Phát huy tiềm năng, lợi thế của Củ Chi huyền thoại

30/03/2022 - 07:09

PNO - Với vị trí địa lý và bề dày lịch sử truyền thống, Củ Chi huyền thoại và anh hùng có sức hấp dẫn độc đáo khó nơi nào có được. Sự bứt phá vươn lên hơn nữa của Củ Chi đang đòi hỏi sự quy hoạch và cơ chế chính sách phù hợp, xứng tầm.

 

Huyện Củ Chi được đề xuất lên thẳng thành phố trực thuộc TPHCM
Huyện Củ Chi được đề xuất lên thẳng thành phố trực thuộc TPHCM

Án ngữ cửa ngõ tây bắc Sài Gòn, thời chiến tranh, Củ Chi có hệ thống địa đạo dài gần 200km. Củ Chi là nơi hứng chịu nhiều sự tàn phá ác liệt: 50.000 liệt sĩ đã ngã xuống ở quê hương “đất thép thành đồng”.

Ngay sau ngày giải phóng, Củ Chi nhanh chóng biến vành đai trắng thành vành đai xanh và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển. Với sự chung sức, đồng lòng, 1.400 tuyến đường có tổng chiều dài 700km, hệ thống trường lớp, bệnh viện, trạm y tế được xây dựng, người dân Củ Chi đã hiến trên 700.000m2 đất để làm đường và công trình công cộng. Củ Chi là nơi làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo…

Từ huyện nghèo, thuần nông, Củ Chi đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Củ Chi nổi tiếng với việc phát triển đàn bò sữa, hoa lan cây kiểng và rau an toàn. Hoạt động du lịch truyền thống, sinh thái, nghỉ dưỡng, ẩm thực bước đầu thu hút du khách trong và ngoài nước. Giờ đây, mạng lưới các cửa hàng tiện ích đã phủ khắp các xã.

Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt theo tiêu chí nâng cao của TPHCM. Mạng lưới cung cấp nước sạch 1.476km đã hoàn thành. Ở đây, có 178/178 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa, hầu hết các xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới và thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Việc thu gom rác sinh hoạt, rác y tế gần như đạt 100%. Bệnh viện và các cơ sở y tế được đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. UBND TPHCM cũng đã đề xuất UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản văn hóa vật thể thế giới. Đó là những điều kiện thuận lợi, động lực để thúc đẩy Củ Chi phát triển.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, Củ Chi có định hướng phấn đấu lên thành phố trực thuộc TPHCM. Muốn vậy, Củ Chi cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng theo hướng hiện đại, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có làng quê thanh lịch, đáng sống, dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát làm cho “phố không ra phố, làng không ra làng”, phải giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn.

Củ Chi có thể mời gọi đầu tư xây dựng để nơi đây có một khu vui chơi tầm cỡ, một thành phố thông minh, một trung tâm logistics kết nối cả với Campuchia… Về phần mình, Củ Chi cần gia công đầu tư xây dựng để có không gian văn hóa đặc trưng, có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn (hiện đã có các khu di tích đền Bến Dược, đền Gia Định, Địa đạo Củ Chi, Bến Đình, khu tưởng niệm “Bà mẹ Đất Thép”, vùng giải phóng, phim trường…). Củ Chi sẽ có thêm nhiều địa điểm tiện ích cho thanh thiếu niên đến cắm trại, thăm các làng nghề, tham dự các “khóa học làm nông dân”...

Củ Chi sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp “xanh”, nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, trong đó có quan tâm phát huy giá trị của thương hiệu cây thuốc (đây là vùng đất có nhiều loài cây thuốc có từ lâu đời, được người dân quen dùng, ưa chuộng), quan tâm bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống. Cùng với phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, các ngành công nghiệp chế biến… Cần tập trung nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông, tuyến đường bộ, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài và các tuyến đường sông, các tuyến xe buýt kết nối các địa điểm tham quan, du lịch.

Nếu có quy hoạch tốt, có cơ chế, chính sách phù hợp, Củ Chi sẽ thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển, xứng đáng với quê hương thời nào cũng anh hùng, là điểm đến giàu bản sắc và sức chinh phục.

Phạm Phương Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI