Tại sao những thông tin khoa học từ các bệnh viện, bác sĩ, chuyên gia… không đủ lấn át những thông tin phản khoa học, chưa được kiểm chứng, có thể gây hậu quả và thực tế đã gây hậu quả cho nhiều người?
Trong khi đó, năm nào Bộ Y tế cũng hô hào các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác truyền thông y tế nhằm giáo dục sức khỏe, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe… Nguyên nhân có lẽ là do chúng ta chỉ hô hào suông.
|
Tình hình dịch bệnh trên trang web của Sở Y tế từ tận tháng 5/2017 đến nay chưa cập nhật |
Đọc xong giật mình
Lướt trang web Bộ Y tế, một bác sĩ hoảng hốt vì ngay trang chủ bắt gặp tựa bài viết Chữa gút từ trầu không, nước dừa. Người bị bệnh gút ai cũng biết đây là cách chữa “tào lao”, bài thuốc “trôi nổi” trên mạng với mục đích câu lượt xem là chính, vậy mà lại xuất hiện trên cổng thông tin của ngành y tế.
Bài viết bày cách chữa gút như sau: “Mỗi sáng thức dậy dùng 100g lá trầu tươi, xắt nhuyễn ngâm vào trong một trái dừa xiêm vừa vạt nắp gáo. Sau đó đậy nắp lại và ngâm đúng 30 phút, rồi chắt ra ly, uống một mạch. Làm như vậy trong vòng một tuần thì các cơn đau nhức do bệnh gút về đêm sẽ giảm hẳn. Người bệnh có thể ngủ ngon một mạch đến sáng và cảm thấy tươi tỉnh ra, cũng vì thế mà đầu óc minh mẫn, dễ chịu. Cần phải uống 1 tháng liền để trị bệnh triệt để…”.
Đọc xong, bệnh nhân gút nào cũng cười thầm, còn giới chuyên môn thì giật mình vì làm gì có chuyện giảm đau nhức do bệnh gút một cách đơn giản như vậy. Ông Nguyễn Văn H., ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM, bệnh gút hơn 10 năm, cho biết: “Tôi đau dữ dội không đi được. Tôi nghe người ta bày thuốc gì uống thuốc đó. Cây lược vàng uống 1 tháng cũng không hết; rồi tới cây nở ngày đất tôi uống cũng không hết; đến lá trầu, tôi mua về cắt nhỏ bỏ vô trái dừa để nửa tiếng mới uống, uống hơn 1 tháng cũng không hết…”. May mắn là sau thời gian kiên trì điều trị bài bản tại cơ sở y tế, ông H. mới giảm được 70% các cơn đau do gút.
Đau lòng là nhiều bệnh nhân gút cũng do đi uống lá này, cây kia theo kiểu truyền miệng, không được khoa học chứng minh dẫn đến bệnh không được chữa và ngày càng nặng.
Báo Phụ Nữ TP.HCM từng phản ánh trong bài viết Đừng để phải cưa chân vì... gút số ra ngày 25/8/2017. Trong đó ghi nhận tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đa phần bệnh nhân đến khám đều đã mọc các cục u tophi, nặng hơn thì tiêu xương, biến dạng xương khớp. Một giáo sư Pháp khi sang Việt Nam đã hết sức ngỡ ngàng vì bệnh nhân gút ở Việt Nam quá nặng mà trước đây ông chưa từng nhìn thấy. Trong khi, nếu được điều trị đúng thì họ sẽ không nặng như vậy.
Nếu thật sự lá trầu kết hợp với nước dừa mà hết đau gút thì các hãng dược trên thế giới đã không nhọc công bào chế thuốc Colchicine đặc trị với mục đích chống viêm, giảm đau trong cơn gút cấp hoặc đợt cấp của gút mạn tính.
Tại sao là cổng thông tin điện tử của ngành y tế, Bộ Y tế lại dễ dãi, không chuẩn mực trong việc truyền thông về sức khỏe?
Nghèo nàn như website y tế chính thống
Cũng cách truyền thông y tế còn nặng về hô khẩu hiệu này, cứ thử rảo qua website của 3 đơn vị có thể xem là “đầu đàn” trong công tác dự phòng thuộc ngành y tế TP.HCM sẽ thấy sự tình buồn đến thế nào. Một trong hai trang web không hoạt động, đó là Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, địa chỉ: www.ttdinhduong.org. Đơn vị được giao nhiệm vụ “truyền thông giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho mọi người dân” hoàn toàn tê liệt trên internet.
Hai đơn vị còn lại, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (thường gọi T4G) TP.HCM có trang web đăng tải những thông tin thuộc hàng “đồ cổ” của thế giới mạng.
|
Trang web của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới toàn các bài viết từ cách đây 5-7 năm |
Mục “Tin nổi bật” trên trang http://yteduphongtphcm.gov.vn nhảy múa những bài viết từ hồi tháng 3. Mục “Tiêu điểm” với 2 chuyên đề về phòng, chống dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết chứa những nội dung “sản xuất” từ năm ngoái.
Website http://www.t4ghcm.org.vn/ làm nhiệm vụ truyền thông chính của ngành y tế thành phố còn nghèo nàn, lạc hậu hơn. Ngoài các tin tức, sự kiện từ năm 2017 hoặc trước tháng 3/2018, mục “Tư vấn & hỏi đáp” còn treo những đường link đã có từ năm 2015, 2016 trên trang chủ.
Thông tin thường xuyên được cập nhật trên trang chủ của các trung tâm này lại phần lớn là lễ phát động, chiến dịch, chương trình tổng kết, các thủ tục, quy định của ngành y.
Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Chí Thương - Giảng viên bộ môn phụ sản Đại học Y Dược TP.HCM
6 lý do không nên tin “bác sĩ Google”
Trào lưu “Google” là do thiếu thông tin chính thống, do mạng xã hội quá nóng và tâm lý thể hiện mình của người dùng.
Tin tức trên Google tại Việt Nam không đáng tin cậy lắm, vì:
1. Gần như ai cũng có thể đưa lên được.
2. Không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chuyên môn.
3. Người có chuyên môn thì lại bận việc khám bệnh, mổ xẻ, ít khi viết ra những bài lưu ý cho người bệnh, cho cộng đồng.
4. Người hay viết bài đưa lên mạng thì thường rảnh rỗi, có thể góp nhặt mỗi chỗ một miếng, không logic và có thể không có chuyên môn.
5. Nhiều bài viết ghi dẫn nguồn từ báo khoa học này, khoa học kia, nhưng chỉ có bác sĩ được đào tạo bài bản mới biết giá trị bài báo đó có tin cậy không. Ví dụ trong y khoa, thuốc đó có giá trị khi được thí nghiệm trên người với thiết kế thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên...
6. Kiến thức y khoa thay đổi liên tục
Quốc Ngọc (ghi)
|
Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế TP.HCM, đơn vị đầu nguồn cung cấp tất cả những thông tin về dịch bệnh mà người dân thành phố tin tưởng. Bây giờ là tháng 4/2018 nhưng trên giao diện chính của trang web Sở Y tế, thư mục Phòng chống dịch bệnh vẫn là những thông tin đăng từ tháng 7/2017.
Tương tự, trang web của nhiều bệnh viện gần như “đóng băng”. Đơn cử như Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, đơn vị đầu não điều trị bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng không chỉ cho TP.HCM, mà cho toàn phía Nam. Có người nhà đang nằm điều trị tại đây, anh Hoàng Văn Hải (ngụ Q.6, TP.HCM) nhận xét: “Trang web bệnh viện (http://www.bvbnd.vn) toàn các thông tin chào mừng nọ, kỷ niệm kia. Tôi nhấn vào mục công tác xã hội thì ngán ngẩm vì có bài đã viết từ năm 2010”.
Tiếp tục bấm thử vào mục giáo dục sức khỏe, anh Hải cho biết, thông tin toàn những khái niệm rất chung chung, khó hiểu như bệnh dại là gì? Các chủ đề phòng, chống thủy đậu, tay chân miệng nhưng vẫn chưa cập nhật suốt từ giữa năm 2017 tới nay.
Trong khi đó, năm nào Bộ Y tế cũng có hướng dẫn công tác truyền thông y tế cho các đơn vị trực thuộc (năm 2017 là hướng dẫn số 359/BYT-TT-KT ngày 23/1/2017, 2018 là số 694/BYT-TT-KT ngày 29/1/2018) với yêu cầu: “Đa dạng hóa và đổi mới phương thức thực hiện hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe, hướng đến mọi người dân và cộng đồng chủ động phòng, chống bệnh và dịch bệnh…”.
Nhưng thực tế đã cho thấy, không ít trang web bệnh viện còn ở tình trạng “cho có”, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin và trang bị kiến thức y tế, sức khỏe cho người bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho hay, sở dĩ các trang web chính thống có tính tương tác thấp, không cập nhật thường xuyên, nội dung viết theo kiểu hàn lâm khiến người đọc khó hiểu, không phù hợp với nhu cầu thật sự mà người dân muốn tìm kiếm… là do đa số “bị bắt phải làm”.
“Không có người chuyên trách, thường là kiêm nhiệm công tác truyền thông, nên thành ra không có mục tiêu rõ ràng, cũng không quan tâm đến phản hồi hay nhu cầu của người đọc, làm cho có, không chăm chút thì làm sao phát triển và hiệu quả được. Để cải thiện, phải có người chuyên trách để tránh tình trạng người chuyên môn không biết viết, người biết viết lại không tham khảo chuyên môn, cả hai đều gây ngộ nhận, khó hiểu”, bác sĩ Khanh nói.
Còn theo ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Bộ Y tế, rào cản khiến nhiều bệnh viện làm truyền thông giáo dục sức khỏe chưa hiệu quả chính là do nhận thức của lãnh đạo các đơn vị.
Bộ Y tế đưa ra định hướng, hướng dẫn nhưng chính bản thân lãnh đạo các bệnh viện cần tự nhận thức, thông suốt thì mới có thể phát triển các hình thức kết nối hiệu quả với người dân sao cho phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình.
Với nhiều cái khó mà ngành y tế dẫn ra như vậy thì việc đẩy mạnh công tác truyền thông y tế cho người dân sẽ mãi là hô hào suông, trong khi truyền thông mạng đã thực sự bùng nổ.
Thạc sĩ - bác sĩ - Trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Không kiểm soát thông tin trên mạng rất nguy hiểm
Vụ rộ lên thông tin hai mẹ con sản phụ tử vong tại Q.2 vì sinh con tại nhà cho thấy, nhiều bà mẹ nghe theo thông tin trên mạng và tin theo một cách mù quáng mà không nhận thức được nguồn tin đó có chính thống hay không.
Điều đáng nói, những người này lại thuộc loại có điều kiện kinh tế, được tiếp xúc với các phương tiện công nghệ để truy cập internet. Bởi vậy, nếu không có cách nào định hướng hay kiểm soát các thông tin liên quan tới sức khỏe trên mạng thì sẽ rất nguy hiểm.
Tôi đã xem và đọc những chia sẻ của hội bà mẹ cổ xúy sinh con thuận theo tự nhiên. Những người này quan niệm đẻ con tại nhà, để bánh nhau cạnh đứa bé, không kẹp và cắt dây rốn chờ cho bánh nhau tự bong, làm như vậy em bé sẽ hấp thu dưỡng chất từ bánh nhau. Điều này hết sức bậy bạ.
Tr.Anh (ghi)
|
Quốc Ngọc - Trâm Anh