|
Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây 4 năm |
Sự cố trao nhầm trẻ sơ sinh hi hữu cách đây 4 năm xảy ra tại Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa đang thu hút sự quan tâm từ dư luận.
Bốn năm nuôi nhầm con của người khác, cả 2 gia đình đều không hề hay biết. Hiện tại, một gia đình đang sinh sống tại TP. Thanh Hóa và một gia đình chuyển vào TP. Đà Nẵng lập nghiệp.
Được biết, hai gia đình đang ở trong giai đoạn gần gũi nhau để rút ngắn khoảng cách về tình cảm giữa hai người con và bố mẹ đẻ của các bé. Qua đó, mỗi gia đình đều cố gắng kết thân, tăng tình cảm để các cháu quen với môi trường mới.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, việc trao đổi lại con sau hơn 4 năm không gặp gỡ, khi mà các cháu sinh ra và lớn lên ở hai hoàn cảnh, cách giáo dục và môi trường sống khác nhau liệu có ảnh hưởng đến tương lai và sự phát triển sau này của các cháu hay không.
Tuyệt đối cẩn trọng
Ngày 27/6, trao đổi vấn đề này với báo Phụ nữ TP HCM, chuyên gia Tâm lý Phạm Hiền cho rằng, việc trao đổi lại con sau sự cố nhầm lẫn trong quá trình sinh đẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ nhỏ nếu như bố mẹ không chú ý, quá vồ vập và nóng vội giải quyết vấn đề.
Với những đứa trẻ có cá tính nhẹ, nhút nhát, kém sôi nổi thì sẽ dẫn đến tình trạng các bé vì nhớ bố mẹ mà khóc lóc. Thậm chí, chúng tự thu mình lại và không muốn tiếp xúc với ai, câm lặng không nói vì hoang mang, lo sợ. Lâu dần sẽ xảy ra những sang chấn về mặt tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển sau này của trẻ.
Với đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ, sôi nổi cũng sẽ nhớ bố mẹ nhưng lại dễ cuốn vào các cuộc chơi, chúng sẽ nhanh quên hơn nên mức ảnh hưởng tâm lý sẽ ít hơn một chút.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, đối với trường hợp của hai gia đình nêu trên thì bố mẹ cần phải giữ được sự bình tĩnh, không nóng vội, bắt ép con của mình phải thích nghi ngay lập tức với môi trường sống mới.
Cần có sự khéo léo và tế nhị, tạo cho các con một cái nhìn và suy nghĩ rằng hai gia đình như một, ai cũng là bố mẹ và con ở với ai cũng được. Lâu dần, các bé sẽ quen với việc thân thiết với gia đình đích thực của mình, từ đó tạo nền tảng cho việc trao đổi sau này.
Xây dựng mối liên kết
Đề cập đến vấn đề tạo dựng một môi trường sống phù hợp nhất để có thể thu hẹp khoảng cách, hàn gắn tình cảm giữa cha mẹ và con của họ khi bắt đầu một cuộc sống mới, chuyên gia Tâm lý Phạm Hiền nhấn mạnh:
Trước hết, khi phát hiện ra sự việc nhầm con, chúng ta không nên ấn định luôn việc con nào phải về nhà đó. Hãy chỉ người lớn biết với nhau và tạo sợi dây liên kết tình cảm dần dần giữa hai bên gia đình và các con.
Bước đầu tạo mối quan hệ, nén tình thương yêu lại một chút để hai bên bố mẹ làm bạn, làm anh chị và các con có thể trở thành bạn bè, trở thành anh chị em của nhau. Cần có một khoảng thời gian đủ để hai con và bố mẹ ăn ở, có những hoạt động liên tục cùng nhau theo kiểu một tuần ở nhà này, một tuần (có thể theo tháng nếu địa lý không cho phép) ở nhà kia để các con thân thiết, quen với môi trường sống mới.
Tiếp đó sẽ tiến hành tạo thói quen các con xưng hô bố mẹ hai bên là cha mẹ, chăm sóc riêng với không gian riêng... Chắc chắn bố mẹ nào cũng sẽ ưu tiên chăm lo cho con của mình nhiều hơn để tạo sự thân thiện với con, đồng thời tạo cho con có khoảng cách xa dần bố mẹ nuôi. Việc ăn cùng, chơi cùng, ngủ cùng...sẽ vất vả trong thời gian đầu nhưng dần con sẽ quen với điều đó.
Tạo cho con đời sống tinh thần quen thuộc bằng cách chuyển dần các đồ chơi, chăn ga gối, đồ dùng cá nhân quen thuộc của con nào về với con đó, nhằm tạo không gian cũ của con. Thậm chí, bố mẹ có thể hoán đổi quần áo cho nhau để con có hình ảnh quen thuộc.
Từ đó, bắt đầu cho con làm quen môi trường gia đình mới. Sau khi đã tạo được thói quen như vậy thì sẽ tách dần các cháu trong sự tế nhị là đổi chỗ của chúng cho hai bố mẹ, con nào về nhà con đó trong một thời gian để các cháu quen dần với môi trường sống mới.
Có thể nói với con mình rằng, bố mẹ con đi công tác nên bây giờ bố mẹ sẽ thay một thời gian để chăm con chẳng hạn. Trong thời gian đầu, bố mẹ nuôi vẫn gọi điện hỏi thăm tuần một lần, sau đó khoảng cách giữa những lần nói chuyện sẽ xa hơn.
Khi dọn về chung sống cùng với nhau, cha mẹ cần dành thời gian nhiều cho con. Ngoài tình yêu thương, bố mẹ cần dành nhiều thời gian để nói chuyện và chơi với con hàng ngày, tạo ra những cuộc đi chơi, giao lưu với họ hàng, bạn bè, điểm vui chơi, để con quên dần đi hình ảnh bố mẹ nuôi.
Cuối cùng là chuẩn bị tư duy và tâm lý đón đầu sự thật cho con bằng cách sưu tầm hoặc tự nghĩ ra các câu chuyện liên quan đến việc trao nhầm con cho nhau của các con vật và của rất nhiều người để làm các câu chuyện kể hàng ngày cho con. Từ đó, cha mẹ sẽ cùng con phân tích vấn đề, đặt vào tình huống của con sẽ ra sao.
Hình ảnh của bố mẹ nuôi ban đầu sẽ không thể xóa hết hoàn toàn. Vì vậy, sau khoảng thời gian, con đã vững vàng tâm lý thông qua các câu chuyện và xử lý tình huống nhầm con đã kể, khi ấy cha mẹ sẽ kể câu chuyện thật cho con nghe.
Chính vì những vấn đề tâm lý có thể xảy ra với trẻ khi về lại với gia đình thật của mình nên cha mẹ phải thật cẩn trọng. Cần ý thức rằng nhận lại đứa con ruột thịt không hề dễ dàng, đối với cả trẻ và cả người lớn, phải thật khéo léo trong cách hành xử để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Trước đó, chị A. (quê xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thấy con gái càng lớn càng không giống cha mẹ hay bất kể người thân nào bởi da bé ngăm đen trong khi cha mẹ có nước da trắng trẻo. Chị lấy mẫu đi kiểm tra ADN và hoảng hốt khi nhận được kết quả con gái nuôi bốn năm nay không phải con mình. Ngày 7/6/2016, chị A. quay lại bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa gửi đơn đề nghị bệnh viện phối hợp tìm kiếm đứa con thất lạc, nghi vấn bị trao nhầm. Qua xác minh, có hai bé gái sinh vào khoảng 17h ngày 6/10/2012 và cách nhau chừng 5-7 phút được cho là có khả năng dễ nhầm lẫn nhất. Việc trao nhầm được xác định tại thời điểm hai nữ hộ sinh bế hai cháu ra trao cho hai bên gia đình Phía bệnh viện sau đó liên lạc với gia đình chị H. (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) đề nghị phối hợp và được chấp thuận. Ngày 19/6, trước sự chứng kiến của hai gia đình và y bác sĩ bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, kết quả phân tích gen được mở niêm phong. Hai đứa trẻ chính thức nhận lại cha mẹ ruột sau gần 4 năm xa cách. Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đang tiến hành xem xét trách nhiệm cá nhân của hai nữ hộ sinh và cá nhân, tập thể liên quan để đưa ra hình thức kỷ luật. Sự việc này cũng đã được Sở Y tế báo cáo về Bộ Y tế. |
Hoàng Lan