Phạt dịch vụ taxi Uber là đúng

03/12/2014 - 08:16

PNO - PNO - Với nhiều người, dịch vụ Uber còn là điều mới lạ. Có thể hiểu nôm na đây là dịch vụ gọi xe thông qua điện thoại thông minh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trước hết, người dùng phải sở hữu một chiếc smartphone, tiếp theo đó là một thẻ tín dụng hợp lệ như Visa, MC, AMEX rồi tải Uber về thông qua các chợ ứng dụng trên iOS, Android, BB và Windows Phone.

Với các tính năng này, người có nhu cầu di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe gần nhất. Không chỉ thông báo trước chi phí của chuyến đi, Uber còn cung cấp cho hành khách những thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón (loại xe, biển số), hình ảnh và tên tuổi tài xế.

Phat dich vu taxi Uber la dung

Lực lượng chức năng ở TP HCM xử phạt taxi Uber - Ảnh: Hữu Công (VnExpress.net)

Những ưu điểm của dịch vụ này có thể liệt kê như giá rẻ hơn, xe “xịn” hơn, điều này cũng có nghĩa người thuê xe cũng “sang” hơn vì các phương tiện tham gia dịch vụ này không có phù hiệu taxi, không logo hay đồng hồ tính cước thông thường mà khách hàng chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Do đó, chắc chắn là hành khách không phải lo âu khi bị tài xế “phù phép” tăng cước phí v.v…

Hiện nay, phía Uber không sở hữu hoặc vận hành bất cứ phương tiện chuyên chở hay nhân viên lái xe nào. Thay vào đó, Uber đã ký hợp đồng với khoảng 200 công ty vận tải tại TP.HCM.

Việc taxi Uber hoạt động ở TP.HCM và bị lực lượng chức năng xử lý được đề cập nhiều trong cuộc họp báo về tuyên truyền thực hiện các nghị định, thông tư mới liên quan tới lĩnh vực giao thông diễn ra chiều 1/12 tại Bộ Giao thông Vận tải.

Trước đó, Hiệp hội taxi TP HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM xem xét tính hợp pháp của dịch vụ này và cho rằng nếu nó phát triển sẽ ảnh hưởng tới "nồi cơm" của hàng nghìn tài xế taxi trên địa bàn.

Đến ngày 28/11, lực lượng thanh tra TP HCM bắt đầu xử phạt các xe taxi kinh doanh dịch vụ Uber theo nghị định số 171 ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, hành vi kinh doanh vận tải bằng ôtô mà không đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định có mức phạt cá nhân từ 3 đến 4 triệu đồng còn tổ chức từ 6 đến 8 triệu đồng.

Theo VnExpress.net

Nghĩ cho cùng, khi càng có nhiều dịch vụ vận chuyển, người dân có nhiều sự lựa chọn là cần thiết. Tuy nhiên, người ta băn khoăn: vấn đề đóng thuế như thế nào? Không đóng thuế, Nhà nước sẽ thất thu, dịch vụ này sẽ chiếm lợi thế về giá cước khi không phải tốn khoản chi phí để thực hiện nghĩa vụ thuế.

Ông Karun Arya - giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Uber cho rằng các doanh nghiệp đối tác sẽ có trách nhiệm đóng thuế. Nếu họ trốn thuế, phía cơ quan nhà nước có thể truy thu, bởi theo hợp đồng, phía Uber trả tiền cho đối tác qua tài khoản. Tùy theo hợp đồng ký kết, Uber thanh toán mỗi tháng 1 - 2 lần.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường (trong cuộc họp báo chiều 1/12 tại trụ sở Bộ GTVT): “Người điều hành và cả lái xe không được quản lý theo quy định, do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông cũng như tài sản của người dùng dịch vụ”.

Với taxi truyền thống, khi bỏ quên hành lý trên xe, khách hàng có thể gọi về tổng đài của hãng xe đó, còn trường hợp của dịch vụ này thì… bó tay. Và ai dám chắc các tài xế tham gia dịch vụ Uber đều có bằng lái?

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới, tài xế của các hãng taxi ở London (Anh), Roma (Italy), Paris (Pháp), Berlin (Đức) và thành phố Milan (Italy) đã từng đồng loạt phản đối việc Uber đào tạo tài xế "ồ ạt" và tăng cường cung cấp dịch vụ thuê xe dành cho những người chưa được cấp bằng lái, do cho rằng điều đó trực tiếp gây ảnh hưởng tới lượng khách hàng của họ

Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường nêu quan điểm: “Chúng tôi đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát việc đăng thông tin lên mạng, như buộc doanh nghiệp phải đăng ký hoặc khai báo hoạt động, từ đó sẽ kiểm tra năng lực. Khi đó mới suy nghĩ đến việc cho lưu hành kinh doanh hay không để xây dựng hành lang pháp lý, ban hành quy định”.

Quan điểm đó là đúng. Bởi, dù phục vụ với bất kỳ mục tiêu nào, cũng không thể đứng ngoài luật hiện hành. Có như thế “sân chơi” chung mới thật sự bình đẳng khi cùng cạnh tranh một loại hình dịch vụ. Đó chính là văn hóa của kinh doanh.

TRÍ NAM

Tối 27/11, tại TP.HCM, diễn ra cuộc họp báo ra mắt ứng dụng đặt xe ôm GrabBike.

Phat dich vu taxi Uber la dung

Hoạt động tương tự như GrabTaxi (ứng dụng đặt xe taxi), ứng dụng GrabBike ra đời giúp tài xế xe ôm được kết nối với khách hàng thông qua điện thoại thông minh.

Cụ thể, tài xế xe ôm cài đặt ứng dụng GrabBike vào điện thoại của mình và bật chế độ sẵn sàng đón khách. Khách hàng cũng cài đặt ứng dụng GrabBike vào điện thoại, khi cần đặt xe ôm, sẽ bật ứng dụng lên và tìm tài xế gần nhất để liên lạc.

GrabBike giúp khách hàng biết được thông tin của tài xế (tên, hình ảnh nhận diện, biển số xe, số điện thoại và cả cước phí cho hành trình cần đi). Đối với tài xế xe ôm, thu nhập cũng được tăng lên khi có thể đón được nhiều khách, mọi lúc mọi nơi và không mất phí bến bãi.

TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI