Phát hiện hàng chục con rùa đầu to, tê tê trong nhà dân

06/04/2023 - 08:51

PNO - Ngày 6/4, lãnh đạo Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) cho biết vừa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tiếp nhận cứu hộ 59 cá thể rùa đầu to.

Hàng chục con rùa đầu to được phát hiện trong nhà người dân - Ảnh: Khánh Trung
Hàng chục con rùa đầu to được phát hiện trong nhà người dân - Ảnh: Khánh Trung

Toàn bộ số động vật trên do Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ, tịch thu khi đang được vận chuyển trái phép trên địa bàn huyện Diễn Châu.     

Tối 2 ngày trước, công an phát hiện một người dân xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu) đang vận chuyển trái phép 34 cá thể rùa đầu to. Khám xét nhà riêng của người này, phát hiện thêm 25 con rùa đầu to còn sống, một số con khác đã chết, 3 con tê tê đã bị lấy hết vảy và nội tạng. Số động vật này được đối tượng thu mua từ nhiều đầu mối, đem về cất giữ trong nhà.

Tất cả số rùa trên đã được chuyển giao tới trung tâm cứu hộ Vườn Quốc gia Pù Mát để cứu hộ và chăm sóc. Những con rùa đầu to này hiện khá yếu, có nhiều con bị thương.

Cuối năm 2022, Vườn Quốc gia Pù Mát cũng đã tiếp nhận 68 cá thể rùa đầu to từ Công an tỉnh Nghệ An. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đang chăm sóc, phục hồi 127 con rùa đầu to.

Anh Đặng Thanh Tuấn - nhân viên chăm sóc tại trung tâm cứu hộ Vườn Quốc gia Pù Mát - cho biết, chế độ chăm sóc rùa đầu to tốn nhiều thời gian và nhân lực. Những con rùa này cần được sưởi nắng, thường xuyên vệ sinh mai yếm và chuồng nuôi để tránh bị viêm loét da, nấm da. Nhiệt độ chuồng nuôi cần được đảm bảo ổn định từ 22-27 độ C. 

Ngoài ra, rùa đầu to được cho ăn 2 ngày 1 lần với các loại thức ăn cá, giun, cua, lượng ăn từ 3-5% trọng lượng cơ thể rùa. Trung bình mỗi lần 127 cá thể này ăn khoảng 3-4kg cá nhỏ. 

Bác sĩ thú y kiểm tra, chăm sóc cho đàn rùa đầu to - Ảnh: Khánh Trung
Bác sĩ thú y kiểm tra, chăm sóc cho đàn rùa đầu to - Ảnh: Khánh Trung

Dự kiến, sau khi được thu mẫu di truyền và bệnh phẩm phân tích nhằm xác định phụ loài và sàng lọc những cá thể mang bệnh truyền nhiễm, các cá thể này sẽ đủ điều kiện để tái thả về tự nhiên.

Rùa đầu to là loài động vật hoang dã phân bố rộng ở lưu vực suối trong các khu vực rừng núi đá vôi, tuy nhiên số lượng lại hạn chế do đặc tính sinh sản. Hiện nay số lượng rùa đầu to đang suy giảm nghiêm trọng do rừng nguyên sinh mất dần và đặc biệt là do tình trạng săn bắt quá mức để mua bán, trao đổi với nước ngoài. 

Rùa đầu to thuộc nhóm IB theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI