Với các bé gái, quan sát mẹ trang điểm hàng ngày thường khiến con tò mò. Trong các dịp được mẹ đưa đi tiệc hay lễ, Tết, bé cũng được mẹ đánh cho chút son, tô cho miếng phấn. Từ đó, bé nhận ra rằng, đánh son giúp bé xinh xắn hơn.
Phần lớn phụ huynh luôn muốn con chỉ sử dụng mỹ phẩm khi đủ lớn. Thế nhưng, với nhiều bé, dù chưa được sự đồng ý của cha mẹ vẫn lén dùng, đơn giản nhất là cất một cây son hay giữ hộp má hồng trong cặp xách. Hành động nhỏ này gây ra nhiều tranh cãi giữa các bậc phụ huynh.
Hiện nay, không khó để con trẻ tiếp cận với mỹ phẩm, đặc biệt là son môi. Vì vậy, một số người lựa chọn tỏ thái độ gay gắt, can thiệp bằng cách cấm đoán, thậm chí là phạt con để trẻ biết đó là việc làm chưa được phép. Trong khi đó, số khác muốn chia sẻ, tư vấn để con hiểu khi nào nên dùng mỹ phẩm.
Một nhóm các bà mẹ cho rằng, con có thể dùng son môi khi đến lớp, đó là tự do cá nhân, nhưng bé cần lựa chọn loại phù hợp nhất với lứa tuổi.
Nguyễn Thị Thanh Huyền, TP.HCM
|
Thanh Huyền và con gái thứ hai. |
Tôi vừa sơn móng chân màu xanh cho gái hôm cuối tuần. Tôi nghĩ khi con đánh son hay trang điểm là bé đang khám phá, cứ để bé bôi, trét thỏa thích. Tôi để nguyên trên mặt bé vài lần, sau đó giải thích cho con hiểu và cất chúng đi. Tôi bảo con đồ này của mẹ, khi nào con lớn mẹ sẽ mua cho con dùng. Tôi không rõ bé có hiểu như tôi mong muốn không.
Tôi giải thích cho con về độ tuổi không phù hợp sử dụng son môi, có lẽ đây là việc tôi phải làm cả quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Tôi cũng nói cho con hiểu ưu tiên sử dụng mỹ phẩm trong những sự kiện của trường, hay đám cưới gia đình.
Bây giờ, con gái học cấp 1, 2 hay 3 đều dùng mỹ phẩm dưỡng, kể cả son dưỡng môi, còn son môi có màu rực rỡ nên dùng khi có sự kiện đặc biệt.
Với tôi, con học cấp 2 hay 3 có thể dùng son dưỡng. Tôi vẫn muốn ngoài kỹ năng chăm sóc da cơ bản ở tuổi dậy thì, hết cấp 3 bé sẽ được thoải mái với chuyện trang điểm.
Hiện tại, các bạn nữ cấp 3 hầu như quá sành điệu với mỹ phẩm. Tôi sẽ cố gắng giải thích cho con về mỹ phẩm tốt và không tốt để con ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe.
Mọi hành động cấm đoán với lứa tuổi dậy thì phần lớn đều là cha mẹ nhận phần thua. Tôi mong muốn mình thành bạn đồng hành và tư vấn cho con hiểu hơn là ở tuyến đối đầu với nó.
Nếu muốn trang điểm, tôi sẽ khuyên bé hãy tự tìm hiểu và tự kiếm tiền (làm thêm việc nhà, giúp bố mẹ, chăm sóc em,…) để mua. Tôi sẽ giải thích hậu quả, cho con xem những tác hại khôn lường của mỹ phẩm giả, kém chất lượng cũng như gợi ý, đưa ra lời khuyên cho con nên mua ở đâu.
Giang Lê, TP.HCM
|
Lê Giang và con gái. |
Tôi không có suy nghĩ sẽ cấm đoán hay phạt con vì sử dụng son môi khi chưa đủ 18 tuổi. Tôi thích dạy con cách chăm sóc da, cơ thể, kể cả môi. Hiện tại, mỗi dịp đi tiệc, chơi lễ, tôi cũng không dùng son hay mỹ phẩm cho con mà ưu tiên cột tóc, chọn váy áo, phụ kiện cho bé hơn.
Nhiều bé học cấp 1 hiện giờ đã được cha mẹ cho sử dụng son dưỡng, tôi nghĩ trẻ con không sai, còn người lớn không cho bé biết khi nào nên và không nên dùng mỹ phẩm. Da của con trẻ còn non nớt, dùng mỹ phẩm quá sớm có nhiều tác hại hơn là giúp bé trông xinh hơn.
Với tôi, bé học cấp 1 hay 2 không nên dùng son môi khi đến lớp, cấp 3 phù hợp hơn, và tuổi này có cấm cũng rất khó. Thay vào đó tôi dẫn con đi các nơi có dòng son tốt, phù hợp với con và cho con lựa chọn cũng như phân biệt được nơi nào nên mua và không nên mua để nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ làn môi.
Việc con còn ngồi ghế nhà trường cũng nên chọn những gì hợp với tuổi teen, giá tiền nữa.
Huyền Bùi, TP.HCM
|
Huyền Bùi và con gái. |
Tôi thuộc tuýp phụ nữ hạn chế sử dụng son môi nên tuyệt đối không dùng son cho con khi còn nhỏ, dù con rất tò mò dù đôi khi thấy mẹ đánh son.
Khi con còn nhỏ, mình có thể kiểm soát nhưng bé học cấp 2 hay 3 càng cấm càng khó quản lý, tôi sẽ trò chuyện thay vì cấm đoán.
Tôi luôn nói với con rằng con còn nhỏ, môi của con xinh lắm, không cần dùng son. Son môi có hóa chất không tốt cho sức khỏe, khi nào lớn lên hãy dùng. Bé con cũng biết vâng lời nên tôi rất an tâm.
Tôi quan tâm đến dòng son hữu cơ, thuần thiên nhiên và thiên về dưỡng nhiều. Tôi không cuồng những dòng son lỳ, bám lâu trôi. Khi có sự kiện, lễ, tiệc tôi mới sử dụng, còn lại vẫn ưu tiên dưỡng và để mặt mộc. Tôi cũng hướng con quan tâm đến sản phẩm phù hợp với tuổi cũng như thiên nhiên để tốt hơn cho bé.
Nguyễn Hoàng Quyên, Đà Nẵng
Công việc của tôi là kinh doanh cửa hàng dịch vụ thực phẩm, mỗi ngày đều “đầu tắt mặt tối” với quán xá, khách hàng, để theo dõi sát con hàng ngày thật sự là không thường xuyên.
Tôi vẫn còn nhớ cách đây 4 năm, khi bé mới vào lớp 6. Một hôm con đi học về môi đỏ chót, tôi giật mình hốt hoảng tự hỏi, con bé biết trang điểm từ khi nào? Nó lấy đâu ra thỏi son để đánh môi đỏ rực thế kia? Đến lớp trang điểm lòe loẹt như vậy có trở thành kỳ hoặc hay không, cô có phạt không? Con bé có bạn trai ư? Điệu đà thế kia làm sao lo học được?,…
Từ tâm lý lo lắng, tôi đã đánh con. Tôi cấm con tuyệt đối không sử dụng son môi, má hồng, mỹ phẩm trên mặt khi đến lớp. Tôi cấm con bé dù bạn bè có dùng, chính con phải lựa chọn không sử dụng vì nó không phù hợp với lứa tuổi. Với tôi, đó là việc làm sai nên con bị phạt.
Tôi kể câu chuyện này cho những mẹ là hàng xóm, họ đều đồng tình với tôi rằng nên cấm. Tôi nghĩ mình đã đúng khi làm thế với con. Từ đó đến nay, con học gần hết cấp 2 vẫn không tái lại hành động đó.
Sau đó, tôi cũng chỉ có thể quan sát con khi cháu đi học về nhà. Thỉnh thoảng kiểm tra cặp xách, phòng ngủ thấy không có mỹ phẩm nên tôi không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng nói thật, tôi không thể kiểm soát khi lên lớp con bé có lén đánh chút son cho môi căng mọng, màu rực rỡ như các bạn rồi tan lớp xóa đi để mẹ không đánh hay không.
Đến giờ, bé chuẩn bị qua cấp 3, tôi không còn suy nghĩ cấm đoán tiêu cực như trước. Bởi khi gia đình đi siêu thị, du lịch, cơ hội để bé tiếp xúc với mỹ phẩm quá dễ. Chính tôi cũng không thể kiềm lòng trước những chương trình khuyến mãi, màu son đẹp của các hãng. Tôi sẽ khuyên con nên dùng hàng tốt để bảo vệ sức khỏe, vùng môi ở da bởi son môi thật ra cũng là một loại hóa chất.
Nguyễn Thị Linh, Hà Nội
Tôi vẫn cho con dùng son mỗi khi đi tiệc, sự kiện cùng mẹ, còn đi học tôi không cho phép. Bé vốn hiểu chuyện nên khi tôi nói nhỏ nhẹ việc vì sao con chưa thể dùng khi đến lớp bé cũng hiểu và không hỏi.
Bây giờ bé chỉ mới học lớp 4, nếu sang lớp 5 hay cấp 2, bé vẫn thích sử dụng son môi để làm điệu, tôi hướng con nên thay bằng kem dưỡng da, cho con xem những clip về dưỡng da với thảo dược, các loại từ rau củ tự nhiên,… Tôi cũng giải thích cho con hiểu sự kiên trì, chăm sóc thật kỹ lưỡng để sở hữu làn da, bờ môi bền đẹp. Sự thật là mẹ bé cũng đang làm như thế, vì sao con không thể?
Với thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam, việc cho phép con sử dụng kem dưỡng và kem chống nắng là điều tôi muốn hướng đến, vì da trẻ con hay người lớn đều sẽ hư hỏng, lão hóa sớm dưới thời tiết như hiện nay.
Tôi cũng muốn con tự biết cách chăm sóc, bảo vệ cho làn da chính mình. Tuy nhiên, việc cho con dùng kem dưỡng da, chống nắng vẫn là suy nghĩ cá nhân, tôi đang tìm kiếm, tham khảo những loại có nguồn gốc hữu cơ, thiên nhiên tốt cho da của bé.
Tôi nghĩ khi bé qua lớp 12, tôi sẽ không can thiệp việc bé có thích sử dụng hay đang sử dụng son môi, mỹ phẩm hay không. Tôi quan niệm, khi con chưa đủ 18 tuổi, vẫn đang được sự bảo bọc, bảo hộ từ phía cha mẹ, con nên có giới hạn cụ thể hơn về làm đẹp, điều quan trọng của con là học tập và phát triển kỹ năng.
Việc tôi có thể quản lý, kiểm soát được con hay không khi sử dụng mỹ phẩm, chắc là tùy theo tình huống, tâm trạng của bé có chịu hợp tác với mẹ hay không.
Thị trường son môi dành cho tuổi teen hiện tràn lan và có nhiều nguồn gốc khác nhau. Để thu hút sự chú ý và thích thú của trẻ, nhiều hãng ra mắt các dòng son có màu rực rỡ bất thường, lâu phai.
Nhiều phụ huynh bất chấp xuất xứ, nguyên liệu cũng như độ tuổi của bé chọn mua nhiều loại son khác nhau vì mẫu đẹp, giúp con có thêm đồ chơi hoặc để con dễ pha màu khi thoa lên môi. Một số bé tự tìm hiểu và mua son môi vì thích thú, không quan tâm đến chất lượng và tác hại của sản phẩm.
Với những sản phẩm nhiều màu sắc, nhiều khả năng có chứa chất hóa học giúp bám, ngấm màu lâu trên da. Son thường được nuốt vào trong cơ thể khi bé liếm môi, ăn uống, vì vậy, không chỉ gây độc cho cơ thể mà còn rối loạn tiêu hóa, gây dị ứng bề mặt vùng da ở môi.
|
Min Nguyễn