Phát hiện thành phố 1.200 năm tuổi ở Campuchia

16/06/2013 - 17:11

PNO - Các nhà khảo cổ, nhờ công nghệ laser mang tính cách mạng, đã phát hiện một thành phố ẩn trong vùng rừng núi còn đầy mìn của Campuchia.

Địa hình hiểm trở cùng những tàn tích của chiến tranh đã giúp bảo vệ toàn vẹn cho thành phố có tên gọi Mahendra Parvata này. Theo AFP, trong bài công bố độc quyền bước đầu, tờ Sydney Morning Herald của Úc cho biết thành phố này, bao gồm nhiều đền thờ ẩn mình trong rừng nhiều thế kỷ qua, gần như không bị cướp phá.

Phat hien thanh pho 1.200 nam tuoi o Campuchia

Một di tích cổ trong vùng núi Phnom Kulen - Ảnh: angkorguide.net

Thành phố còn nguyên vẹn 

Một nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia của tờ Herald đã tháp tùng đoàn thám hiểm do nhà khảo cổ gốc Pháp Jean-Baptiste Chevance dẫn đầu. Họ đã trải qua chuyến đi đầy gian nan xuyên qua các khu rừng đầy bom mìn của vùng Siem Reap, nơi có quần thể Angkor Wat, đền Hindu lớn nhất thế giới ở tây bắc Campuchia, thu hút hơn 2 triệu du khách viếng thăm mỗi năm.

Điều thú vị là Mahendra Parvata, niên đại 350 năm trước Angkor Wat, được vua Jayavarman II cho xây dựng năm 802 sau Công nguyên, có hơn 20 ngôi đền và một hệ thống kênh đào, đường sá. Ông Chevance, giám đốc Quỹ khảo cổ học và phát triển đặt tại London, kể với tờ Sydney Morning Herald rằng tài liệu cổ từng đề cập đến thành lũy trong núi Phnom Kulen này, cách 40km về phía bắc của Angkor Wat, nhưng chưa biết đích xác cấu trúc của nó. “Nay từ các dữ liệu mới, chúng ta đã biết chắc là thành phố này đã được kết nối bằng đường bộ, kênh mương, đê điều” - ông hào hứng mô tả.

Phát hiện được cho là kỳ thú trong thế kỷ 21 này sẽ được công bố trong cuốn kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia của Mỹ. Ông Damian Evans - giám đốc Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học Campuchia của Đại học Sydney, đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ laser Lidar - cho biết phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội ngày nay.

Cũng là thành viên của đoàn thám hiểm, ông Evans kể: “Từ dữ liệu không ảnh thu được, chúng tôi nhìn thấy cảnh quan mặt đất hoàn toàn không còn thảm thực vật. Một lý thuyết mà chúng tôi đang xem xét là tác động môi trường nghiêm trọng của nạn phá rừng và sự phụ thuộc vào quản lý nguồn nước dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh... Có lẽ thành phố đã phát triển quá thành công đến mức không thể quản lý được sau đó”.

Phat hien thanh pho 1.200 nam tuoi o Campuchia

Tượng Phật tạc vào núi đá rêu phong trong vùng di tích vừa được phát hiện - Ảnh: Herald

Công nghệ Lidar

Đoàn thám hiểm đã sử dụng một dụng cụ gọi là Lidar gắn trên một máy bay trực thăng quần thảo trên một vùng núi phía bắc của Angkor Wat suốt bảy ngày. Bằng hàng tỉ xung laser, nó đã “bóc vỏ” những bí ẩn dưới các tán rừng già, cho phép các nhà khảo cổ nhìn thấy được những cấu trúc hoàn hảo, bổ sung cho tấm bản đồ của thành phố mà nhiều năm nghiên cứu thực địa dù rất tỉ mỉ cũng không thể đạt được. Thậm chí các nhà khoa học cho biết dữ liệu thu được trong một tuần lễ phong phú tương đương sự tìm kiếm trong nhiều năm của các nhà khảo cổ trên mặt đất.

Tờ Herald mô tả chuyến tìm kiếm quần thể di tích trên đầy gian nan khi các nhà khoa học phải vượt núi, vượt đầm trên xe máy. Các thành viên trong đoàn đã thề giữ bí mật cho đến khi phát hiện được đánh giá đầy đủ về mặt dữ liệu.

Thậm chí đến giờ, theo ông Evans, họ vẫn chưa rõ thành phố cổ Mahendra Parvata có quy mô đến cỡ nào vì việc tìm kiếm của họ đến nay chỉ tiến hành ở một khu vực hạn chế và cần có thêm tiền để mở rộng công tác tìm kiếm. “Có lẽ những gì chúng tôi thấy vừa qua chưa phải là phần trung tâm của thành phố. Do đó, còn rất nhiều việc phải làm để hiểu rõ toàn bộ nền văn minh này” - ông nói.

Nhưng bước đầu các nhà khảo cổ đã ngạc nhiên đầy hứng thú khi thấy 36 di tích được ghi nhận rải rác trước đó quanh núi được liên kết với di tích mới phát hiện bằng một mạng lưới phức tạp của các đường theo dạng lưới, đê, ao và đền thờ chia thành các khối đều đặn. 

Người cho xây di tích

Vua Jayavarman II, theo Wikipedia, là một vị vua của Campuchia trong thế kỷ thứ 9, được công nhận rộng rãi như là người sáng lập vương quốc Khmer, cai trị phần lớn Đông Nam Á đại lục trên 600 năm.

Các sử gia trước đây cho rằng thời gian trị vì của ông từ khoảng năm 802-850, nhưng hiện nay nhiều học giả coi khoảng thời gian trị vì của ông từ năm 770-835. Theo các tài liệu trong đền Skok Dak Thom, ông sinh sống thuở nhỏ tại Java. Sau đó, ông quay lại Campuchia và tuyên bố mình là vua Jayavarman II của người Khmer, độc lập khỏi Java.

Nhờ thời gian ở Java, ông đã mang nghệ thuật và văn hóa triều đình Sailendran của Java về cho triều đình Khmer. Sau khi trở về nhà ở vương quốc Chân Lạp, ông nhanh chóng xây dựng thế lực của mình, đánh bại nhiều vị vua khác và năm 790 trở thành hoàng đế của vương quốc Khmer.

Trong những năm tiếp theo, ông đã mở rộng lãnh thổ của mình và cuối cùng thành lập kinh đô mới Hariharalaya gần thị xã Roluos của Campuchia ngày nay. Do vậy, ông đã đặt nền móng cho kinh đô Angkor trải dài đến 15km về phía tây bắc. Năm 802, ông tự xưng Chakravartin (vua thiên hạ) bằng một lễ đăng quang theo phong cách Ấn Độ giáo. Vua Jayavarman II mất khoảng năm 834-835 và được đặt thụy hiệu là Paramesvara - “chúa tể tối cao của Shiva”.

Theo VIỆT TOÀN - Tuổi Trẻ Online

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI