một thiết kế có kích thước khoảng 1/10 kích thước của một chiếc bồn cầu tiêu chuẩn.

Bồn cầu xả siêu trơn chống mài mòn (hay ARSFT) được chứng minh là có khả năng chống bám chất thải tổng hợp cũng như nhiều chất khác. Không gì có thể bám được trên bề mặt bồn và đều trượt thẳng xuống.

Trong báo cáo trên tạp chí khoa học được bình duyệt Advanced Engineering Materials, các nhà nghiên cứu cho biết: “ARSFT vẫn sạch sau khi tiếp xúc với nhiều chất lỏng khác nhau như sữa, sữa chua, mật ong có độ dính cao và hỗn hợp gel tinh bột. Qua đó chứng tỏ khả năng chống bám tuyệt vời đối với các chất lỏng phức tạp”.

Đáng chú ý, ngay cả sau khi được mài mòn tới 1.000 chu kỳ bằng giấy nhám, ARSFT vẫn duy trì khả năng siêu trơn.

Độ bền đó rất quan trọng vì bề mặt bồn cầu chống dính từng được phát triển trước đây nhưng chúng có xu hướng bị mòn khi xả nước nhiều lần.

Phương pháp in 3D cho phép các nhà khoa học tạo ra một số cấu trúc xốp trên bề mặt và thêm dầu silicon làm chất bôi trơn. Cả hai cải tiến này đều giúp nâng cao khả năng chống dính của bồn.

Các nhà khoa học gợi ý rằng, việc xả và làm sạch bồn cần ít nước hơn sẽ giúp tiết kiệm nước cho hàng triệu nhà vệ sinh.

Bồn cầu xả nước chỉ mới xuất hiện được vài thế kỷ, nhưng hiện tại, mỗi ngày trên toàn cầu mất hơn 141 tỉ lít nước ngọt để xả bồn cầu.

Ngày nay, phần lớn người dân trên thế giới đang phải vật lộn để tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn, và vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Do đó, những phát minh như thế này hứa hẹn sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự.

“Khái niệm về vật thể in 3D có khả năng chống trơn trượt vượt trội sẽ cải thiện sự phát triển của vật liệu siêu trơn và giúp tiết kiệm hơn nữa lượng nước tiêu thụ trên toàn cầu” - các nhà nghiên cứu viết.

Linh La (theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI