Phát 'khùng' vì hai chữ 'cuối năm'

12/01/2019 - 10:00

PNO - Họ tới bệnh viện tâm thần nhưng không hề la hét, nói cười vô thức, mà khuôn mặt hằn rõ lên vẻ lo âu, mệt mỏi với những quầng mắt thâm, sưng húp.

Thời điểm cuối năm, áp lực trong công việc và cuộc sống khiến nhiều người trở nên 
hối hả, tất bật. Trạng thái căng thẳng quá mức kéo dài dẫn tới các rối loạn về giấc ngủ, cảm xúc, thậm chí chán sống. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, hệ lụy sẽ khó lường...

Áp lực hằn trên mặt

Tết Kỷ Hợi chỉ còn chưa đầy một tháng, tại khu khám bệnh, bệnh viện Tâm thần TP.HCM đông nghẹt. Không ít bệnh nhân sốt ruột đứng, ngồi cả trên bậc cầu thang. Chờ khám đa số là người trong độ tuổi lao động (trên dưới 40 tuổi), không ít người mặc quần tây áo sơ-mi đóng thùng rất sạch sẽ, gọn gàng, tay xách cặp da (áng chừng là dân công sở, trí thức). Bên cạnh đó là các bà, các anh có vẻ như làm nghề buôn bán. Họ tới bệnh viện Tâm thần nhưng không hề la hét, nói cười vô thức, mà khuôn mặt hằn rõ lên vẻ lo âu, mệt mỏi với những quầng mắt thâm, sưng húp.

Phat 'khung' vì hai chũ 'cuói nam'
Nếu các triệu chứng mất ngủ, lo âu làm ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống thì bạn cần đi khám để được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa

Tôi đưa người bạn đi khám cũng vì lý do kể trên. Chị tên N.K.M., 38 tuổi, là kế toán trưởng một công ty xây dựng tại Q.5, TP.HCM. Vừa qua, để chuẩn bị cho đợt kiểm tra nội bộ định kỳ cuối năm, không chỉ riêng chị mà cả ê-kíp kế toán đã phải làm việc quá độ, đem cả sổ sách về nhà làm đêm. Do làm thất lạc hóa đơn chứng từ, không thể khớp được số liệu, chị M. luôn trong tâm thế thấp thỏm, lo âu. Chị kể với chồng, đến ngủ cũng mơ thấy phải chịu trách nhiệm và bị khởi tố ra tòa. Anh B. - chồng của chị tâm sự: “Cô ấy đang hoảng loạn thật sự, mặt mũi thẫn thờ, động đến công việc là khóc, đêm ngủ cứ trằn trọc, bỏ cả ăn. Cứ thế này tôi sợ vợ không phát điên thì cũng suy kiệt mà chết”.

Bác sĩ Trần Duy Tâm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, ngày nào ông cũng khám ít nhất 10 ca liên quan tới rối loạn stress do áp lực cuối năm gây ra. Bác sĩ Tâm kể, ông vừa tiếp một nam bệnh nhân 45 tuổi, tên T.V.S., làm nghề thầu xây dựng, ngụ tại Q.8. Anh S. đã ba tuần không có giấc ngủ nào dài hơn hai tiếng. Trong giấc ngủ chập chờn anh cũng chỉ nghĩ về công việc. 

Bác sĩ gặng hỏi, anh S. mới bộc bạch: “Sắp tết rồi mà hơn 50 con người đang chờ tôi trả lương và tiền thưởng tết. Thế nhưng đến giờ này tôi vẫn chưa thu hồi được công nợ để trang trải. Cứ mỗi ngày trôi qua tết lại càng đến gần, tôi càng khiếp sợ”. Áp lực công nợ, tết nhất chẳng những khiến anh S. mất ăn mất ngủ mà còn luôn bẳn gắt với vợ con, thậm chí không kiềm chế được nên đã đánh con. Anh S. chia sẻ với bác sĩ rằng, trong anh đã xuất hiện cảm giác không thiết sống, nhìn đâu cũng thấy bế tắc nên chỉ muốn buông xuôi.

Phat 'khung' vì hai chũ 'cuói nam'
Ảnh minh họa

Bác sĩ Trần Duy Tâm cho biết, áp lực cuối năm đến từ rất nhiều yếu tố. Ví dụ như: công nợ, đối phó với các đợt thanh kiểm tra, hạn mức, chỉ tiêu, thậm chí là quà tết đối nội, đối ngoại, tiền chi tiêu những ngày tết…

Tìm cách để không… phát khùng

Trước tiên, chúng ta cần hiểu, rối loạn stress không phải lúc nào cũng mang tính tiêu cực. Rối loạn stress ám chỉ một biến cố xảy ra làm thay đổi hoạt động sống của một con người. Khi bị rối loạn stress, chúng ta sẽ có các biểu hiện hồi hộp, lo âu, mất ngủ. Tuy nhiên, con người có cơ chế tự điều chỉnh, và các triệu chứng kể trên chỉ thoáng qua.

Rối loạn stress cấp ở mức độ nặng nề lại khác, vẫn là hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, nhưng kéo dài quá ba ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, công việc và sinh hoạt. Ở thể này, bệnh nhân cần được điều trị, nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, hậu quả có thể dẫn tới bệnh trầm cảm, thậm chí tự sát…

Điều trị cho các bệnh nhân bị rối loạn stress cấp do áp lực cuộc sống cũng vậy. Vì những người này không thể tự điều chỉnh, nên trước tiên bác sĩ sẽ dùng liệu pháp tâm lý, cùng họ trò chuyện, gợi mở hết những vướng mắc trong lòng. Sau khi lắng nghe câu chuyện của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra một số giải pháp để họ tham khảo giải quyết vấn đề của mình. Bên cạnh đó, bác sĩ chỉ dẫn cho họ thấy, vấn đề họ đang gặp chưa phải là tồi tệ nhất, còn rất nhiều người ở hoàn cảnh bi đát hơn. Nói cho họ biết rằng, vẫn còn rất nhiều điều tươi đẹp, tích cực, kéo suy nghĩ của họ sang những mối quan tâm khác. Một số trường hợp đặc biệt có thể sẽ được hỗ trợ thêm thuốc an thần, thuốc chống lo âu, trầm cảm.

Phat 'khung' vì hai chũ 'cuói nam'
Ảnh minh họa

Tỷ lệ bệnh nhân tới khám về stress nữ cao hơn nam. Không phải do phụ nữ bị stress nhiều hơn, mà do đàn ông hay trốn tránh việc khám bệnh. Đàn ông là phái mạnh, họ luôn cố tỏ ra cứng rắn và tự cho rằng mình không mắc bệnh. Mặt khác, đàn ông thường giải tỏa và thích nghi với khó khăn theo cách rất riêng: đi nhậu, hút thuốc lá. Tuy đây không phải là điều lành mạnh nhưng đôi khi nó cũng có hiệu quả giảm bớt áp lực công việc. Ngồi với đám bạn, uống vài chai bia, bao nhiêu tâm sự kể ra hết, thế là nhẹ lòng. Phụ nữ lại khác, bị cuốn vào công việc gia đình, chăm lo con cái nên không thể giải tỏa theo cách của đàn ông được.

Dù thế, phái yếu vẫn có thể tự tìm cách cân bằng, giải tỏa áp lực tâm lý cho mình. Chẳng hạn khi đối diện với một vấn đề khó khăn, bạn hãy chia sẻ với chồng, với bạn thân. Nếu mọi thứ đi vào bế tắc, thay vì cứ mãi suy nghĩ về điều ấy, hãy đứng lên đi dạo, đi uống cà phê, hướng suy nghĩ của mình tới những chuyện khác. Bạn hãy luôn tâm niệm rằng, cuộc đời còn rất nhiều thứ ý nghĩa đáng để ta phải sống tiếp.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI