Phát huy vẻ đẹp thời trang Á Đông từ những chất vải tự nhiên

31/01/2021 - 07:55

PNO - “Tôi hứng thú với mọi chất vải”, Makiko Minagawa chia sẻ. Nữ nghệ nhân đam mê vải vóc hiện là giám đốc sáng tạo của Haat, thương hiệu chuyên về mặt hàng dệt may truyền thống thuộc tập đoàn thời trang lâu đời tại Nhật – Issey Miyake. “Nhưng nếu để chọn trang phục cho riêng mình, theo tôi, chất liệu tự nhiên vẫn lý tưởng hơn cả”.

Có hơn 30 năm gắn bó với nghề thiết kế, Minagawa, theo cách đáng ngạc nhiên, đã rất thẳng thắn khi nói đến tiềm năng của xu hướng thời trang bền vững, thân thiện môi trường hiện nay. Theo bà, luôn tồn tại “nhiều thách thức trước việc ứng dụng chất liệu vải ‘bền vững’ vốn sẽ cần thêm thời gian để vượt qua”.

“Máy móc hiện đại chưa thể xử lý thật tốt nguyên liệu sợi tự nhiên mỏng manh, cũng như một số loại vải tái chế chưa đủ khả dụng để phổ biến đến công chúng”.

Nhà thiết kế gạo cội Makiko Minagawa. (Ảnh: CulturedMagazine)
Nhà thiết kế gạo cội Makiko Minagawa. (Ảnh: CulturedMagazine)

“Gần đây, Issey Miyake bắt đầu tăng cường quảng bá cho dòng thời trang thân thiện môi trường, nhưng công ty đã nghiên cứu chuyên sâu về hàng dệt may bền vững suốt nhiều năm”, Minagawa tiết lộ. “Chẳng hạn, 10 năm trước, chúng tôi đưa vào thử nghiệm một cấu trúc sợi polyester sinh học có khả năng tự phân hủy. Nhưng công ty nhận ra quần áo từ loại vải này nhanh chóng xuống cấp chỉ sau 1 năm sử dụng. Trong môi trường thời trang, chúng ta không thể tin dùng một chất liệu nếu không trải qua quá trình nghiên cứu và kiểm định cẩn trọng”.

Haat, nhãn hàng do Minagawa phụ trách điều hành, chuyên phân phối sản phẩm dệt may “thuần” tự nhiên từ cotton, len, lụa và nhiều chất liệu thân thiện môi trường khác. Bên cạnh đó, Haat đang tái vận dụng đa dạng kỹ thuật trang trí, in vải cổ điển, kế thừa dấu ấn thời trang phương Đông.

Một số thiết kế thanh nhã thuộc bộ sưu tập Untamed Flora ra mắt đầu năm nay của thương hiệu Haat. (Ảnh: Issey Miyake Inc.)
Một số thiết kế thanh nhã thuộc bộ sưu tập Untamed Flora ra mắt đầu năm nay của thương hiệu Haat. (Ảnh: Issey Miyake Inc.)

Trong văn phòng làm việc ở Tokyo, Minagawa mang ra loạt đề cử lôi cuốn thuộc bộ sưu tập do bà thực hiện. Nổi bật là mẫu áo jacket với chất vải khadi Ấn được dệt thủ công, váy và áo có đường nét in lặp bằng khối gỗ cầm tay (in woodblock), quần áo nhuộm tự nhiên theo phong cách shibori (*kỹ thuật nhuộm “thắt” bề mặt vải, tạo họa tiết hòa phối độc đáo), áo khoác điểm tô bởi hoa văn sashiko (*kỹ thuật khâu trang trí truyền thống của Nhật), và đặc biệt là những thiết kế làm từ khung dệt Jacquard – một dạng khung cửi cổ điển giúp dệt chìm hoa văn lên vải, cho hiệu ứng thành phẩm vô cùng mượt mà, tinh xảo.

“Khởi đầu, Haat không đơn thuần tập trung vào xu thế bền vững hóa, mà chủ yếu là phát triển hàng thời trang thuần chất tự nhiên”, Minagawa bày tỏ. “Mặt khác, tôi muốn kết hợp vào chất liệu may mặc hiện đại những kỹ thuật in, thêu truyền thống Á Đông”. 

“Ngày nay, chúng ta hay phân loại vải vóc là ‘hữu cơ’ hay ‘phi hữu cơ’”, bà nhấn mạnh, “nhưng tôi nghĩ mọi người thường quên rằng trước cuộc cách mạng công nghiệp, ngành thời trang chưa tồn tại khái niệm hóa chất, thuốc nhuộm nhân tạo. Trong quá khứ, mọi thứ đều mang tính hữu cơ”.  

(Ảnh: Issey Miyake Inc.)
(Ảnh: Issey Miyake Inc.)

Sinh ra tại Kyoto, Minagawa lớn lên trong một cộng đồng nơi công việc dệt, nhuộm vải thủ công phổ biến đến từng gia đình. “Lòng đam mê vải dệt trong tôi được khơi nguồn ở quê nhà”, bà tiết lộ. Nhận lời mời của chính Kazumaru Miyake – nhà thiết kế kỳ cựu và người sáng lập Issey Miyake Inc., Minagawa đã làm việc cho tập đoàn từ năm 1971 với cương vị giám đốc chuyên trách mặt hàng dệt may.

Minagawa đặc biệt trân trọng giá trị cổ điển nơi sản phẩm may mặc, những chất liệu sợi tự nhiên xuất xứ từ Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Nam Á.

“Hoạt động dệt may truyền thống ở Nhật chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á. Tiêu biểu như shibori - kỹ thuật nhuộm ‘thắt’ bề mặt vải, hay một số họa tiết nổi tiếng trên áo, váy cổ truyền tại đây đều có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á”, bà cho biết.      

 (Ảnh: Issey Miyake Inc.)
(Ảnh: Issey Miyake Inc.)

Đến nay, Haat đã sản xuất hàng loạt bộ sưu tập thời trang ở Nhật lẫn Ấn Độ, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể về nguyên liệu sợi cũng như tay nghề người thợ. Minagawa lý giải: “Một số loại vải được xe sợi và dệt tại Ấn. Số khác sản xuất trong nước nhưng sử dụng nguyên liệu cotton nhập khẩu từ Ấn Độ. Công đoạn nhuộm vải bằng màu thực vật (rau quả) tự nhiên vốn Haat ưa chuộng, cùng nhiều loại phụ kiện đòi hỏi kỹ thuật may vá - trang trí truyền thống, được hoàn tất tại Nhật”.

“Tôi ấn tượng trước sức phát triển hiện thời của ngành dệt may hữu cơ Ấn Độ. Nhưng xét trên tiêu chí chất lượng, loại vải sợi tự nhiên mảnh mai họ tạo nên, dù đẹp mắt, chưa thật sự khiến chúng tôi an tâm. Thế nên đối với một số thiết kế, chúng tôi nhập khẩu nguồn sợi thô ban đầu và hoàn thiện mọi thứ bên trong phân xưởng tại đây”.     

 

(Ảnh: Issey Miyake Inc.)
(Ảnh: Issey Miyake Inc.)

Bộ sưu tập Xuân-Hè 2021 Haat vừa ra mắt, Untamed Flora, gây ấn tượng bởi chất nền nã đặc trưng dẫu không kém phần trẻ trung, hợp mốt. Những thiết kế áo thun len nữ tính nhấn sọc nổi với chất liệu tái chế, váy suông duyên dáng dệt từ cotton hữu cơ, nhuộm màu tự nhiên. Đáng nhớ nhất trong số này là một vài mẫu trang phục sành điệu làm từ lụa cupro.

“Cupro (hay tên thương hiệu là Bemberg) được tạo nên từ phần xơ cotton đặc biệt tìm thấy quanh hạt bông, và thông thường hay bị vứt đi”. Minagawa giải thích. “Chúng tôi tái sử dụng chúng. Đây là loại sợi dệt tự nhiên duy nhất có ở Nhật Bản”.

Chất liệu vải tự nhiên của Haat được nhập khẩu từ Ấn Độ hoặc do những người thợ lành nghề tại Nhật xe sợi và dệt hoàn toàn theo phương thức thủ công, tạo nên thành phẩm chất lượng cao. (Ảnh: Issey Miyake Inc.)
Chất liệu vải tự nhiên của Haat được nhập khẩu từ Ấn Độ hoặc do những người thợ lành nghề tại Nhật xe sợi và dệt hoàn toàn theo phương thức thủ công, tạo nên thành phẩm chất lượng cao. (Ảnh: Issey Miyake Inc.)

“Tôi yêu thích cả sự không hoàn hảo ở vải vóc. Chúng ta có thể tạo ra không ít thứ mới lạ từ một số nguyên liệu thông thường vẫn bị xem là thừa thãi”, bà cho biết.

Ngoài cupro, Minagawa đã không ít lần tận dụng, “tái sinh” những nguyên liệu thường bị bỏ đi trong quy trình dệt may. Bà từng sáng tạo nên kurume kasuri, loại vải dệt tổng hợp từ nhiều đoạn chỉ đủ màu thừa lại tại xưởng may. Kết hợp với kỹ thuật in lặp họa tiết bằng khối gỗ truyền thống của Ấn Độ, Minagawa tạo ra một thành phẩm vải cotton độc đáo.

“Không như đa số thiết kế, họa tiết thời trang có thể nhanh chóng bắt mắt công chúng, chất liệu vải tự nhiên cần thời gian để quảng bá, minh chứng chỗ đứng riêng. Đằng sau mỗi mẫu áo, váy được dệt may chăm chút, điểm tô hoa văn trang nhã, sử dụng nguyên liệu vốn dĩ thường bị vứt đi, hay thành hình từ một khung cửi cổ xưa – ẩn chứa những câu chuyện thú vị chúng tôi mong muốn truyền đạt đến bạn”, Minagawa chia sẻ.

“Tôi nghĩ ý niệm ‘truyền thống’ bao hàm những giá trị không ngừng chuyển hóa, đổi mới để thích nghi và đứng vững. Ở đoạn cuối của tiến trình ấy, như một bộ trang phục được người thợ may tận tâm làm ra nhằm tôn thêm nét đẹp cho người mặc, là khối thành quả hứa hẹn sẽ tồn tại lâu dài hơn cả”.        

 

Như Ý (theo JapanTimes)  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI