|
Phong tỏa nghiêm ngặt khu vực đường Vườn Chuối, đường Nguyễn Thượng Hiền (thuộc P.4, Q.3, TPHCM) sau khi phát hiện 37 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 |
Đã tìm thấy “F0 lang thang” nhiều hơn
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM) khẳng định, số ca nhiễm được phát hiện nhiều hơn chứng tỏ công tác truy vết đang rất hiệu quả: “Con số hiện nay gần như là con số F0 thật đang có tại khu vực đó. Về mặt dịch tễ, đối với các bệnh truyền nhiễm, nếu truy vết tại cơ sở y tế được một ca thì ngoài cộng đồng đã có tám ca. Chúng ta đang truy vết ngay trong cộng đồng và tỷ lệ vét cho ra con số cao gần đúng với thực tế, có thể nói gần như 1:1, giúp cho cơ quan phụ trách công tác phòng, chống dịch của khu vực đó chỉ cần quan tâm khoanh vùng các F1, F2”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu ví dụ, khi TPHCM thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch, đã tìm thấy ngay 37 ca dương tính “lang thang” ở khu vực đường Vườn Chuối và Nguyễn Thượng Hiền, Q.3, thực hiện ngay việc phong tỏa khu dân cư, cách ly, điều trị F0 và tìm thấy nhiều F1 hơn để ngăn chặn:
“Khi phát hiện số ca mắc nhiều như vậy thì nên mừng vì chiến lược có hiệu quả với mục tiêu ban đầu là phát hiện nhiều F0 hơn. Nếu không lấy được con số thật của F0 trong khu vực thì hậu quả lây nhiễm sẽ tăng lên rất nhanh qua từng ngày chậm trễ. Tóm lại, nhiều vậy là tin tốt. Thật sự, việc truy vết “F0 lang thang” bắt đầu hiệu quả và càng cho thấy nếu mỗi người dân mà lơ là trong tuân thủ 5K, sẽ có nguy cơ biến thành F0 ngay lập tức rồi lây cho cả nhà, cả xóm”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Quang Vinh (Trường đại học Y Dược TPHCM) cũng đồng quan điểm. Ông lấy ví dụ về Campuchia. Họ có số xét nghiệm bình quân gần 82.000 ca trên 1 triệu dân, còn Việt Nam là bình quân gần 86.000 test/1 triệu dân. Nhưng số ca dương tính được phát hiện của hai nước chênh lệch khá lớn. Campuchia mỗi ngày có gần 1.000 ca mắc mới, trong khi Việt Nam có khoảng hơn 260 ca/ngày. Số ca dương tính được ghi nhận thấp hơn đáng kể so với nước bạn là một dấu hiệu của hy vọng, nhưng ngược lại, trong giai đoạn này, càng phát hiện ra nhiều F0, càng có giá trị trong công tác dập dịch.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc phát hiện số F0 sát thực tế là điều đáng mừng. Vào lúc này, ngoài việc rà soát lại năng lực cách ly, cần phải quan tâm đến năng lực điều trị khi số ca F0 được tìm thấy nhiều hơn. Nếu vẫn “ôm hết” vô khu cách ly 21 ngày là không đúng khoa học vì cho tới hiện nay, thế giới vẫn áp dụng 14 ngày. Ngoài ra, khi số lượng F0 “bắt được” tăng lên, F1 và F2 tương ứng cũng nhiều hơn thì phải tính đến việc tránh quá tải cho khu cách ly và không thể cứ theo phương thức “bắt lầm hơn bỏ sót” được nữa. Truy vết tốt, kết hợp phân tích F1, nếu F1 âm tính thì có thể giải phóng F2 ngay.
Ông lưu ý: “Hiện nay, chúng ta đã bắt đầu áp dụng cách ly F1 tại nhà. Trong số F1, phải xác định được nguy cơ thấp hay cao để nếu F1 này không dương tính thì không bàn đến F2 nữa. Chúng ta phải có chiến lược phân tích để tránh quá tải cho cả chuỗi chống dịch phía sau. Càng ôm càng nặng vì hiện nay F0 bắt đầu nhiều rồi”.
|
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho thí sinh để kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM diễn ra an toàn - Ảnh: Tam Nguyên |
Phải giãn cách nghiêm ngặt hơn
Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đối với khối điều trị, phải phân định nhóm F0 không triệu chứng, nhóm F0 ít nguy cơ về bệnh lý nền hoặc ít nguy cơ chuyển nặng, có chế độ theo dõi khác nhau để dồn sức cho nhóm bệnh nặng, có thể trở nặng. Điều này giúp tránh phí sức của nhân viên y tế.
Mới đây, Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức) phát hiện 119 ca nhiễm COVID-19. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, đối với nhà máy, xí nghiệp, cần có phương án để khi có ca mắc, phải xác định được ngay phân xưởng nào vừa cách ly vừa hoạt động, phân xưởng nào tuyệt đối dừng hẳn. Giữa mỗi phân xưởng, không được để công nhân tiếp xúc, gặp nhau vì sẽ gây khó khăn cho việc truy vết.
Ông Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, TPHCM không còn chọn lựa nào tốt hơn là phải tiếp tục giãn cách và thực hiện nghiêm ngặt hơn. Ông lấy ví dụ, Israel vừa cho “mở cửa”, liền quyết định đóng cửa ngay khi đối mặt với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Israel là quốc gia phủ vắc-xin nhanh và sớm nhất thế giới, họ cũng đã dỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang bắt buộc, nhưng chỉ một tuần sau, nước này ghi nhận 200 ca nhiễm mới trong một ngày với 90% nhiễm biến thể Delta.
Ông Bùi Quang Vinh cho hay, theo số liệu từ Public Health England, biến thể Delta có chỉ số lây nhiễm (reproduction ratio R0) là 5-6, là chỉ số khá cao so với các biến thể khác có chỉ số R0 chỉ ở mức 2-3. Nghĩa là, cứ mỗi người bị nhiễm biến thể Delta thì có thể lây cho 5-6 người khác. Các nghiên cứu từ Anh cũng cho biết, biến thể Delta tăng xác suất lây nhiễm đến 64% so với các biến thể trước, đặc biệt là môi trường trong nhà (indoor). Một nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa lâu đời và uy tín nhất thế giới The Lancet cũng cho kết quả nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân nhiễm biến thể Delta cao hơn các biến thể khác 85%.
“Nói cách khác, cứ 100 người bị nhiễm các biến thể khác thì có 15 người nhập viện, trong đó 5 người phải điều trị tích cực trong ICU và sau đó 2 người sẽ tử vong. Còn với biến thể Delta, cứ 100 người thì có đến 28 người nhập viện và chưa biết số phải theo dõi tích cực, thở máy, tử vong là bao nhiêu. Vì vậy, TPHCM không thể không tính các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn” - ông Bùi Quang Vinh nêu quan điểm.
Các di chứng tồn tại lâu sau khi nhiễm COVID-19
Theo một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận FAIR Health, qua theo dõi hồ sơ bảo hiểm y tế của gần 2 triệu người Mỹ nhiễm COVID-19 vào năm 2020, một tháng sau khi khỏi bệnh hoặc có thể hơn, 23% trong số này tiếp tục xuất hiện các vấn đề mới về sức khỏe. Tình trạng này xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em. Các vấn đề sức khỏe phổ biến sau khi nhiễm và khỏi COVID-19 là đau thần kinh và cơ, khó thở, cholesterol cao, cơ thể mệt mỏi và huyết áp cao. Nghiên cứu cũng cho thấy, các vấn đề trên xuất hiện ở cả những người không có triệu chứng khi bị nhiễm virus trước đó.
|
TPHCM sẽ thực hiện cách ly linh hoạt hơn
Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ ngày 4/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết để đẩy mạnh năng lực xét nghiệm, thành phố triển khai thành lập Trung tâm điều hành xét nghiệm COVID-19, chỉ đạo thành lập các tổ xét nghiệm tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức; đàm phán mua 1,4 triệu test nhanh kháng nguyên; tập trung khắc phục hạn chế về tổ chức, năng lực và đội ngũ xét nghiệm. Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho TPHCM 2 triệu test nhanh kháng nguyên và máy xét nghiệm PCR cùng đội ngũ chuyên viên kỹ thuật vận hành máy.
TPHCM sẽ thực hiện cách ly linh hoạt, thí điểm cách ly F1 tại nhà theo công thức 14-14 (14 ngày cách ly tập trung, 14 ngày cách ly tại nhà) dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế. TPHCM tổ chức cho 43 doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghệ cao vừa sản xuất vừa cách ly tại chỗ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành lập 100 tổ kiểm tra hướng dẫn an toàn phòng, chống dịch tại các điểm trên, đẩy mạnh lấy mẫu test nhanh tại doanh nghiệp.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo, trong thời gian tới số ca mắc tại TPHCM sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu làm tốt và quyết liệt các biện pháp, thành phố có thể kiểm soát dịch trong 7 ngày tới. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, dịch bệnh hiện nay trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, khó lường, dù siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhưng TPHCM vẫn chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh.
Trong đợt dịch thứ tư kéo dài ngày 27/4 đến nay, TPHCM có tổng cộng 6.034 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong thời gian tới, việc xét nghiệm và truy vết, khoanh vùng tại TPHCM sẽ được tổ chức lại khoa học, nhịp nhàng hơn, theo phương châm thực hiện trật tự, huy động người dân theo hộ, theo tổ, cuốn chiếu.
Hiếu Nguyễn
|
Quốc Ngọc