Phát điên với con

15/05/2020 - 09:16

PNO - Nói gì cũng trơ trơ ra, vừa bề bộn, ở dơ, lại còn chậm chạp, cố chấp. Mở miệng ra là cãi mẹ xoi xói. Tôi đến phát điên với con.

Bé Su năm nay lớp Chín, đối mặt với kỳ tuyển sinh vào cấp III “gay go còn hơn cả thi đại học”. Tôi cho con học thêm buổi tối ở một trung tâm. Thầy dạy toán ở đó vốn là bạn học cũ của tôi. Một bữa, thầy gọi hỏi thăm đã chuẩn bị tinh thần cho con vào trường nào chưa? Đang bực mình vì nhắc con học bài nãy giờ chưa được, tôi bảo: “Nó vừa dở vừa lười, thôi kệ tới đâu thì tới”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đoạn sau là những phân tích thuần chuyên môn của một người trực tiếp kèm cặp Su học. Rằng thật ra Su không phải đứa trẻ chậm chạp hay làm biếng. Khả năng tiếp thu, tư duy nắm bắt của Su rất tốt. Mẹ đừng nên nghĩ Su như vậy. Điều quan trọng nhất là, mẹ hãy tin tưởng vào con.

Sau câu nói đó của thầy giáo là một khoảng lặng của riêng tôi. Bất ngờ. Ngại ngần. Xấu hổ. Không biết phải nói sao cho đúng nữa. Bao nhiêu nỗi ân hận vừa ngang qua lòng mình.

Bé Su có lẽ còn khá hơn cả lời nhận xét của người thầy giáo thân thiết kia. Là một cô bé nhạy cảm, có tư chất, nhưng Su cũng thừa hưởng đâu đó cái tính bốc đồng, ham chơi của đa số đám nhóc bây giờ. Con bé cũng chỉ ưa ngọt ngào, không thích bị mẹ xẵng giọng la mắng. Mà tôi thì…

Nhiều lúc, tôi tự bào chữa rằng, cuộc sống bây giờ bao điều lo toan. Mình đã bận rộn kiếm tiền rồi, về tới nhà rất mệt mỏi, mà con cái thì lì lợm, vô tâm. Nói gì cũng trơ trơ ra, vừa bề bộn, ở dơ, lại còn chậm chạp, cố chấp. Mở miệng ra là cãi mẹ xoi xói. Tôi đến phát điên với con.

Nhiều lần đã cố nhẹ nhàng khuyên nhủ, nhưng hai mẹ con cứ nói tới là ầm ĩ, tôi cũng đành bỏ cuộc. Đã có lần, tôi thở dài than với bạn rằng, hình như hai mẹ con tớ khắc khẩu, chuyện gì cũng bất hòa, chẳng thể nào vui vẻ với nhau được một lúc.

Mười bốn tuổi, Su khá phổng phao, thích ôm điện thoại, ngại ăn, có những mối quan hệ bạn bè kín đáo đâu đó. Tôi luôn thấy mình không thể nào tin tưởng hoàn toàn vào con được, đặc biệt là sau vài lần con bé lấp liếm nói dối hoặc gây ra chuyện ở trường. Con nói một đằng, cô giáo kết tội một nẻo, bạn bè của con đôi chối thêm một đằng nữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cái nỗi khổ đang ở chỗ làm thấy cô chủ nhiệm của con gọi điện mắng vốn ấy, phải trải qua rồi mới có thể thấu hiểu, đồng cảm. Lo âu. Quê độ. Tức giận. Muôn bậc cảm xúc của một bà mẹ khốn khổ, không có cái phần phước sinh được một đứa con gái nhu mì hiểu chuyện, thân tình chia sẻ cùng mẹ như hai người bạn với nhau…

Tôi từng nhìn những cặp mẹ con khác mà ao ước. Sao con gái họ thuần tính, hồn hậu, dịu dàng, sạch sẽ phát mê như thế chứ. Sao mà bé Su nhà tôi lại cá biệt tới chừng này. Sao mà nó cứ thích đối đầu mẹ suốt, làm gì cũng chướng mắt tôi, bảo gì cũng chẳng chịu vâng lời. Tôi đã làm sai chỗ nào mà phải chịu đựng một đứa con gái dở ương khó dạy tới ngần này!

Hỏi một chị đồng nghiệp: “Chị quản con gái cách nào hay vậy? Sao nó thân thiết với mẹ tới phát hờn, không ngang ngược lạnh lùng với mẹ như Su nhà tôi thế?”. Chị mới chia sẻ, rằng hãy dành thời gian cho con thật nhiều. Hỏi han kề cận bên nó. Nắm rõ bạn bè con y như bạn mình. Thời khóa biểu, lịch học của con mình thuộc như sổ tay công tác của mình. Tủ đồ của nó mình cần quen thuộc y như các món quần áo trang sức vật dụng của mình.

Phải như vậy thì mới có thể gần gũi, thâu tóm tâm tư tình cảm của một đứa con gái mới lớn. Chứ nào phải đơn giản đâu mà lầm! Điều quan trọng nhất, là hãy động viên và tin tưởng ở con. Con cái chúng ta rất giỏi, nó có thể làm được, bao quát được, tự quyết định được. Hãy nhìn vào những điều tích cực của con mà lạc quan lên nào!

Tôi giật mình. Bấy lâu nay, tôi dường như đã “soán quyền” của Su nhiều quá. Áp đặt rồi thất vọng, mắng mỏ la hét. Tôi đã quên mất cảm xúc độc lập của một cô gái nhỏ. Tôi để suy nghĩ của một phụ nữ nhiều hoài nghi từng trải tràn vào tâm tưởng đầy chán ngán. Tôi quên mất, Su vẫn là một cô bé hoàn toàn có thể tự khẳng định mình.

Hãy tin tưởng ở con. Một câu đơn giản thế thôi, mà tôi thì mãi loay hoay chưa tìm ra lời giải. 

Hải Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI