Phát hiện bệnh dại đầu tiên ở hải cẩu, nhiều con hung dữ tấn công người

20/09/2024 - 20:12

PNO - Các nhà khoa học ở Nam Phi cho biết họ đã phát hiện ra một đợt bùng phát bệnh dại ở hải cẩu. Đây là lần đầu tiên loại vi rút này lây lan ở động vật có vú ở biển.

Người dân địa phương thong thả đi dạo dọc theo cầu tàu ở cảng Kalk Bay, tránh một chú hải cẩu lông Cape đang nằm dài trên vỉa hè. (Ảnh: GunnarOberhosel)
Người dân địa phương thong thả đi dạo dọc theo cầu tàu ở cảng Kalk Bay, tránh một chú hải cẩu lông Cape đang nằm dài trên vỉa hè - Ảnh: GunnarOberhosel

Bác sĩ thú y Lesley van Helden cho biết, ít nhất 24 con hải cẩu lông nâu mắc bệnh dại được tìm thấy đã chết tại nhiều địa điểm khác nhau trên bờ biển phía tây và phía nam Nam Phi.

Bệnh dại, ảnh hưởng đến động vật có vú, có thể lây sang người và hầu như luôn gây tử vong khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh dại lây lan qua nước bọt, thường là qua vết cắn.

Vi rút này từ lâu đã được phát hiện ở các loài động vật hoang dã như gấu mèo, chó sói đồng cỏ, cáo, chó rừng và chó nhà. Nhưng chưa bao giờ ghi nhận vi rút lây lan giữa các loài động vật có vú ở biển, bác sĩ van Helden và các chuyên gia khác cho biết.

Trường hợp duy nhất được biết đến về bệnh dại ở động vật biển có vú là ở một con hải cẩu đeo vòng ở quần đảo Svalbard của Na Uy vào đầu những năm 1980. Các nhà nghiên cứu cho biết con hải cẩu đó có khả năng đã bị nhiễm bởi một con cáo Bắc Cực mắc bệnh dại và không có bằng chứng nào cho thấy bệnh dại lây lan giữa những con hải cẩu ở đó.

Các nhà chức trách ở Nam Phi lần đầu tiên phát hiện bệnh dại ở hải cẩu lông Cape hồi tháng Sáu sau khi một con chó bị hải cẩu cắn trên bãi biển Cape Town. Con chó đã bị nhiễm bệnh dại, các xét nghiệm bệnh dại trên các mẫu não từ 135 xác hải cẩu nhanh chóng được thực hiện. Khoảng 20 mẫu mới cũng đã được thu thập và cho ra nhiều kết quả dương tính hơn.

Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu xem bệnh dại lây truyền cho loài hải cẩu như thế nào, liệu nó có lây lan rộng rãi trong đàn hải cẩu lớn của chúng hay không và làm gì để có thể ngăn chặn nó.

Có khoảng 2 triệu con hải cẩu di cư qua lại giữa Nam Phi, Namibia và Angola dọc theo bờ biển phía nam và phía tây của châu Phi. Bác sĩ thú y Van Helden cho biết khả năng có thể xảy ra nhất là bệnh dại lần đầu tiên được truyền sang hải cẩu bởi chó rừng ở Namibia.

Các gen của vi rút dại được tìm thấy ở hải cẩu trùng khớp với vi rút dại ở chó rừng lưng đen ở Namibia. Nó cũng cho thấy bệnh dại đang được truyền giữa các con hải cẩu, vì hầu hết các chuỗi vi rút có liên quan chặt chẽ.

"Vì vậy, về cơ bản, nó đã tồn tại trong quần thể hải cẩu và được duy trì khi chúng cắn lẫn nhau", van Helden cho biết.

Hải cẩu sống gần người dân ở nhiều nơi tại Nam Phi, đặc biệt là trên các bãi biển quanh thành phố Cape Town. Gregg Oelofse - Giám đốc Cơ quan Quản lý môi trường và bờ biển của Cape Town cho biết thành phố đã ban hành cảnh báo cho người dân địa phương.

Trong 3 năm qua, các nhà chức trách đã bối rối trước các báo cáo về những con hải cẩu hung dữ quá mức và sự gia tăng các vụ hải cẩu tấn công người, một số người đã bị cắn.

Đến nay, chưa có trường hợp nào mắc bệnh dại ở người được ghi nhận do hậu quả này.

Gregg Oelofse cho biết chính quyền thành phố đã bắt đầu tiêm vắc xin cho một số lượng nhỏ hải cẩu tại 2 bến cảng nổi tiếng ở Cape Town, nơi chúng được coi là điểm thu hút khách du lịch.

Thảo Nguyễn (theo ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI