Phát hiện sớm ung thư hốc miệng: 100.000đ và 60 giây

17/12/2013 - 17:42

PNO - PN - Ung thư hốc miệng như: lưỡi, môi, nướu răng, niêm mạc miệng, sàn miệng, khẩu cái cứng, tam giác hậu hàm… chiếm đến ¼ ung thư vùng đầu mặt cổ và tỷ lệ tử vong rất cao do phát hiện trễ. Nay, chỉ cần 100.000đ, người bệnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Phat hien som ung thu hoc mieng: 100.000d va 60 giay

Bà Ph.Th.B. đang được bác sĩ tái khám sau khi phát hiện ung thư hốc miệng bằng xét nghiệm xanh toluidin

Nhanh chóng có kết quả

Trước đây, những bệnh nhân bị tổn thương vùng hốc miệng muốn biết có bị ung thư hay không phải tiến hành sinh thiết. Để có kết quả này, người bệnh mất nhiều thời gian và thường chỉ đi xét nghiệm khi có dấu hiệu tổn thương nặng, bệnh chuyển sang giai đoạn trễ. Hiện nay, người bệnh có thể tầm soát, phát hiện ung thư hốc miệng sớm bằng các kỹ thuật xét nghiệm mới như: xét nghiệm xanh toluidin, chải tế bào, đèn chiếu huỳnh quang. Và, chi phí xét nghiệm chỉ vài chục ngàn đến 100.000đ/mỗi xét nghiệm.

Bác sĩ (BS) Lâm Đức Hoàng, Phó khoa Xạ 3, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, giải thích: xanh toluidin là một loại thuốc nhuộm tạm thời trên mô với biểu hiện chỉ thị màu, hoàn toàn vô hại. Bước đầu, người bệnh được súc miệng bằng nước sạch và axit acetic để làm sạch miệng rồi mới được quét dung dịch toluidin vào vị trí thương tổn trong khoảng 30-60 giây. Nếu vùng bị tổn thương không bắt màu xanh thì bệnh nhân không bị ung thư. Ngược lại, nếu vị trí tổn thương xuất hiện màu xanh nhạt hay đậm, dù chỉ vài vết lấm tấm cũng cho thấy bệnh nhân có nguy cơ hoặc đã bị ung thư. Có hơn 95% trường hợp có độ nhạy khi xét nghiệm bằng xanh toluidin, nhưng trong đó có 65% trường hợp cho ra kết quả chính xác đã mắc bệnh ung thư.

Với kỹ thuật phát hiện nhanh tế bào ung thư hốc miệng bằng tia huỳnh quang thì cơ chế “bắt” được tế bào ung thư cũng tương tự như xét nghiệm xanh toluidin. Kỹ thuật viên sẽ sử dụng một loại máy có gắn đèn chiếu chùm tia huỳnh quang vào hốc miệng và sau khoảng 60 giây, bệnh nhân biết được có thể bị ung thư hay không. Thông thường, ở vị trí bị ung thư thì các sợi collagen sẽ có mật độ liên kết dày đặc. Khi chùm tia huỳnh quang chiếu vào, nếu niêm mạc có tổn thương biến thành màu nâu sẫm thì bệnh nhân có thể đã bị ung thư.

Về xét nghiệm chải tế bào, BS Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, BV Ung Bướu TP.HCM, cho biết: loại bàn chải y tế này nhỏ gọn với thân tròn bằng ruột bút bi. Lúc đầu, kỹ thuật viên sẽ làm ẩm bàn chải với nước, rồi áp bàn chải vào bề mặt tổn thương và xoay bàn chải từ năm-mười lần với lực vừa phải, đến khi thấy những điểm lấm tấm đỏ thì dừng lại. Lúc này, những tế bào ở vùng niêm mạc miệng bong ra và dính vào bàn chải. Kỹ thuật viên sẽ lăn bàn chải theo một chiều để trải tế bào lên lam kính thành một lớp mỏng. Và mẫu bệnh phẩm này sẽ cố định trong cồn 900 tối thiểu 30 phút. Tại khoa Giải phẫu bệnh, lam kính chứa các tế bào sẽ được nhuộm bằng chất Papanicolaou và do một BS giải phẫu bệnh đọc kết quả dưới kính hiển vi quang học thông thường. Sau 30 phút, BS sẽ biết được bệnh nhân có mắc ung thư hay không. Những tế bào bất thường có nhân tế bào tăng kích thước, tỷ lệ nhân và bào tương tăng lên, màng nhân thay đổi… Kết quả chải tế bào có độ nhạy cao đến 93% và những trường hợp này đều có độ chính xác mắc bệnh gần 100%.

Phat hien som ung thu hoc mieng: 100.000d va 60 giay

Chọn loại xét nghiệm nào?

BS Lâm Đức Hoàng khuyến cáo: ung thư hốc miệng là bệnh lý ác tính với số ca tử vong cao. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ gần 4/100.000 người, còn ở nam giới thì bệnh đứng hàng thứ sáu với tỷ lệ 5/100.000 người. Sở dĩ nhiều người Việt Nam mắc bệnh vì thói quen uống rượu, hút thuốc lá, nhai trầu còn phổ biến. Thống kê ở bệnh nhân cho thấy, trong số các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư hốc miệng thì nguyên do hút thuốc lá chiếm 88%, uống rượu 76%, nhai trầu 43%. Bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn trễ. Việc hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ chỉ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh hàng năm. Điều cốt lõi là phải tầm soát để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt với sự hỗ trợ từ các xét nghiệm chẩn đoán. Tuy nhiên, không nên xét nghiệm tràn lan. Đối tượng tầm soát, phát hiện bệnh sớm thường có vết lở loét kéo dài trên hai tuần, uống thuốc không hết. Sau khi khám và tư vấn, nếu có nghi ngờ, BS có thể cho bệnh nhân uống thuốc và theo dõi, hoặc cho bệnh nhân nhập viện và tiến hành xét nghiệm xanh toluidin, chải tế bào, chiếu tia huỳnh quang hoặc sinh thiết bệnh phẩm.

Xanh toluidin, chải tế bào, chiếu tia huỳnh quang là những phương pháp tầm soát, có giá trị trong việc theo dõi, gợi ý để chẩn đoán sớm ung thư hốc miệng. Các kỹ thuật này không xâm lấn, không gây đau, thực hiện nhanh, có thể làm được mọi nơi, kể cả BV tuyến quận/huyện nếu có trang bị đầy đủ máy móc, hóa chất xét nghiệm. Riêng xét nghiệm bằng cách giải phẫu bệnh vẫn là phương pháp vàng để xác định chính xác ung thư, nhưng phải mất nhiều ngày mới có kết quả. Do đó, ba phương pháp trên nhằm hỗ trợ cho kết quả giải phẫu bệnh thêm độ tin cậy và sớm có hướng điều trị. Thậm chí, có khi một trong ba phương pháp này lại cho ra kết quả ung thư mà giải phẫu bệnh không phát hiện. Nguyên nhân: lấy không đúng vị trí tế bào ung thư do vùng sang thương rộng hoặc khó lấy. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Ph.Th.B. (73 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) vừa được chẩn đoán ung thư hốc miệng, dù trước đó kết quả giải phẫu bệnh không phát hiện. Bà B. cho biết, bà có thói quen ăn trầu từ lúc 20 tuổi và cách đây hai tháng, niêm mạc má bên phải bị lở loét. BV Ung Bướu TP.HCM đã sinh thiết ba lần không tìm ra bệnh. Các BS vẫn nghi ngờ và tiếp tục gây mê để lấy một phần niêm mạc vùng tổn thương và cũng không cho ra kết quả. Sau khi hội chẩn, các BS quyết định dùng xét nghiệm xanh toluidin để tìm “thủ phạm”. Trong vòng 60 giây, vùng thương tổn xuất hiện những nốt sang thương bắt màu xanh. Dựa trên chính nốt xanh đó, BS lấy mẫu bệnh phẩm tại vùng này đem giải phẫu bệnh và đã cho ra kết quả ung thư.

Mỗi phương pháp xanh toluidin, chải tế bào, chiếu tia huỳnh quang cũng có những khuyết điểm, ưu điểm riêng. Vì vậy, tùy vào trường hợp mà BS sẽ cho chỉ định riêng lẻ hoặc kết hợp xét nghiệm xanh toluidin với chải tế bào. Hay như xét nghiệm chải tế bào, nếu trên lam kính có quá ít tế bào để chẩn đoán thì không thể kết luận. Còn mẫu bệnh phẩm xuất hiện có tế bào bất thường nhưng không đủ các tiêu chuẩn để kết luận ác tính thì chỉ xếp vào diện nghi ngờ. Lúc đó, phải nhờ đến phương pháp giải phẫu bệnh. Một số cơ sở y tế tại TP.HCM tầm soát được ung thư hốc miệng bằng các kỹ thuật này gồm: Bộ môn Răng miệng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, BV Răng Hàm Mặt TP và BV Răng Hàm Mặt Trung ương, BV Ung Bướu TP...

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI