Phát hiện hé lộ sự tàn bạo từ môn thể thao đẫm máu của người La Mã cổ đại

25/04/2025 - 10:59

PNO - Một phân tích mới từ bộ xương của một đấu sĩ La Mã được khai quật ở York (Anh) đã tiết lộ bằng chứng đầu tiên, cho thấy những trận chiến sống còn giữa người và thú dữ không chỉ diễn ra tại Đấu trường Colosseum ở Rome. Những cuộc chiến đẫm máu còn hiện diện ở các vùng xa xôi của đế chế, như thành cổ Eboracum – nay là York.

Theo nhóm khảo cổ học, xương chậu của người đàn ông trong độ tuổi 26–36 mang dấu vết bị cắn bởi một loài thú lớn, nhiều khả năng là sư tử Barbary. Điều này cho thấy người này có thể là một Bestiarius - đấu sĩ được huấn luyện để đối đầu với thú dữ trong các buổi trình diễn đẫm máu. Hài cốt được phát hiện tại khu vực được cho là nghĩa trang đấu sĩ ở Driffield Terrace.

Giáo sư Tim Thompson - chuyên gia pháp y dẫn đầu nghiên cứu - cho biết, phát hiện này “định hình lại nhận thức của chúng ta về văn hóa giải trí của người La Mã cổ đại tại Anh” – nơi từng chịu sự cai trị của triều đại Severan, được cho là đã mang theo động vật hoang dã từ châu Phi.

Một tổn thương được tìm thấy ở xương chậu trái của người đàn ông
Tổn thương được tìm thấy ở xương chậu trái của người đàn ông

Điều đặc biệt là vết cắn nằm ở phần hông, không phải vị trí thông thường sư tử tấn công, khiến các nhà nghiên cứu tin rằng đấu sĩ đã bị thương, bất lực và bị kéo lê bởi con thú dữ trước khi mất mạng.

Khi giải trí và bạo lực giao thoa

Phát hiện này một lần nữa cho thấy ranh giới mỏng manh giữa giải trí và bạo lực trong lịch sử nhân loại. Nếu ngày nay, các môn thể thao đối kháng vẫn gây tranh cãi, thì thời La Mã, mạng sống con người từng được hiến dâng cho công chúng vì mục đích tiêu khiển.

Hài cốt của một người đàn ông ở độ tuổi từ 26 đến 36 khi chết
Hài cốt của một người đàn ông ở độ tuổi từ 26 đến 36

Đối chiếu với hiện tại, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng cảnh báo rằng các nội dung kích thích cảm xúc mạnh – từ phim ảnh đến trò chơi bạo lực – vẫn đang là "đấu trường mới" trên nền tảng số.

Việc khám phá lại lịch sử không chỉ giúp hiểu về quá khứ, mà còn là cơ hội để chúng ta đặt câu hỏi về giá trị con người trong thời hiện đại.

Thảo Nguyên (theo Euronews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI