Phát hiện loại vi khuẩn ăn chế phẩm nhựa độc hại

28/03/2020 - 14:58

PNO - Các nhà khoa học vừa tìm thấy một loại vi khuẩn có thể "tiêu hóa" rác thải nhựa.

Các nhà khoa học cho biết, vi khuẩn này có khả năng phá vỡ cấu trúc của polyurethane, dạng vật liệu được sử dụng vô cùng rộng rãi nhưng lại hiếm khi được tái chế, theo The Guardian.

Hàng triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm để sử dụng cho các mặt hàng như giày thể thao, tã lót, bọt biển nhà bếp và mút xốp, nhưng vì khó tái chế, chúng được chuyển thẳng tới các bãi rác hoặc bãi phế liệu sau khi không còn giá trị sử dụng. Khi các rác thải nhựa này rã ra, chúng đồng thời giải phóng nhiều loại chất độc hại và chất gây ung thư, tiêu diệt hầu hết mọi vi khuẩn. 

Rác thải nhựa gây nguy hại đến môi trường và sức khoẻ con người
Rác thải nhựa gây nguy hại đến môi trường và sức khoẻ con người

Tuy nhiên, chủng vi khuẩn mới, được phát hiện ở một bãi phế liệu, lại có khả năng sống sót và thậm chí có thể “tiêu hóa” cả polyurethane. Các nhà khoa học hiện đã xác định được một số đặc trưng cốt lõi của loại vi khuẩn nói trên, nhưng để áp dụng chúng vào thực tiễn trong công cuộc chống rác thải nhựa thì vẫn còn phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu.

“Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tái sử dụng các sản phẩm polyurethane vốn rất khó tái chế,” ông Hermann Heipieper, thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz - UFZ, cho hay. Ông cũng cho biết thêm, loại vi khuẩn này phải cần đến khoảng 10 năm nữa mới có thể đưa vào sử dụng, và điều quan trọng cần làm vẫn là cắt giảm tối đa lượng nhựa trong môi trường, nhất là các loại nhựa khó tái chế.

Phương Uyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI