Phát hiện chùm ca bệnh quai bị tại trường tiểu học

06/11/2016 - 08:20

PNO - Tính đến cuối ngày 3/11, tại cơ sở 2 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) có 13 học sinh mắc bệnh quai bị.

Tính đến cuối ngày 3/11, tại cơ sở 2 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) có 13 học sinh mắc bệnh quai bị. Khởi phát ngày 26/10, theo ghi nhận, lớp 4/3 có bảy học sinh mắc bệnh, lớp 3/8 có bốn học sinh, hai lớp 4/4 và 3/8 mỗi lớp có một học sinh mắc bệnh. Trong đó có học sinh đã chích ngừa vắc-xin.

Bác sĩ Tống Văn Đức, Phó giám đốc Trung tâm (TT) Y tế dự phòng Q.3 cho biết, ngay sau khi phát hiện chùm ca bệnh, TT cử bác sĩ, nhân viên phòng dịch đến trường phun thuốc khử trùng, hướng dẫn cách phòng lây bệnh; khám, kiểm tra sức khỏe cho học sinh, yêu cầu phụ huynh cho các em nghỉ học nếu có dấu hiệu mắc bệnh.

Phat hien chum ca benh quai bi tai truong tieu hoc
Ảnh minh họa.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TT Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, bệnh quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do vi rút quai bị) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua nước bọt, ăn uống, qua đường hô hấp… dễ gây thành dịch. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng bị sưng, cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm vi-rút quai bị không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, có khả năng lây truyền bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải thích: Với trẻ nhỏ trên 12 tháng tuổi, vắc-xin ngừa quai bị sẽ được tiêm một liều cơ bản và chích nhắc lại lúc 4-12 tuổi; riêng trẻ lớn và người lớn chỉ được tiêm một mũi.

Trong trường hợp trẻ đã chích vắc-xin nhưng vẫn bị bệnh có thể do lúc nhỏ trẻ chỉ chích một liều hoặc ngay cả khi đã chích đủ vắc-xin thì ở một số cá thể, cơ thể sẽ không tạo ra được miễn dịch, nên không thể ngừa được bệnh. Nếu ổ dịch xảy ra ở các trường mà có bé trai chưa dậy thì đang theo học thì phụ huynh không nên quá lo lắng vì bệnh chỉ ảnh hưởng đến người lớn và bé trai đã dậy thì (thường 13 tuổi trở lên); tuy nhiên biến chứng teo tinh hoàn xảy ra rất ít và teo tinh hoàn cả hai bên để gây vô sinh càng ít hơn.

Do đó, việc chích ngừa lại vắc-xin quai bị nếu gia đình sợ bệnh nhi bị nhiễm quai bị từ bạn bè sẽ không cần thiết. Còn với những bé trai đang và đã dậy thì sống, học tập ở trong ổ dịch nếu chưa chích vắc-xin ngừa quai bị thì nên chích và phải chích trong vòng 72 giờ khi có người bị bệnh. Nếu chích trễ hơn thì có khả năng đã nhiễm bệnh và việc chích ngừa coi như không hiệu quả!

Thanh Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI