edf40wrjww2tblPage:Content
Chợ xây 30 tỷ, bán được 30.000đ/ngày/sạp
Khánh thành năm 2013 với vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, chợ Thạnh Mỹ Lợi, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 được xây dựng để tạo điều kiện buôn bán cho các tiểu thương di dời giải tỏa từ hai chợ An Khánh và chợ Thủ Thiêm. Với 233 quầy sạp, ki-ốt, đến nay ban quản lý (BQL) chợ đã bàn giao được 196 ki-ốt. Thế nhưng, trái với kỳ vọng, sau mười tháng hoạt động, chỉ mới vài chục tiểu thương vào chợ trong tình trạng người bán nhiều hơn người mua.
Chúng tôi đi từ đường Đồng Văn Cống, rẽ vào khu dân cư số 1, khu 143ha thuộc P.Thạnh Mỹ Lợi. Khi biết chúng tôi không phải khách mua hàng, chị Út, chủ một sạp buồn bã nói: “Khi được cấp ki-ốt ngay mặt tiền, tôi hy vọng sẽ buôn bán được, nhưng ngờ đâu chợ chẳng có khách, một ngày may mắn lắm chỉ bán được vài cục pin, hôm hên thì được 70.000 - 80.000đ, có hôm chẳng được đồng nào”.
Chợ Tân Phú (P.Tân Phú, Q.9) được xây dựng từ năm 2004 với quy mô gần 4.000m2. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngôi chợ tiền tỷ với 340 sạp này phải chịu cảnh đìu hiu. Hay như chợ Long Trường nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (P.Long Trường, Q.9) được xây dựng với kinh phí gần năm tỷ đồng, rộng khoảng 8.000m2 nhưng hiện nay nhiều sạp hàng và ki-ốt trong chợ vẫn bỏ trống. |
Trên lầu một, lác đác vài ba ki-ốt mở cửa. Bà chủ sạp mỹ phẩm Kiều Hương kể, dù chợ vắng người mua nhưng hàng tháng tiểu thương vẫn phải đóng phí quản lý 320.000đ, vệ sinh 20.000đ, điện nước tùy theo sử dụng... Gần đó, anh Thành Phương, chủ ki-ốt đồ nhựa đang… ngủ gật. Trò chuyện với chúng tôi, anh kể: “Hồi trước tôi bán ở nhà mỗi ngày ít nhất cũng được vài trăm ngàn. Chuyển qua chợ mới này ế ẩm quá. Sáng giờ mới bán được 19.000đ, lúc khá hơn bán được... 30.000đ, không biết cầm cự được bao lâu nữa”.
Sảnh trệt chợ Thạnh Mỹ Lợi lèo tèo vài quầy giải khát, hai ba sạp rau củ quả, số còn lại chưa có tiểu thương nhận sạp. Chị Phan Thị Gái than thở: “Trước đây tôi bán ở chợ Thủ Thiêm, sau giải tỏa được chuyển qua chợ này. Gia đình tôi đang vay ngân hàng 30 triệu đồng, phải trả lãi, lại nuôi bốn đứa con nên tôi rất bế tắc. Giờ chỉ mong muốn BQL cùng chính quyền địa phương xem xét giảm bớt hoặc giảm 50% các khoản phí hiện nay. Có vậy, bà con tiểu thương mới mong cầm cự”.
Sáng 23/9, dạo một vòng quanh chợ An Sương, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, chúng tôi chứng kiến nỗi khổ của tiểu thương chợ này khi mỗi ngày phải… hóng người đi chợ. Vào “buổi chợ đông”, các sạp hàng rau củ quả và cá, thịt chỉ có năm-bảy người mua hàng. Dãy ki-ốt ở mặt tiền quốc lộ 1A có hàng chục cái nhưng đa số đóng cửa im ỉm. Chị P. chủ một ki-ốt mỹ phẩm cho biết, trung bình chị bán được khoảng 50.000đ/ngày. Chỉ chúng tôi bốn sạp đóng cửa liền kề, nói: “Họ cho thuê làm nơi chứa đồ hết rồi. Chủ của mấy sạp này khôn hơn tụi tôi, họ lấy sạp chợ mới cho thuê chứa hàng rồi về chợ cũ (chợ Cầu, chợ Bàu Nai)… bán tiếp”.
Tương tự, chợ Phú Hữu nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, P.Phú Hữu, Q.9 được xây dựng và hoàn thành vào năm 2005 với diện tích khuôn viên 9.628m2, diện tích xây dựng 896m2, vốn đầu tư khoảng hai tỷ đồng với quy mô 164 sạp. Ngày 18/9, dù chúng tôi có mặt tại chợ lúc 9g sáng, nhưng chỉ có 13 sạp hoạt động. Chợ vắng như “chùa Bà Đanh”, phần lớn các ki-ốt đều đóng cửa im ỉm, nhiều cánh cửa ki-ốt đã gỉ sét.
Chợ Tân Phú (Q.9) vắng đến độ không thể... vắng hơn!
Chị N.T., một tiểu thương ở chợ nói như sắp khóc: “Lúc chợ mới hoàn thành, thấy thoáng mát, gần đường lớn, tôi liều vay ngân hàng 100 triệu đồng mua ba sạp. Ai ngờ chợ chỉ có khách được thời gian đầu, sau dần vắng hẳn. Tôi đang sống dở chết dở vì hàng tháng phải đóng tiền lãi và nuôi ba đứa con ăn học”.
Được biết, do trước đây người dân hình thành chợ tự phát hai bên đường Nguyễn Duy Trinh gây ảnh hưởng lưu thông, mỹ quan đô thị nên năm 2005, Q.9 và TP.HCM đã quyết định xây dựng chợ Phú Hữu. Tuy nhiên, chợ xây xong vẫn không cải thiện được tình trạng trên. Chị N.T.O., tiểu thương ở chợ bức xúc: “Chợ vắng là do chợ cóc hai bên đường mọc lên nhan nhản, ngay cạnh gần UBND phường mà chính quyền không làm được gì”.
Chợ được xây dựng tiền tỷ nhưng “chết yểu” như hiện nay, theo một số chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, là do đầu tư xây chợ mới theo… tư duy cũ. Hầu hết các chợ vẫn được xây theo mô hình công trình khép kín, kín cổng cao tường, mái kín bưng và nằm ở những nơi khuất nẻo. Khi đầu tư vào các dự án chợ, cơ quan chức năng đã không để ý đến yếu tố đầu tiên là phải xác định được người bán, người mua là ai để có những loại hàng hóa, dịch vụ phù hợp, trên cơ sở đó hình thành loại chợ phù hợp. Việc xây chợ được thực hiện theo công thức máy móc kiểu lên dự án - giải tỏa - xây - bán - lấy tiền lời. |
Phát loa kêu gọi dân… đi chợ
Được biết chợ An Sương xây dựng từ năm 2003 với kinh phí ban đầu là 19 tỷ đồng, nhưng vì nhiều lý do, chợ đã bị bỏ hoang hơn bảy năm mới đưa vào hoạt động. Để chợ vận hành, đơn vị xây chợ là BQL dự án chợ An Sương (Công ty TNHH một thành viên phát triển và kinh doanh nhà TP) phải đầu tư thêm tám tỷ đồng để sửa lại ngôi chợ đã xuống cấp và làm thêm các con đường vào chợ, bởi quy hoạch xây dựng chợ thiếu đường đi.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Chủ tịch UBND Q.12 cho biết: “Hiện chính quyền rất băn khoăn về hướng phát triển của chợ, trong đó, việc dẹp các chợ tự phát cũng là một trong những việc phải làm”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Dương, Phó BQL chợ Thạnh Mỹ Lợi cho rằng, việc chợ Thạnh Mỹ Lợi được xây mới khang trang nhưng vắng người đến mua là do nằm ở vị trí không được thuận lợi. Xung quanh chợ Thạnh Mỹ Lợi phần lớn là biệt thự, chung cư, cư dân thường đi mua sắm tại các siêu thị. Chưa kể, các điểm bán hàng lề đường mọc nhiều, cung đường vào chợ luôn nườm nượp xe tải, xe container qua lại ngày đêm khiến người dân lo lắng khi qua đường để vào chợ.
Theo ông Dương, dự đoán chợ sẽ vắng khách thời gian đầu, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Q.2 (đơn vị khai thác và quản lý chợ) đã chủ động giảm các loại phí cho tiểu thương, UBND Q.2 cũng đã đưa vào hoạt động tuyến xe buýt có lộ trình qua chợ Thạnh Mỹ Lợi nhằm tăng lượng khách vãng lai đến mua sắm, nhưng vẫn không hiệu quả.
Về tình trạng chợ cóc lấn át chợ Phú Hữu, ông Trần Phước Hùng, Chủ tịch UBND P.Phú Hữu, Q.9 giải thích: “Nhiều nhà hai bên đường mở bán trong nhà nên rất khó xử lý, còn những người bán hàng rong thì chính quyền can thiệp thường xuyên nhưng cũng gặp khó khăn vì vốn của họ rất ít, bị xử phạt không có tiền đóng… Từ năm 2010, chính quyền đã đưa ra nhiều thông báo kêu gọi các tiểu thương không để sạp trống, ai không kinh doanh thì trả lại sạp. Thậm chí phường còn thông báo trên loa kêu gọi bà con đi chợ để ủng hộ tiểu thương, miễn phí gửi xe vào chợ, khi trời mưa bão không thu tiền hoa chi… nhưng chợ vẫn ế ẩm”.
Theo ông Hùng, mới đây quận đã có ý kiến chỉ đạo, nếu chợ hoạt động không hiệu quả thì chuyển công năng sang siêu thị hoặc đưa ra phương án khai thác có hiệu quả. Hiện UBND phường đã trình phương án sửa chữa và sắp xếp lại chợ Phú Hữu với tổng kinh phí 500 triệu đồng, đồng thời vận động tiểu thương ra bán, tổ chức đăng ký, sắp xếp lại các ngành hàng cho phù hợp với nhu cầu thực tế… Phương án này đang chờ quận duyệt, nếu được, tháng 10/2014 sẽ thực hiện.
QUỲNH MAI - HẠNH CHI