Phát hiện vi khuẩn lớn nhất thế giới có kích thước bằng lông mi người

24/06/2022 - 14:24

PNO - Một loại vi khuẩn mới với kích thước đủ lớn để có thể nhìn thấy bằng mắt thường, giống với hình dạng và kích thước của lông mi, đã được tìm thấy ở Guadeloupe thuộc quần đảo Lesser Antilles, theo một nghiên cứu được công bố hôm 23/5 trên tạp chí Science (Khoa học).

Có tên gọi là thiomargarita magnifina (TM do kích cỡ lớn đặc biệt của nó, vi khuẩn này có chiều dài tế bào trung bình lớn hơn 9.000 micromet, tức là gần 1cm. Tế bào của hầu hết các loài vi khuẩn chỉ có chiều dài khoảng 2 micromet, mặc dù chiều dài những tế bào lớn hơn có thể đạt tới 750 micromet.

Vi khuẩn thiomargarita magnifina mới được phát hiện
Vi khuẩn thiomargarita magnifina mới được phát hiện

Theo Jean-Marie Volland - một thành viên của nhóm nghiên cứu, đồng thời là một nhà khoa học và sinh vật biển tại Trung tâm Nghiên cứu các hệ thống phức hợp của California (một cơ quan thuộc Bộ Năng lượng Mỹ) - cho biết vi khuẩn TM có thể dài tới 2cm.

Theo các nhà nghiên cứu, hơn 625.000 vi khuẩn E.coli có thể nằm gọn trên bề mặt của một con vi khuẩn TM.

Trước đây người ta cho rằng vi khuẩn không thể phát triển đến kích thước có thể nhìn thấy bằng mắt thường vì cách chúng tương tác với môi trường và tạo ra năng lượng.

Nhưng TM có một hệ thống màng rộng lớn, giúp chúng tạo ra năng lượng, và từ đó có thể hấp thụ chất dinh dưỡng qua tế bào của nó mà không phụ thuộc vào bề mặt. Volland có thể hình dung và quan sát các tế bào khổng lồ của TM qua hình ảnh 3D, với sự hỗ trợ của kỹ thuật chụp cắt lớp tia X cứng.

Không giống như hầu hết các vi khuẩn vốn có vật chất di truyền trôi nổi tự do bên trong tế bào đơn của chúng, tế bào của TM chứa DNA trong các túi nhỏ có màng, được gọi là “pepin”.

“Đây là một khám phá rất thú vị, mở ra rất nhiều câu hỏi mới. Vi khuẩn này có các tế bào phức tạp hơn, đó là những loại tế bào cấu thành cơ thể chúng ta hoặc động vật và thực vật. Chúng tôi muốn hiểu những pepin đó là gì, chúng có chức năng chính xác là gì, và liệu chúng có đóng một vai trò nào đó trong sự tiến triển của những vi khuẩn khổng lồ này hay không”, Volland chia sẻ.

Theo nghiên cứu, TM lần đầu tiên được phát hiện mọc thành những sợi mỏng màu trắng trên bề mặt của lá rừng cây ngập mặn đang bị thối rữa ở các đầm lầy vùng biển nhiệt đới tại Guadeloupe.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI