Phát hành tác phẩm cuối cùng của nhà văn Lê Văn Nghĩa: "Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức"

24/08/2021 - 15:14

PNO - "Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức" được phát hành vào tuần cuối cùng của tháng 8/2021 - một tháng sau ngày nhà văn từ giã cõi đời...

Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa qua đời vào tối 25/7/2021, khi bản thảo Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức vẫn còn đang ở Nhà xuất bản Trẻ. Đây gần như là tác phẩm cuối cùng của cố nhà văn.

Tác phẩm cuối đời của cố nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa
Tác phẩm cuối đời của cố nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa

Cũng là lần đầu tiên, trong những trang sách về Sài Gòn của nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa, có những ghi chép về dịch bệnh COVID-19. Ông viết về không gian sống quen thuộc bằng sự chậm rãi của câu chữ, những hình dung có thể cũng không xa lạ với người Sài Gòn trong suốt những ngày dịch bệnh. Nhưng lạ thay, trong sự im vắng của phố phường, lại thật giàu hình ảnh và thanh âm trong trang viết của nhà văn.

Đó là những hình ảnh và thanh âm của ký ức.

“Không nghe một tiếng động, một tiếng xe từ ngoài đường cái dội vào. Chẳng nghe tiếng xe bán thức ăn cho học sinh lách ca, lách cách đẩy trên đường. Đường hẻm khu phố tôi, vốn đã quen với tiếng động ầm ĩ hàng ngày (không muốn quen cũng không được) bây giờ như đang nằm ngủ. Tất cả đều ngủ. Im. Không một tiếng ngáy. Chưa bao giờ âm thanh lại đi vắng một cách lạnh lùng như thế. Có thể nói là tôi dễ chịu không? Chưa hẳn.

Nhưng lúc đó, tôi nghe như cả khu xóm bừng tỉnh, như cuộc sống đã trở lại khi từ xa nghe tiếng rao từ chiếc loa điện "Bánh mì nóng đây, bánh mì đặc ruột đây…”.

Cuốn sách gồm hai phần: tạp bút và biên khảo
Cuốn sách gồm hai phần: tạp bút và biên khảo

Mỗi một hình ảnh, cảm giác của hiện tại đều như mạch nối ký ức cho nhà văn. “Những mảnh ghép rời của ký ức” cứ dần đầy lên với Những con đường đi qua ký ức, Cái viện ngày xưa ấy có tên là Dạ Lữ, Chạp phô bà xẩm tiệm, Bánh mì rao, Cái thời ép nhựa bàn ủi than, Những chiếc đèn trung thu tuổi nhỏ…

Có cả những tiếng hát. “Tiếng hát Khánh Ly, Thanh Thúy... vang lên từ chiếc máy Akai. Chợt nhớ những phòng trà vang danh các giọng ca sầu mị, với các tình ca dịu dàng. Những giọng ca đi ra và lớn lên từ phòng trà, sàn gỗ, tạo dựng âm thanh, làm nên những đêm Sài Gòn mang màu trừu tượng…”. Và những bài ca vọng cổ mà “chỉ cần ca lên, như Trăng Thu dạ khúc, thì nước mắt lại chảy dài nhớ lại tuổi xưa”.

Tác phẩm gồm hai phần: tạp bút và biên khảo. Nếu như trong bài viết mở đầu phần tạp bút, nhà văn tâm tình: “Thời gian chậm rãi trôi đi mang theo những bóng dáng yêu thương ngụt trời của ký ức. Hãy tìm một chút mảnh ghép rời của Sài Gòn ngày xưa - để nhớ lại hồn Sài Gòn của một tuổi thơ tôi” thì lời mở đầu của phần biên khảo là những chia sẻ: “Mạch ngầm văn hóa Sài Gòn đâu thể thiếu những bài viết, giọng ca, lời nhạc, những vở cải lương đầy ánh lửa đam mê một thời. Những dòng nước ngọt văn học nghệ thuật từ mạch ngầm này đã góp phần làm nên một phần bản sắc văn hóa Sài Gòn”.

Cố nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa - Ảnh: VNExpress.
Cố nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa - Ảnh: VNExpress

Trong phần biên khảo, ông viết về các phòng trà vang bóng một thời: Đêm Màu Hồng, Tự Do, Maxim’s, Queen Bee…; về một thuở vàng son của cải lương với những tên tuổi: “Ngọc Linh và ngôi nhà của chính mình”, “Lê Hoài Nở: Soạn giả trào phúng đầu tiên của sân khấu cải lương”, “Tứ quý của sân khấu cải lương Nam Bộ: Trang, Châu, Chơi, Nở”…

Thực tại và quá khứ đồng hiện, ký ức và những câu chuyện về người xưa được tái hiện trong tác phẩm như dựng nên một bức tranh về đời sống - văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn của gần nửa thế kỷ trước. “Dù chỉ là những mảnh rời rạc, chưa ráp nối được để hình thành một tổng thể. Hay là, ngược lại, những nếp sống, vỉa tầng văn hóa đã trở thành một ký ức về Sài Gòn - Chợ Lớn của ngày xưa dù chỉ là từng mảnh rời không trọn vẹn” - trích Buông lưới tìm ký ức. 

Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa từ tạ cuộc đời, để lại một “di sản” chữ nghĩa vô cùng quý giá về Sài Gòn. Trước Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức, Nhà xuất bản Trẻ đã in những tác phẩm của cố nhà văn: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, Mùa hè năm Petrus, Tụi lớp nhất trường Bình Tây cây viết máy và con chó nhỏ, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy...

Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI