Phát hiện cá thể rùa cái ở Việt Nam mang lại hy vọng lớn cho giới khoa học quốc tế

02/01/2021 - 13:24

PNO - Kết quả phân tích DNA của cá thể rùa phát hiện vào cuối năm 2020 tại hồ Đồng Mô (Hà Nội) đã mang lại nhiều niềm vui và hy vọng cho các nhà khoa học quốc tế trong việc cứu loài rùa quý hiếm này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Ngày 18/12/2020, các nhà khoa học đến từ trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố kết quả phân tích gen cho thấy, cá thể rùa cái nặng 86 kg được bẫy bắt vào tháng 10 năm 2020 tại hồ Đồng Mô (Hà Nội) chính là loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm.

Kết quả phân tích gene cho thấy, cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10.2020 là loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) hay Rùa Hoàn Kiếm, loài rùa mai mềm đang gần bên bờ tuyệt chủngcá thể rùa được bắt ở hồ Đồng Mô là rùa cái thuộc loài - Ảnh: WCS Việt Nam
Kết quả phân tích gene cho thấy, cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10/2020 tại hồ Đồng Mô là loài Giải Sin-hoe, loài rùa mai mềm đang trên bờ vực tuyệt chủng - Ảnh: WCS Vietnam

Theo các chuyên gia, đây là loài rùa mai mềm quý hiếm đang trên bờ vực tuyệt chủng bởi số lượng cá thể còn sót lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tờ The Guardian cho biết, cá thể rùa đực mai mềm duy nhất thuộc loài Giải Sin-hoe còn sót lại và được các nhà khoa học ghi nhận đến thời điểm hiện tại đang được nuôi tại vườn thú Tô Châu (Trung Quốc).

“Chàng rùa khổng lồ này sẽ không còn phải sống cảnh cô đơn lẻ loi trên cõi đời nữa bởi một cô rùa cùng dòng giống với mình vừa xuất đầu lộ diện ở Việt Nam”, tờ The Guardian bình luận trên bài báo xuất bản hôm 01/01/2021.

Giới khoa học cũng bày tỏ niềm vui mừng với phát hiện đầy may mắn này.

“Đây được xem là tin tốt lành nhất đối với ngành bảo tồn rùa ở quy mô toàn cầu, không chỉ cho năm 2020 mà là cả thập kỷ vừa qua”, ông Andrew Walde, Giám đốc điều hành Liên minh bảo tồn rùa (TSA) có trụ sở tại Mỹ bày tỏ.

Rùa được xem là một trong bốn loài vật linh thiêng trong suy nghĩ của người Việt Nam. Đây là một bức tranh vẽ của trẻ em mô tả lại sự kiện lịch sử có liên quan đến rùa Hoàn Kiếm - Ảnh: ATP/IMC
Với người Việt, rùa là một trong tứ linh. Đây là bức tranh vẽ của trẻ em mô tả lại sự kiện lịch sử có liên quan đến rùa Hoàn Kiếm - Ảnh: ATP/IMC

Trước đây, loài rùa đặc biệt này vốn không xa lạ với người dân ở các khu vực thuộc Đồng bằng sông Hồng (Việt Nam). Tuy nhiên, từ những năm 1970, chúng đã bị săn bắt mạnh mẽ với mục đích lấy thịt và trứng phục vụ nhu cầu thực phẩm của con người. Cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường và sự bùng nổ của quá trình đô thị hóa với việc lấy đất nông nghiệp cho xây dựng, môi trường sống của loài rùa khổng lồ này ngày càng bị thu hẹp, và đến nay, chúng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Trong một thông cáo báo chí mới đây, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia tổ chức WCS cho biết: “Với một năm tràn ngập tin xấu và những nỗi buồn bao phủ khắp toàn cầu, sự kiện phát hiện cá thể rùa cái có thể mang lại một vài hy vọng cho việc bảo tồn sự sống đối với loài vật sắp bị tuyệt chủng này”.

Theo bà Thủy, loài rùa mai mềm này được chính phủ Việt Nam đưa vào danh mục nguy cấp cần bảo vệ từ năm 2013. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài trước đó, chúng bị con người đánh bắt để lấy thịt làm thức ăn cho gia đình. Riêng trứng rùa được chế biến thành loại trứng muối đặc biệt dùng như một loại thuốc trị bệnh tiêu chảy mà người dân địa phương rất tin tưởng sử dụng.

“Rùa là loài vật có vị trí tích cực trong truyền thuyết và lịch sử của người Việt Nam. Vì vậy, có thể đây chính là cơ hội cho sự tồn tại của loài vật huyền thoại này”, ông Doug Hendrie, Điều phối chương trình Rùa châu Á thuộc Vườn thú Hoa Kỳ bày tỏ sự tin tưởng với tờ Reuters.

Ca thể rùa cái mai mềm khổng lồ ở vườn thú Tô Châu đã chết vào tháng 4/2019 khiến loài rùa đặc biệt này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng cao - Ảnh: Suzhou Daily/SCMP
Cá thể rùa cái mai mềm khổng lồ ở vườn thú Tô Châu đã chết vào tháng 4/2019 khiến loài rùa này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng cao - Ảnh: Suzhou Daily/SCMP

Trước khi phát hiện cá thể Giải Sin-hoe cái lần này ở Việt Nam, một cá thể rùa mai mềm cái khác đã được các nhà khoa học nhiều lần tìm cách ghép đôi với một cá thể rùa đực tại vườn thú Tô Châu (Trung Quốc) vào năm 2008 nhưng không thể sản sinh được các cá thể rùa con theo cách tự nhiên. Đến tháng 4/2019, cá thể rùa cái cuối cùng của thời điểm đó đã chết sau khi bị gây mê để thụ tinh nhân tạo. Điều đó khiến các nhà bảo tồn rùa lo lắng loài rùa này có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Timothy McCormack, Giám đốc chương trình Rùa châu Á cho biết: “Việc xác định được giới tính của cá thể rùa mai mềm vừa phát hiện mới đây tại Việt Nam đã giúp chúng tôi có thể xây dựng một kế hoạch rõ ràng cho những bước đi tiếp theo”.

Phát hiện loài Giải Sin-hoe ở Việt Nam mang lại nhiều hy vọng cho các nhà khoa học đối với công cuộc bảo tồn loài rùa quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng này - Video: BBC UK

 Nguyễn Thuận

(Theo Guardian, Reuters, TSA, WCS, GWC)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI