Phát hiện ung thư phổi qua hơi thở

13/11/2024 - 12:39

PNO - Báo cáo nghiên cứu mới từ Trung Quốc cho thấy thiết bị sử dụng công nghệ nano có khả năng phát hiện dấu hiệu ung thư phổi qua hơi thở.

Bệnh ung thư phổi có thể làm thay đổi nồng độ isoprene trong hơi thở,  tạo ra chỉ dấu quan trọng giup1 chẩn đoán sớm căn bệnh
Ung thư phổi có thể làm thay đổi nồng độ isoprene trong hơi thở, tạo ra chỉ dấu quan trọng giúp chẩn đoán sớm căn bệnh

Một thử nghiệm quy mô nhỏ sử dụng một thiết bị nguyên mẫu đã chứng minh khả năng phát hiện chính xác sự khác biệt trong hơi thở giữa 8 người khỏe mạnh và 5 người bị ung thư phổi.

Thiết bị tìm kiếm hợp chất isoprene này do một nhóm do các nhà nghiên cứu từ Đại học Chiết Giang ở Trung Quốc chế tạo. Nồng độ isoprene thấp đã được xác định là một chỉ báo tiềm ẩn của ung thư phổi, nhưng sự thay đổi này rất nhỏ và khó đo lường.

Cũng như hầu hết các loại ung thư, ung thư phổi được phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị hiệu quả càng cao. Việc tìm ra một cách xét nghiệm đơn giản, giá cả phải chăng, nhanh chóng và không xâm lấn cho căn bệnh này là rất cần thiết.

Để đạt được độ nhạy cần thiết của thiết bị theo dõi hơi thở, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các hạt nano được làm từ sự kết hợp của bạch kim, indi, niken và oxy. Khi isoprene tiếp xúc với các hạt nano, quá trình giải phóng electron sẽ được kích hoạt và làm thay đổi chỉ số đo.

Kết quả cuối cùng được tổng hợp qua một cảm biến có thể phát hiện mức isopren thấp tới 2 ppb (phần tỉ) – một cải tiến đáng kể so với công nghệ hiện có. Trong số 13 người được thử nghiệm, 5 người bị ung thư có mức isopren thấp hơn 40 ppb trong hơi thở, trong khi ở nhóm 8 người khỏe mạnh, mức này là hơn 60 ppb.

Trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, các hạt nanoflake thể hiện khả năng xác định chính xác isopren trong số các hóa chất khác. Chúng cũng có thể hoạt động trong điều kiện có độ ẩm cao hơn, điều rất cần thiết đối với máy theo dõi hơi thở. Tuy nhiên, ngay cả các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để sản phẩmđi vào đời sống.

"Nhắm mục tiêu vào thị trường chẩn đoán ung thư phổi, việc thương mại hóa công nghệ trong tương lai đòi hỏi phải liên tục nghiên cứu về vật liệu cảm biến, mối quan hệ chính xác giữa isopren trong hơi thở và ung thư phổi, thuật toán phân tích dữ liệu và kỹ thuật tích hợp với các thiết bị di động" – nhóm tác giả viết trong báo cáo đăng trên tạp chí bình duyệt ACS Sensors.

Tổn thương do ung thư phổi gây ra ảnh hưởng đến một số quá trình trao đổi chất quan trọng của cơ thể và người ta cho rằng những thay đổi đó bằng cách nào đó ảnh hưởng đến nồng độ isopren trong hơi thở.

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới – chủ yếu xuất phát từ thói quen hút thuốc – và là nguyên nhân gây ra khoảng 1,8 triệu ca tử vong vào năm 2020. Đây cũng là một trong những loại ung thư thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi các phương pháp điều trị kém hiệu quả, khiến những nghiên cứu về loại ung thư này trở nên đặc biệt cấp bách.

Linh La (theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI