Phát hiện phương pháp mới điều trị cho bệnh nhân bị ung thư não hiệu quả hơn

24/05/2023 - 18:38

PNO - Nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia từ trung tâm ung thư lớn nhất nước Mỹ được công bố trên tạp chí y khoa Nature Medicine cho thấy, có thể điều trị u nguyên bào thần kinh đệm (ung thư não) dựa trên phương pháp sử dụng virus đã được thiết kế đặc biệt, kết hợp với liệu pháp sử dụng kháng thể dòng đơn.

U nguyên bào thần kinh đệm (glioblastoma) là loại bệnh ung thư não xâm lấn, bệnh nhân thường chỉ có thời gian sống trung bình là 6 tháng; dù bệnh nhân điều trị được bằng xạ trị và hóa trị thì vẫn có nguy cơ tái phát cao – Ảnh: Neuroscience News
U nguyên bào thần kinh đệm (glioblastoma) là loại bệnh ung thư não xâm lấn, bệnh nhân thường chỉ có thời gian sống trung bình là 6 tháng và dù điều trị bằng xạ trị và hóa trị thì vẫn có nguy cơ tái phát cao - Ảnh: Neuroscience News

U nguyên bào thần kinh đệm (glioblastoma - GBM) là bệnh ung thư não xâm lấn rất nguy hiểm, bệnh nhân thường chỉ có thời gian sống trung bình là 6 tháng. Nếu sống sót, bệnh nhân cũng thường bị tái phát, kể cả khi đã xạ trị và hóa trị.

Nhóm chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu ung thư MD Anderson (thuộc Đại học Texas ở Hoa Kỳ) cùng các đồng nghiệp từ Đại học Toronto ở Canada đã sử dụng một cách tiếp cận khác, dựa trên 2 khái niệm chính: “oncolytic virus” và “pembrolizumab”.

“Oncolytic virus” là khái niệm chung chỉ những virus có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, được thiết kế lại để chuyên nhắm mục tiêu là các tế bào ung thư, trong nghiên cứu nói trên, các chuyên gia sử dụng virus DNX-2401. Còn “pembrolizumab” là kháng thể đơn dòng được tiêm tĩnh mạch nhằm kích thích miễn dịch chống ung thư.

Bác sĩ Frederick Lang - Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh của Trung tâm Nghiên cứu ung thư MD Anderson - cho biết, thử nghiệm liên quan đến việc sử dụng virus DNX-2401 nhắm mục tiêu có chọn lọc và xâm nhập các tế bào ung thư GBM, kích hoạt phản ứng miễn dịch chống khối u.

Theo ông Lang, thử nghiệm cho thấy kết quả rất khả quan. Trước nghiên cứu, nhóm chuyên gia chỉ định tỉ lệ sống sót chỉ ở ngưỡng hiệu quả là 20%. Tỉ lệ bệnh nhân bị GBM tái phát sống sót đã đạt tỉ lệ 52/7% sau 12 tháng điều trị, vượt xa giới hạn kỳ vọng. Có 3 bệnh nhân vượt cửa tử sau tổng thời gian điều trị lần lượt là 45, 48 và 60 tháng.

Theo dữ liệu nghiên cứu, sự kết hợp giữa virus DNX-2401 và kháng thể tiêm tĩnh mạch cho thấy tiến triển lâm sàng tích cực ở hơn một nửa số bệnh nhân, có người giảm được đáng kể khối u. Nghiên cứu cũng đáp ứng được tiêu chí an toàn và không cho thấy tác dụng phụ của việc sử dụng virus.

Bác sĩ Frederick Lang cho biết: “Liệu pháp virus này là một cách tiếp cận khác với tiêu chuẩn điều trị ung thư hiện tại. Thử nghiệm trước đây của chúng tôi đã chứng minh rằng, virus không chỉ hoạt động bằng cách trực tiếp tiêu diệt tế bào ung thư mà còn kích hoạt hiệu quả hệ thống miễn dịch bẩm sinh, từ đó chuyển đổi các khối u lạnh miễn dịch này thành khối u nóng”.

Nhóm nghiên cứu gồm bác sĩ Frederick Lang, Juan Fueyo và Candelaria Gomez-Manzano, đều là các chuyên gia về ung thư thần kinh. Họ là những người đã phát minh ra virus DNX-2401, vốn là virus cảm lạnh được thiết kế để nhắm mục tiêu có chọn lọc và xâm nhập các tế bào ung thư GBM, trong khi tránh các tế bào bình thường.

Nhóm chuyên gia đã chứng minh được liệu pháp “virus thông minh” có hiệu quả trong việc loại bỏ các tế bào GBM và kích hoạt phản ứng miễn dịch. Cụ thể, trong các kết quả thử nghiệm trước đó, liệu pháp đơn trị sử dụng DNX-2401 đã gây chết tế bào ung thư một cách hiệu quả và thay đổi môi trường vi mô, tăng cường xâm nhập tế bào T, dẫn đến phản ứng miễn dịch chống khối u.

Bác sĩ Fueyo cho biết: “Thủ thuật truyền virus vào khối u não của bệnh nhân là một ngành khoa học đột phá. Chiến lược điều trị này nhằm mục đích đánh thức hệ thống miễn dịch của bệnh nhân và kích hoạt quá trình chữa lành từ bên trong”. Vị chuyên gia này khẳng định liệu pháp mới không gây ra tác dụng phụ như hóa trị hoặc xạ trị.

Nhóm chuyên gia cho biết, nghiên cứu được thực hiện trên 49 bệnh nhân mắc GBM tái phát, trong khoảng thời gian từ ngày 28/9/2016 đến ngày 17/1/2019. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 53 tuổi, trong đó 41% là phụ nữ.

Trong số 56,2% bệnh nhân có tiến triển tích cực, có 5 bệnh nhân có phản ứng như kỳ vọng và 2 bệnh nhân giảm được khối u tới 80% trở lên sau 6 tháng theo dõi. Sau 18 tháng, 2 người này hoàn toàn đáp ứng việc điều trị, đồng thời không có dấu hiệu tế bào ung thư phát triển trở lại.

Bác sĩ Gomez-Manzano cho biết, kết quả rất ấn tượng này đã thúc đẩy nhóm chuyên gia tiếp tục thử nghiệm các phương pháp khác để đưa nhiều “virus thông minh” hơn đến khối u. Các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai có thể sẽ kết hợp cả thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch hoặc liệu pháp tế bào CAR-T, trọng tâm vẫn là virus DNX-2401.

Trường An (theo Neuroscience News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI