Phát hiện đười ươi biết dùng thuốc lá để chữa trị vết thương

03/05/2024 - 17:14

PNO - Một cá thể đười ươi Indonesia thể hiện hành vi chưa từng có tiền lệ: con vật biết dùng lá thuốc để tự chữa vết thương hở.

Đười ươi Rakus đã dùng lá của cây nho leo liana, có đặc tính chống viêm và giảm đau — Ảnh: Press Association
Đười ươi Rakus đã dùng lá của cây nho leo liana, có đặc tính chống viêm và giảm đau — Ảnh: Press Association

Viện Hành vi động vật Max Planck ở Đức vừa công bố phát hiện mới về đười ươi: một cá thể ở đảo Sumatra, Indonesia đã dùng lá của loài dây leo Fibraurea tinctoria để chữa vết thương hở, theo báo The Guardian đưa tin ngày 3/5.

Tiến sĩ Caroline Schuppli, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết rằng đây không phải là lần đầu tiên người ta phát hiện động vật hoang dã tự cứu chữa.

Trước đó, đã có người thấy đười ươi Bornean nhai lá cây rồi xoa lên tay và chân, loại lá được con người dùng điều trị đau cơ. Tinh tinh cũng được ghi nhận đã nhai cây để chữa giun sán và bôi côn trùng vào vết thương.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên con người thấy một loài động vật hoang dã điều trị vết thương hở bằng thảo mộc có thể chữa bệnh.

Nhóm của tiến sĩ Schuppli đã theo dõi một con đười ươi Sumatra đực tên là Rakus. Họ nhận thấy nó có vết thương trên mặt, có thể là kết quả của trận giao tranh với con đực khác. Nhóm tiếp tục quan sát và phát hiện: 3 ngày sau, Rakus ăn thân và lá của dây leo Fibraurea tinctoria, có tính kháng khuẩn, chống viêm.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “13 phút sau khi Rakus nhai dây leo, nó dùng ngón tay bôi trực tiếp nước ép dây leo từ miệng lên vết thương trên mặt”. Trong vòng 5 ngày, vết thương trên mặt Rakus đã khép miệng, rồi lành lại trong vòng vài tuần, chỉ còn vết sẹo nhỏ.

Tiến sĩ Schuppli cho biết, nghiên cứu này giúp chúng ta nhìn lại chính quá trình con người dùng thảo mộc chữa bệnh, phương pháp điều trị lần đầu tiên được đề cập trong bản thảo y học từ năm 2200 trước Công Nguyên.

Nhóm chuyên gia vẫn chưa rõ liệu Rakus đã tự mình tìm ra điều này, hay học nó từ đười ươi khác, dù hành vi này chưa được thấy ở bất kỳ cá thể nào khác trong khu vực.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI