Phát hành phim Việt song song nơi 'sân khách': Cứ gõ, cửa sẽ mở!

23/04/2019 - 12:00

PNO - Ngoài uy tín của người làm phim, độ ăn khách của phim khi chiếu ở quê nhà, nội dung mang bản sắc riêng cũng là yếu tố giúp tác phẩm thuận lợi “xuất ngoại kiếm tiền”.

Phim Việt lại vừa có tin vui: sau Hai Phượng, Lật mặt 4: Nhà có khách đã tấn công hệ thống rạp ở Bắc Mỹ - thị trường điện ảnh lớn trên thế giới. Chuyện phim Việt phát hành tại nước ngoài không mới, nhưng để ra mắt khán giả quốc tế gần thời điểm ra rạp tại quê nhà thì chỉ mới hai phim trên làm được.

Nhanh như chớp!

Không phải đến bây giờ phim Việt mới vươn ra phòng vé nước ngoài. Trước đây, khán giả khu vực châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ cũng đã được tiếp cận nhiều phim Việt, nhưng thường phải chờ ít nhất một tháng sau khi chiếu tại Việt Nam. Nhiều phim chiếu sau những một đến vài năm. Phạm vi chiếu cũng giới hạn, chủ yếu phục vụ khán giả Việt kiều, chứ khó chen chân cạnh tranh ở các hệ thống rạp lớn nên doanh thu cũng không đáng kể.

Phat hanh phim Viet song song noi 'san khach': Cu go, cua se mo!
Với lợi thế của những cú nhát ma rùng rợn và các tình huống hài hành động trực tiếp, Lý Hải tự tin mang Lật mặt 4 ra thị trường hải ngoại

Việc Hai Phượng có mặt tại 12 địa điểm ở Mỹ, chỉ một tuần sau khi ra rạp Việt Nam được xem như dấu mốc mới trên con đường xuất khẩu phim Việt. Không những được chiếu ở nhiều bang, Hai Phượng còn nhận được nhiều đánh giá tích cực của báo chí quốc tế, khiến nhà phát hành quyết định tăng số rạp chiếu từ 13 rạp lên 28 và phát hành sang tận Toronto, Vancouver, Montreal của Canada.

Nối gót Hai Phượng, Lật mặt 4 “cập bến” San Francisco, Houston, Garden Grove, Orange, Seattle, Dallas (Mỹ) từ ngày 10/5, tại những cụm rạp lớn như AMC, Regal Cinema, Cineplex và CGV. Lẽ ra phim đã ra rạp Mỹ ngày 19/4 - một tuần sau khi chiếu tại Việt Nam, nhưng nhận thấy sự ăn khách ở thị trường trong nước (thu 60 tỷ sau 4 ngày đầu tiên) đối tác phát hành phim tại Mỹ đã quyết định tăng địa điểm chiếu, nên lịch phát hành phim bị đẩy lùi. Sau Mỹ, Lật mặt 4 sẽ trình chiếu tại Melbourne và Sydney (Úc), từ ngày 15/5.

Tất nhiên, không khó để thấy, dù có xuất ngoại thì Hai Phượng hay Lật mặt 4 vẫn chủ yếu thu hút khán giả người Việt hơn là người nước ngoài. Nhưng chí ít, hai phim này đã tạo ra bước ngoặt mới trong hành trình đưa phim nội chiếu thương mại đồng loạt tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

Trailer phim Lật mặt: Nhà có khách

Không ăn khách trong nước, đừng mơ xuất ngoại

Để lọt vào mắt xanh của các đơn vị phát hành phim quốc tế, nhất là lọt vào thị trường khó tính như Bắc Mỹ, Hai Phượng hay Lật mặt 4 đều phải đáp ứng chuẩn kỹ thuật của thế giới. Nhà sản xuất Minh Hà cho biết, để được công chiếu tại Mỹ, phim phải vượt qua những đợt đánh giá gắt gao, với những tiêu chuẩn kỹ thuật của điện ảnh quốc tế - từ việc câu chuyện phải cô đọng nhưng vẫn phải đầy đủ kịch tính, cao trào và có chiều sâu cho đến các khâu hậu kỳ như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc và các cảnh quay…

Việc Hai Phượng, Lật mặt 4 tự tin phát hành đồng thời trong và ngoài nước là kết quả của một quá trình dài mà các nhà làm phim đã âm thầm gầy dựng, chuẩn bị từ nhiều năm trước. Không dễ mà Hai Phượng được hãng lớn như Well Go USA Entertainment (từng phát hành nhiều phim châu Á ở Mỹ, trong đó có Diệp Vấn 3, Train to Busan, Along with the Gods: The two worlds, Burning) mua bản quyền, nếu trước đó Ngô Thanh Vân không có quá trình dài gây ấn tượng qua những vai diễn hành động trong các phim Việt Nam lẫn Hollywood.

Riêng với Lý Hải, anh cho biết: “Sau những lần bán các phần phim trước của series Lật mặt, để phát hành muộn ở thị trường nước ngoài, tôi mới có đủ uy tín để các đơn vị phát hành quốc tế chú ý. Họ phải coi phim mình làm có bán vé được trong nước hay không mới chấp nhận phát hành ở nước ngoài. Quá trình đàm phán cũng khá vất vả, kéo dài hơn nửa năm”.

Trailer phim Hai Phượng:

Ngoài uy tín của người làm phim, độ ăn khách của phim khi chiếu ở quê nhà, nội dung mang bản sắc riêng cũng là yếu tố giúp tác phẩm thuận lợi “xuất ngoại kiếm tiền”. Lý Hải bộc bạch: “Khán giả Mỹ quen với những “bom tấn” nên nếu mình cứ đưa bối cảnh nhà chọc trời hay mấy cảnh đập phá xế hộp vào phim, chắc chắn không “đấu” lại. Do đó, với Lật mặt 4, tôi chú trọng đến phong vị Việt, thông qua những đại cảnh lễ hội, thả hoa đăng, phiên chợ vùng cao, dù việc dàn dựng khiến phim tốn hơn 17 tỷ đồng - cao nhất trong loạt phim Lật mặt”.

Hai Phượng cũng đậm đặc hồn Việt với những cảnh quay khoe được nét yên bình của những làng quê trù phú vùng đồng bằng sông Cửu Long, sự hào nhoáng choáng ngợp của đường sá hay góc hẻm nhỏ u tối ở chốn đô thị Sài Gòn.

Xuất ngoại chiếu thương mại rộng rãi, đồng loạt với thị trường trong nước là ước mơ lâu nay của điện ảnh Việt. Sự chủ động nhập cuộc, tính toán đường đi nước bước, từ khâu sản xuất đến phát hành (như cách Lật mặt 4 chọn chiếu tại Mỹ từ ngày 10/5, vì gần Ngày của Mẹ 12/5, nhằm hợp với chủ đề tình mẫu tử của phim) của những nhà sản xuất như Ngô Thanh Vân, Lý Hải đã giúp họ mở cánh cửa vào thị trường quốc tế, tiếp thêm “đầu ra” cho sản phẩm. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI